Ngày càng nhiều 'nữ cường' trên lĩnh vực kinh tế tập thể Hà Tĩnh

Hà Tĩnh hiện có 310 tổ hợp tác, 81 HTX, gần 5.000 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý.

Thực hiện chủ trương chung về đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể, thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ Hà Tĩnh đã không ngừng tuyên truyền, động viên, hỗ trợ hội viên xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT). Qua đó không chỉ giúp các hội viên, phụ nữ vươn lên thay đổi cuộc sống mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của các địa phương.

Các thành viên HTX Thiên Phú (Cương Gián, Nghi Xuân) tham gia buổi họp tổng kết hoạt động quý I/2024.

Nhiều năm nay, mô hình HTX Thiên Phú (xã Cương Gián, Nghi Xuân) do chị Phan Thị Lý làm giám đốc đã trở thành điển hình "ăn nên làm ra" tại địa phương.

Chị Phan Thị Lý cho biết: “Năm 2015, khi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan (Trung Quốc) trở về, tôi nhận thấy quê mình có nghề làm nước mắm truyền thống nổi tiếng nhưng bà con vẫn sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu bán quanh vùng. Sau nhiều trăn trở làm thế nào để nâng tầm nghề truyền thống, lại nhận được sự động viên của các cấp hội phụ nữ, tôi cùng một số chị em quyết định thành lập HTX để cùng nhau liên kết sản xuất nước mắm”.

HTX Thiên Phú có 7 thành viên, trong đó có 3 thành viên nữ tham gia quản lý. Những năm đầu thành lập, việc sản xuất, tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ tinh thần đoàn kết và nỗ lực của các thành viên, HTX dần phát triển đi lên, không ngừng nâng cao sản lượng, chất lượng, tìm thị trường ổn định cho sản phẩm…

2019 là năm bước ngoặt của HTX khi xây dựng thành công sản phẩm nước mắm Lạch Kèn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao (là 1 trong 6 sản phẩm OCOP đầu tiên của tỉnh). Có được sự khẳng định thương hiệu, nước mắm Lạch Kèn không ngừng vươn xa. Từ năm 2020 tới nay, trung bình HTX Thiên Phú xuất ra thị trường 30.000 lít nước mắm/năm, mang về doanh thu 2,5 tỷ đồng/năm.

Mở rộng loại hình sản xuất, HTX còn thu mua, chế biến các sản phẩm hải sản khác như: ruốc, các loại cá, mực… Đặc biệt, năm 2022, HTX triển khai mô hình nuôi cua nước lợ trong hộp nhựa. Mô hình này đã đạt giải nhất Cuộc thi “Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp - Phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023, do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Ngoài doanh thu bình quân đạt gần 4 tỷ đồng/năm từ các sản phẩm, HTX Thiên Phú còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động nữ và 8-10 chị em khác làm thời vụ, với mức lương trung bình trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình nuôi cua trong hộp nhựa của HTX Thiên Phú giúp cơ sở tìm hướng đi mới mở rộng sản xuất.

Cùng với HTX Thiên Phú, thời gian qua, nhiều mô hình kinh tế tập thể khác do phụ nữ tham gia quản lý trên toàn tỉnh cũng đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Tiêu biểu như: Tổ hội nghề thêu ở khu tái định cư Đông Yên (Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh) đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 100 chị em địa phương, với mức thu nhập bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Tổ hợp tác chăn nuôi gà sạch (xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà) với 10 thành viên phụ nữ tham gia, xuất bán ra thị trường trung bình 10 tấn gà thịt/năm, đạt doanh thu khoảng 900 triệu đồng; Tổ hợp tác sản xuất gạo hữu cơ thôn Vân Cửu (xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) với sự tham gia của 40 thành viên, canh tác trên diện tích 2ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 20 tấn lúa, doanh thu đạt gần 300 triệu đồng…

Thương lái đến đặt mua gà của Tổ hợp tác chăn nuôi gà sạch (xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà).

Đồng hành cùng chị em phát triển kinh tế tập thể, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp với các ngành liên quan huy động nguồn lực, hỗ trợ xây dựng các mô hình tổ hợp tác, HTX và phát triển doanh nghiệp như: tư vấn, hỗ trợ thành lập, đào tạo nghề; tập huấn nâng cao năng lực quản trị, khởi sự kinh doanh, tiếp cận công nghệ thông tin ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh; tiếp cận vốn vay và hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối thị trường, tổ chức cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp hằng năm...

Các thành viên tổ hợp tác sản xuất gạo hữu cơ thôn Vân Cửu (xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) với niềm vui được mùa.

Với nhiều chương trình hành động, chỉ tính riêng năm 2023, các cấp hội phụ nữ Hà Tĩnh đã vận động, hỗ trợ thành lập được 50 tổ hợp tác, 2 HTX, gần 1.000 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có 310 tổ hợp tác, 81 HTX, gần 5.000 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng thành công 148 sản phẩm do phụ nữ làm chủ đạt OCOP 3 sao và 4 sao…

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hỗ trợ hội viên phụ nữ xây dựng, phát triển mô hình kinh tế tập thể. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm thực hiện các đề án, nghị quyết do các cấp hội phụ nữ đề ra như: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Nghị quyết “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ hướng đến liên kết trong sản xuất kinh doanh giai đoạn 2022 - 2026”. Đặc biệt là Đề án 01 “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” mà Hội LHPN tỉnh vừa ký kết triển khai với Liên minh HTX Hà Tĩnh.

Bà Trương Thị Lượng – Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh

Thiên Vỹ

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ngay-cang-nhieu-nu-cuong-tren-linh-vuc-kinh-te-tap-the-ha-tinh-post264450.html