Ngày hội ngành Lạnh và Điều hòa không khí toàn quốc: Tìm bệ đỡ cho phát triển

Diễn ra từ 26-28/10/2023 tại Bắc Ninh, Ngày hội ngành Lạnh và Điều hòa không khí toàn quốc là dịp để các DN, chuyên gia, nhà quản lý tìm tiếng nói chung.

Nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện quốc tế Phòng sạch và Nhà máy công nghệ cao (CLEANFACT & RESAT EXPO 2023) về lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí (HVACR) do Hội khoa học kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam tổ chức. Chuỗi sự kiện sẽ kéo dài 3 ngày 26-28/10/2023 tại Tòa nhà Intech Group Business Hub, Khu công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh với không gian triển lãm dự kiến có hơn 200 gian hàng trưng bày, 5000 khách tham quan và 10 hội thảo và chương trình kết nối chuyên ngành.

Ngày hội ngành Lạnh và Điều hòa không khí là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp và nhà quản lý tìm tiếng nói chung cho sự phát triển của ngành

Hướng đến một tiếng nói chung

Lần đầu tiên sự kiện được tổ chức tại Việt Nam nhân dịp Việt Nam là nước đăng cai tổ chức Diễn đàn thường niên lần thứ 5 của Hội Lạnh và Điều hòa không khí 5 nước ASEAN gồm có Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Philippine, Indonesia và Hiệp hội ngành công nghiệp lạnh và Điều hòa không khí Nhật Bản (JRAIA) để cùng trao đổi về những xu hướng của ngành HVACR. Chương trình dự kiến quy tụ những doanh nghiệp/ tổ chức hàng đầu trong nước và quốc tế cùng thảo luận về các cơ chế, chính sách, và cập nhật những giải pháp ưu việt cũng như xu hướng mới trong lĩnh vực HVACR như: Hiệu quả năng lượng, an toàn, môi chất lạnh có GWP thấp…

TS. Nguyễn Xuân Tiên - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam cho biết: Ngành lạnh và điều hòa không khi là ngành không có cơ quan quản lý trực tiếp nhưng tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam và tăng nhanh nhất trong các ngành tại khu vực ASEAN.

Theo tính toán, tại Việt Nam ngành Lạnh tiêu thụ khoảng 20% tổng sản lượng điện điện thương phẩm của toàn quốc nhưng ngành Lạnh không có một Bộ, cơ quan ngang bộ nào chủ quản.

Trong khi ngành này có ảnh hưởng lớn tới xã hội, tuy nhiên mỗi Bộ quản chỉ quản lý lĩnh vực chuyên ngành do vậy rất khó để tìm tiếng nói chung trong định hướng phát triển và có những chính sách phù hợp trong xu thế mới của quốc tế về nền kinh tế số, nhà máy thông minh, công nghệ cao nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, bảo vệ tầng ôzôn.

Môi trường phòng sạch là điều kiện cần thiết để tạo ra sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn trong lĩnh vực công nghệ cao. (Ảnh: Intech)

Hiện ngành Lạnh và Điều hòa không khí chưa có một cơ quan quản lý trực tiếp: Bộ Công Thương quản lý nhãn năng lượng, Bộ Xây dựng lo chất lượng không khí trong tòa nhà, Bộ Tài nguyên và Môi trường phụ trách về khí nhà kính, khí ga, môi trường.., Bộ Khoa học và Công nghệ phụ trách xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn…”- TS Tiên cho hay.

"Do vậy, chúng tôi mong muốn thông qua Ngày hội để tập hợp các chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện các bộ ngành để cùng nhau thảo luận tìm tiếng nói chung cho sự phát triển của ngành trong thời gian tới”- TS Tiên nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Hội Khoa học Kỹ thuật Lạnh và Điều hòa không khí Việt Nam, tại cơ quan công sở lượng điện cho điều hòa chiếm 50-60%, tỷ lệ này quá lớn. Hiện xu hướng các hãng cũng đã có ý thức đối với sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao, tuy nhiên tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam (Sao năng lượng) cho các sản phẩm Điều hòa không khí vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác. Đơn cử, lượng điện tiêu thụ vẫn cao hơn 30-50% so với Mỹ.

Xu hướng phát triển của ngành Lạnh trong tương lai

Nhận xét về tầm quan trọng của ngành Lạnh và xu thế phát triển trong tương lai, PGS. TS. Nguyễn Việt Dũng Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Tầm quan trọng của ngành Lạnh và Điều hòa không khí ngày càng được thấy rõ khi mà thế giới và Việt Nam đang hướng đến nền kinh tế số, sản xuất thông minh, nhà máy công nghệ cao.... Vậy chúng ta cần phải có môi trường sạch, nhiệt độ mát đạt tiêu chuẩn (Phòng sạch) để đảm bảo các thiết bị, máy móc… đó có thể vận hành được. Đó là chưa kể đến câu chuyện chế biến, lưu trữ, vận chuyển, bảo quản thực phẩm và phân phối càng cần ngành Lạnh (chuỗi Lạnh) điều này được bộc lộ rõ qua đại dịch Covid-19.

Sản xuất công nghệ cao đặc biệt trong lĩnh vực dược phẩm, chế biến thực phẩm đòi hỏi chuỗi Lạnh và Phòng sạch. (Ảnh: Hương Giang)

Có thể khẳng định, xã hội càng hiện đại, nhu cầu các sản phẩm làm lạnh càng tăng. Đó là lý do vì sao trong thời gian dịch Covid -19 những ngành sản xuất khác giảm sút nhưng ngành Lạnh, Điều hòa không khí vẫn phát triển bền vững với quy mô lớn nhất trong toàn khối ASEAN. Tuy bị sụt giảm trong thời kỳ diễn ra dịch Covid nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn cao hơn GDP của Việt Nam hiện nay từ 8-10%. Đây là tốc độ phát triển rất lớn, gấp đôi tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới”- PGS.TS Nguyễn Việt Dũng cho hay.

Tuy nhiên đi cùng với sự phát triển, mặt trái của ngành Lạnh và Điều hòa không khí cũng đã bộc lộ như: Tiêu hao năng lượng, phát thải ra môi trường cao, nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu trong trường hợp rò rỉ ga lạnh (Chất R-22 là môi chất lạnh của HCFC) việc giải phóng ra HCFC làm suy giảm tần ô-zôn bảo vệ Trái đất và góp phần gây ra biến đổi khí hậu.

Ngành sản xuất vi mạch, lắp ráp điện tử đòi hỏi tiêu chuẩn Phòng sạch rất cao

PGS.TS Nguyễn Việt Dũng cho biết thêm, nếu rò rỉ ga lạnh (HCFC) ra ngoài môi trường sẽ tương với lượng phát thải CO2 để chúng ta sản xuất ra gần 3.000kWh, theo tỷ lệ phát thải hiện nay của ngành điện, không kể xả nhiệt ra môi trường và dùng nhiều điện năng.

Theo thống kê của IAEA năm 2016 toàn thế giới dùng hết 16% tổng sản lượng điện thương phẩm để dùng cho lĩnh vực điều hòa không khí và làm lạnh, dự đoán đến năm 2030 con số này lên tới 30%, nền kinh tế càng phát triển, càng hiện đại thì càng dùng nhiều thiết bị điều hòa không khí”- PGS.TS Nguyễn Việt Dũng khẳng định.

Sáng 26/10 từ 09:00 -12:30: Diễn đàn ASEAN5+J Lần thứ 5: Diễn đàn thường niên lần thứ 5 của Hội Lạnh và Điều hòa không khí 5 nước ASEAN gồm có Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Philippine, Indonesia và Hiệp hội ngành công nghiệp lạnh và Điều hòa không khí Nhật Bản JRAIA về những xu hướng của ngành: Hiệu quả năng lượng, an toàn, môi chất lạnh có GWP thấp.

Chiều 26/10, từ 14:00 - 17:00: Hội thảo: Chính sách nhà nước liên quan đến sự phát triển của ngành Lạnh và Điều hòa không khí, hướng đến trung hòa Các-bon và nâng cao chất lượng xử lý không khí.

Tối 26/10, từ 17:30 - 21:00: Đêm hội Giao lưu lĩnh vực Lạnh và Điều hòa không khí toàn quốc: Đêm hội giao lưu các hiệp hội ngành Lạnh và Điều hòa không khí ASEAN5+J, các trường đại học, các chuyên gia, các hãng, các nhà thầu và đơn vị tư vấn thiết kế hàng đầu, trong lĩnh vực Lạnh và Điều hòa không khí.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-hoi-nganh-lanh-va-dieu-hoa-khong-khi-toan-quoc-tim-be-do-cho-phat-trien-268795.html