'Ngày Độc lập luôn hiện hữu trong tim văn nghệ sĩ'

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói Quốc khánh 2/9 luôn có ý nghĩa lớn lao với văn nghệ sĩ. Cách mạng thành công mang đến cho con người Việt Nam đôi cánh tự do.

Trong chuỗi triển lãm sách kỷ niệm 75 năm Quốc khánh đang diễn ra tại trang Book365.vn, ban tổ chức đã thực hiện tọa đàm về những mốc son trong lịch sử dân tộc.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Giám đốc NXB Hội Nhà văn, Phó chủ tịch Hội Nhà văn - tham gia chương trình giao lưu, chia sẻ về cảm xúc trong ngày Tết Độc lập, cũng như thành tựu của ngành xuất bản 75 năm qua.

 Triển lãm sách trực tuyến mừng 75 năm Quốc khánh 2/9 đang diễn ra tại trang Book365.vn. Ảnh: Quỳnh Trang.

Triển lãm sách trực tuyến mừng 75 năm Quốc khánh 2/9 đang diễn ra tại trang Book365.vn. Ảnh: Quỳnh Trang.

“Với tôi, 2/9 là sự kiện lớn nhất của dân tộc, khi Việt Nam trở thành quốc gia độc lập, tự do. Cuộc cách mạng đã mang đến cho con người Việt Nam đôi cánh tự do, khai mở mọi tiềm năng của mảnh đất này, trí tuệ này, trái tim này”, ông Nguyễn Quang Thiều nói.

Không chỉ Việt Nam, với tất cả quốc gia trên thế giới, ngày Độc lập luôn thiêng liêng nhất. Ngày đó, những giá trị bị vùi dập trong chiến tranh, nô lệ trước đây giờ được bừng sáng. Một dân tộc không tìm được độc lập, tự do, không tìm được tuyên ngôn của mình, sẽ không tìm đúng đường.

Khi được hỏi cảm xúc về Tết Độc lập, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói: “Ta có rừng ngôn từ để nói về cảm xúc trong ngày 2/9. Nhưng điều tôi muốn nói nhất là chúng ta đang sống trong đất nước độc lập, tự do”.

“Tự do khiến mọi điều trở nên huy hoàng, đẹp đẽ. Đó là con đường, nơi đến mà dân tộc ta đã đi qua biết bao năm chiến tranh tàn khốc để có được điều đó. Niềm hạnh phúc nhất là ta đang ngồi trên mảnh đất tự do, công dân tự do, cất tiếng tự do”, tác giả Sự mất ngủ của lửa chia sẻ.

Là người sinh sau ngày 2/9/1945 lịch sử, nhưng với Nguyễn Quang Thiều, “ngày đó hiện hữu trong đời sống, trái tim chúng tôi vô cùng kỳ vĩ. Ngày đó mở ra, đặc biệt với văn nghệ sĩ, tự do sáng tạo”.

Ông dẫn chứng trước năm 1945 nền văn học ở giai đoạn khác. Sau năm này, văn học đã khác, đi trên một đại lộ thênh thang sáng tạo.

 Từ phải sang: Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà báo Trần Mai Hạnh, MC tại chương trình giao lưu trong khuôn khổ triển lãm sách mừng Quốc khánh 2/9. Ảnh: Huyền Trang.

Từ phải sang: Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà báo Trần Mai Hạnh, MC tại chương trình giao lưu trong khuôn khổ triển lãm sách mừng Quốc khánh 2/9. Ảnh: Huyền Trang.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng lịch sử của sách luôn gắn liền lịch sử dân tộc. Nếu nghiên cứu số lượng sách, đề tài, nội dung sách, ta sẽ thấy ngay dân tộc đó đang phát triển thế nào, đang đi trên con đường gì, đi đến đâu.

“Từ năm 1945 đến nay, chúng ta thấy mỗi năm số lượng sách in ra nhiều thêm, đa dạng hơn. 30 năm trước, ta không nghĩ có thể làm những cuốn sách hay, sách đẹp như hiện nay. Đếm số lượng sách, xem nội dung cuốn sách, ta có thể phần nào thấy sự lớn mạnh của đất nước”, giám đốc NXB Hội Nhà văn nói.

Khi nhìn vào sách ngày nay, chúng ta có thể thấy sự phát triển, khai hóa, văn minh.

“Sách mở ra ô cửa quan trọng cho thế giới nhìn vào tâm hồn sâu thẳm của người Việt Nam. Sách cũng mở ra ô cửa để người Việt Nam đi ra thế giới; để Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của thế giới, đóng góp vào văn hóa, văn minh nhân loại”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.

Y Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngay-doc-lap-luon-hien-huu-trong-tim-van-nghe-si-post1126931.html