Ngày đầu tiên hồi sinh bến phà Vàm Cống trăm năm tuổi

Sau 4 năm ngưng hoạt động để nhường chỗ cho cầu Vàm Cống, sáng 1/9, chuyến phà đầu tiên nối đôi bờ Đồng Tháp - An Giang chính thức hoạt động trở lại, mang đến niềm vui cho những người từng gắn bó với bến phà trăm năm tuổi này.

Phà Vàm Cống nhộn nhịp ngày đầu trở lại

Có mặt từ rất sớm, PV Báo Giao thông ghi nhận không khí nhộn nhịp tại bến phà Vàm Cống. Phía bờ Đồng Tháp, nhiều người dân chờ đợi mua vé để được xuống phà.

Người dân chờ mua vé để được đi phà Vàm Cống.

Bà Nguyễn Thị Long (71 tuổi, ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) có mặt trước nửa tiếng khi chuyến phà Vàm Cống đầu tiên hoạt động.

Bà cho biết, háo hức mấy ngày nay đợi phà chạy lại để tiện hơn khi qua thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Bà Long (bên trái) ngồi tại nhà chờ phà Vàm Cống để qua thành phố Long Xuyên thăm người thân.

"Sáng sớm tôi đã bắt xe ôm chở lại đây để qua Long Xuyên thăm người thân. Phà Vàm Cống chạy lại tôi thấy vui vì việc đi lại sẽ thuận tiện hơn", bà Long nói.

Bốn năm qua, anh Nguyễn Sơn Tùng (ngụ xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) phải chạy vòng khoảng 10km qua cầu Vàm Cống để làm việc tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Hay tin phà Vàm Cống hoạt động trở lại anh rất vui vì việc di chuyển hàng ngày đã được rút ngắn, đỡ tốn chi phí xăng xe mỗi khi đi làm.

Anh Tùng sáng nay đi làm bằng phà Vàm Cống.

Anh Tùng chia sẻ: "Mai mốt đi phà Vàm Cống luôn vì qua bờ bên kia là tới Long Xuyên (tỉnh An Giang) rồi. Còn đi cầu Vàm Cống phải vòng qua quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ) xa hơn nhiều".

Vừa cài lại áo phao, ông Nguyễn Văn Búp (72 tuổi, ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) cho biết, sáng nay ông qua thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang thăm người thân. Có phà Vàm Cống việc đi lại thêm thuận tiện.

Ông Búp phấn khởi khi là những người đầu tiên đi trên chuyến phà Vàm Cống sau 4 năm ngưng hoạt động.

"Hoạt động song song vừa phà, vừa cầu như vầy thì người dân có thêm lựa chọn, đường nào tiện thì đi", ông Búp phấn khởi nói.

Phà trở lại sớm hơn dự kiến

Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần Phà Đồng Tháp cho biết, theo dự kiến ban đầu, chuyến phà Vàm Cống đầu tiên hoạt động vào ngày 2/9.

Nhưng để tiện trong việc đi lại của người dân, hai bên bờ An Giang và Đồng Tháp thống nhất cho phà chạy chuyến đầu tiên vào lúc 7h sáng 1/9.

Phà Vàm Cống hoạt động trở lại từ 7h ngày 1/9.

"Để đảm bảo an toàn kỹ thuật cũng như an toàn cho người dân lưu thông qua phà, chúng tôi đã tổ chức cho chạy thử nghiệm trước hai ngày. Sau khi kiểm tra tất cả đảm bảo đủ điều kiện an toàn, chúng tôi mới cho hoạt động", ông Hải thông tin.

Trong ngày đầu tiên hoạt động, phía bờ Đồng Tháp tổ chức hai ca trực, với 4 chiếc phà hoạt động xuyên suốt (3 chiếc có tải trọng từ 40-60 tấn, chiếc dự trù còn lại có tải trọng 100 tấn), mỗi ca có hơn 10 người đảm trách các nhiệm vụ để phà hoạt động liên tục.

Người dân dưới phà háo hức chờ qua sông, phía bờ thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Phà chủ yếu phục vụ người đi bộ, xe máy và ô tô tải có tải trọng dưới 7 tấn, thời gian hoạt động ngày đầu tiên từ 7h-22h. Những ngày sau phà tăng thời gian hoạt động cố định từ 4h-22h hằng ngày.

Giá vé xe máy là 6.000 đồng/lượt, xe ô tô tải dưới 3 tấn 25.000 đồng/lượt, ô tô tải 5-7 tấn 60.000 đồng/lượt.

Một chuyến phà đang chạy ngược lại từ phía An Giang qua Đồng Tháp.

Ông Hải nói thêm: "Chuyến chạy đầu tiên phà Vàm Cống rất thành công. Chúng tôi hi vọng sau khi phà hoạt động trở lại sẽ mang đến sự thuận tiện cho người dân khi di chuyển qua thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang và huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp".

Niềm vui của những người gắn bó với bến phà

Đã trăm năm qua, bến phà Vàm Cống luôn gắn bó mật thiết và để lại tình cảm sâu đậm đối với những người từng có mặt trên phà qua lại hàng ngày, nối nhịp đôi bờ Đồng Tháp và An Giang.

Ông Nguyễn Thành Trung, thủy thủ lái chuyến phà đầu tiên sau khi phà Vàm Cống hoạt động trở lại.

Do vậy, khi quay trở lại bến phà Vàm Cống và phụ trách lái chuyến đầu tiên sau 4 năm ngưng hoạt động, ông Nguyễn Thành Trung, thủy thủ phà Vàm Cống, nhân viên Công ty Cổ phần Phà Đồng Tháp không giấu được niềm vui.

"Mấy ngày nay tôi trông chờ chuyến phà này dữ lắm. Bốn năm rồi mới được ngồi lái phà Vàm Cống, thật sự đây là một niềm hạnh phúc to lớn đối với tôi", ông Trung cho biết thêm.

Anh Huy thấp thỏm mong chờ chuyến phà Vàm Cống đầu tiên hoạt động.

Cùng với ông Trung thực hiện chuyến phà đầu tiên, anh Phan Khải Huy sáng nay được giao nhiệm vụ hướng dẫn người dân đậu xe an toàn, đóng mở cửa, kéo lưỡi phà lên xuống khi rời và cập bến.

Anh cho biết, để chuẩn bị cho chuyến phà đầu tiên này, toàn bộ nhân viên phà Đồng Tháp đã được tập huấn rất kỹ càng. Đồng thời, chỉnh trang, sửa chữa lại cơ sở vật chất nhằm đảm bảo an toàn cho người dân qua sông.

"Lâu rồi bến phà Vàm Cống mới lại nhộn nhịp thế này. Tôi và tất cả mọi người sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ khi phà hoạt động trở lại", anh Huy cho hay.

Việc soát vé của anh Vũ sáng nay tuy cực mà vui.

Hôm nay anh Trần Hoàng Vũ, nhân viên soát vé phà Vàm Cống phía bờ Đồng Tháp cảm thấy vui và hồi hộp vì lâu rồi mới được làm việc tại phà Vàm Cống.

Anh cho biết, sau 4 năm phà ngưng hoạt động thì sáng nay khi trở lại người dân qua phà rất đông. Cảm giác gặp lại những vị khách đi chuyến phà đầu tiên để qua bờ An Giang như gặp lại những người thân sau bao ngày xa cách.

Trước đó, cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu khánh thành ngày 19/5/2019. Công trình có tổng mức đầu tư 5.700 tỉ đồng, nối quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp).
Sau khi cầu thông xe, đúng 9h ngày 30/6/2019, chuyến phà cuối tại bến Vàm Cống (cách cầu khoảng 4km) cũng hoàn thành và bến chính thức bị dừng hoạt động đến ngày 1/9/2023.

Người dân háo hức đi chuyến phà Vàm Cống đầu tiên.

Hương Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ngay-dau-tien-hoi-sinh-ben-pha-vam-cong-tram-nam-tuoi-192230901090905798.htm