Ngày Cá tháng Tư và những cú lừa kinh điển trên thế giới

UFO đáp xuống London, tìm kiếm Google bằng suy nghĩ hay tháp Eiffeil bị dỡ bỏ… đều là những cú lừa nổi tiếng từng được tung ra trong ngày Cá tháng Tư 1/4.

Người dùng có thể tìm kiếm Google bằng suy nghĩ

Năm 2000 là năm đầu tiên cỗ máy tìm kiếm Google thực hiện trò đùa ngày Cá tháng Tư. Vào thời điểm đó, Google thông báo cho người dùng có chức năng “MentalPlex” có khả năng đọc được suy nghĩ của mọi người, từ đó không cần người dùng phải đánh câu hỏi để tìm kiếm mà vẫn nhận được câu trả lời.

Google - "ông lớn" trong ngành công nghệ cũng tranh thủ ngày Cá tháng Tư để đùa vui với khách hàng

Google đã đưa ra một hướng dẫn, bảo người dùng bỏ mũ và kính ra, rồi giữ nguyên đầu ở một vị trí và tập trung nhìn vào một vòng tròn xoáy trên website tìm kiếm. Sau đó, người dùng tiếp tục tập trung vào hình ảnh, nội dung cần tìm kiếm và từ đó sẽ có thông tin cần tìm hiện ra.

Tất nhiên, hàng nghìn người dùng đã làm theo hướng dẫn để rồi phát hiện ra mình là "nạn nhân" khi kết quả tìm kiếm của Google chỉ hiển thị ra thông điệp về ngày Cá tháng Tư.

Kể từ đó, Google đã nhiều lần "bày trò" để đánh lừa người dùng vào ngày Cá tháng Tư như tìm kiếm mùi hương hay đóng cửa YouTube.

Tháp Eiffeil bị dỡ bỏ

Ngày 1/4/1986 tờ báo "quốc dân" của Pháp Le Parisien đưa tin trang nhất chính phủ Pháp quyết định sẽ dỡ bỏ tháp Eiffeil khỏi vị trí trung tâm thủ đô Paris.

Sau khi dỡ bỏ, tháp sẽ được chuyển đến và dựng lại tại công viên Disneyland. Còn mảnh đất trung tâm sẽ dành cho việc xây sân vận động phục vụ cho Thế vận hội 1992. Cú lừa này đã khiến không ít người Pháp đau tim và hốt hoảng.

Thông tin tháp Effeil bị dỡ bỏ làm nhiều người hoảng hốt

Hô biến TV đen trắng thành TV màu

Cú lừa Cá tháng Tư nổi tiếng nhất Thụy Điển xảy ra vào năm 1962. Khi đó, SVT vẫn là kênh truyền hình duy nhất ở Thụy Điển và vẫn chỉ phát sóng dưới dạng đen trắng.

Trong ngày 1/4, SVT thông báo rằng "chuyên gia kỹ thuật" của họ là Kjell Stensson sẽ mô tả một tiến trình có thể cho phép người ta xem hình ảnh màu trên TV đen trắng. Tiếp đó, đài phát hình Stensson ngồi trước một chiếc TV và giải thích quy trình hoạt động của việc "chuyển đổi".

Ông sử dụng rất nhiều thuật ngữ kỹ thuật, mô tả chi tiết về bản chất ánh sáng, về hiện tượng mang tên "giao thoa kẽ hở đôi".

Cuối cùng ông gợi ý với khán giả rằng họ có thể sử dụng vật liệu dễ kiếm như tất giấy là đủ. Ông hướng dẫn họ cắt tất giấy ra rồi dùng băng dính dán lên màn hình TV và hình ảnh sẽ lập tức chuyển thành có màu.

Stensson cảnh báo rằng khán giả nên ngồi đúng khoảng cách so với màn hình để thấy hiệu ứng thực sự. Ngoài ra họ còn phải đung đưa đầu ra hướng trước và sau để "các dải màu thẳng hàng".

Hàng nghìn khán giả truyền hình về sau thừa nhận họ đã rơi vào bẫy của SVT và đã thi nhau mua tất giấy để có trải nghiệm xem TV màu. 4 năm sau trò đùa này, SVT đã thử nghiệm phát hình có màu lần đầu tiên.

Số Pi được đơn giản hóa

Rất nhiều học sinh, sinh viên ở Alabama (Mỹ) đã sung sướng ăn mừng cho đến lúc tẽn tò nhận ra mình bị lừa về vụ xác định lại số Pi trong toán học. Ngày 1/4 năm 1998, họ nhận được thông tin, các nhà làm luật ở bang Alabama (Mỹ) đã quyết định thông qua việc rút gọn, làm tròn số Pi thần thánh trong toán học từ 3.14159... xuống thành 3 cho đơn giản.

"Tin mừng" này nhanh chóng được lan truyền khiến giới học sinh sinh viên vô cùng hạnh phúc. Nhưng rồi sau đó sự thật được tiết lộ, hóa ra đây chỉ là tin vịt do một người đàn ông bình thường tên là Mark Boslough tung ra.

Thực tế, vào năm 1897, cơ quan lập pháp Ấn Độ có đề xuất chuyển số Pi thành 3,2 cho tròn nhưng không được chấp nhận.

Tảng băng được kéo từ Nam Cực về Australia

Ngày 1/4/1978, một chiếc sà lan chở tảng băng khổng lồ xuất hiện tại cảng Sydney, Australa. Dick Smith, một nhà thám hiểm, doanh nhân triệu phú thích phiêu lưu đã tuyên bố rằng mình đã kéo được tảng băng khổng lồ kia từ Nam Cực.

Tảng băng được quảng cáo là kéo về từ Nam Cực song thực chất chỉ là trò lừa Cá tháng Tư của vị triệu phú

Ông sẽ cắt tảng băng thành từng mảnh nhỏ rồi đem bán cho người dân địa phương với lời quảng cáo "dòng nước ngọt tinh khiết ở Nam Cực sẽ cải thiện hương vị mới cho nước uống của bạn".

Các đài phát thanh địa phương cũng đến quay và đưa tin về sự kiện này. Tuy nhiên khi đến nơi, trời bắt đầu mưa và mọi người mới nhận ra rằng mình bị lừa và tảng băng đó là "đồ rởm", được làm từ bọt chữa cháy và kem cạo râu. Khi bọt chữa cháy và kem cạo râu trôi đi bởi nước mưa để lộ một miếng nhựa trắng ở bên dưới lớp bọt.

Tony Blair giả gọi điện cho Nelson Mandela thật

Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela lúc sinh thời từng hứng trọn một cú lừa của Nic Tuff, người dẫn chương trình đài phát thanh West Midlands ở Anh. Tuff giả vờ làm Thủ tướng Anh lúc bấy giờ là Tony Blair.

Ông Mandela rất vui vẻ trả lời “ông bạn” ở xứ sở sương mù, không hề biết rằng mình bị lừa cho đến khi Tuff "vô tình" hỏi: "Anh làm gì trong ngày Cá tháng Tư?".

"Bịa" cả một quốc gia

Trong ngày Cá tháng Tư năm 1977, tờ Guardian của Anh đã đăng "phóng sự đặc biệt" dài 7 trang về San Serriffe, một nước cộng hòa nhỏ nằm ở Ấn Độ Dương, tạo thành từ nhiều hòn đảo, có hình dấu chấm phẩy. Cùng với phóng sự là một loạt bài báo mô tả chi tiết về địa lý và văn hóa của quốc gia này.

Bài báo đã khiến dư luận sửng sốt. Rất nhiều độc giả của báo đã gọi điện trong suốt cả ngày đó tới tòa soạn để hỏi cách tới nước này nghỉ mát. Tuy nhiên, San Serriffe không tồn tại và cả loạt phóng sự công phu đã chỉ là một trò đùa nhân ngày Cá tháng Tư.

Guardian còn vẽ hẳn bản đồ cho quốc gia không có thật. (Ảnh: Guardian)

Làm sạch núi ở Thụy Sỹ

Ngày 1/4/2009, Tổng cục Du lịch Thụy Sỹ đã phát hành một video tiết lộ bí mật tại sao các ngọn núi của họ lại trông sạch đẹp như vậy. Đó là nhờ công của "Hiệp hội những người làm sạch núi Thụy Sỹ", nơi các thành viên đã leo lên dãy Alps, cọ rửa những tảng đá dính phân chim và làm sạch cỏ.

Hàng triệu người đã xem video này. Thậm chí, có tới 30.000 người đã làm các bài kiểm tra online để đăng ký một "chân" vào đội ngũ này (còn gọi là Felsenputzers).

Cuối năm đó, do nhu cầu đến từ người dân, công ty cáp treo Brunni đã bắt đầu cung cấp các khóa học "làm sạch núi" thực sự, thu hút nhiều Felsenputzers từ khắp nơi trên thế giới.

Thomas Edison phát minh ra máy chế tạo đồ ăn

Nhà bác học huyền thoại Thomas Edison từng là "nạn nhân" trong cú lừa của tờ báo The Daily Graphic (Mỹ) năm 1878. Theo đó, tờ báo bày đã đưa tin Edison phát minh ra máy chế tạo đồ ăn tự động.

Cú lừa thật đến nỗi Thomas Edison sau đó cũng đã viết một bức thư với vỏn vẹn hai từ "Thật là ngoạn mục" gửi tới tòa soạn The Daily Graphic

Máy có thể sản xuất được đồ ăn thức uống từ nguyên liệu đất, nước và không khí. Thậm chí tác giả của bài báo còn mô tả chi tiết cơ chế vận hành và niềm tin nó sẽ giải quyết được nạn đói cho nhân loại.

Khi đọc được bài báo này, nhà bác học đã lập tức viết thư gửi đến tòa soạn với vỏn vẹn vài chữ "Thật là ngoạn mục". Tuy nhiên ông không tức giận vì điều này vì dưới bài viết có dòng chú thích đây chỉ là trò đùa. Tuy nhiên nhiều độc giả không chú ý nên đã lầm tưởng đây là sự thật nên đã gửi đơn đặt hàng đến nhà khoa học.

UFO đáp xuống London

Ông chủ hãng hàng không Virgin Records đã tạo UFO giả để lừa mọi người trong ngày Cá tháng Tư

Ngày 31/3/1989, hàng nghìn người lái xe trên đường cao tốc bên ngoài thủ đô London (Anh) bắt gặp cảnh tượng một vật thể bay phát sáng đang lao xuống đất.

Vật thể sau đó đáp xuống một cánh đồng. Người dân địa phương liền báo cảnh sát về vụ việc mà họ gọi là "sự xâm lược của người ngoài hành tinh". Một trong những nhân viên cảnh sát có mặt tại hiện trường dũng cảm tiếp cận với vật thể giống như chiếc phi cơ.

Tuy nhiên, vật thể này thực ra là một khinh khí cầu có tạo hình giống vật thể bay không xác định (UFO) do Richard Branson, ông chủ hãng hàng không Virgin Records, tạo ra. Richard muốn chiếc UFO giả tiếp đất tại công viên Hyde, London, vào ngày Cá tháng Tư để "lừa" mọi người. Nhưng gió lớn khiến UFO giả bị đổi chiều, gặp sự cố và hạ cánh sớm hơn dự kiến một ngày.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngay-ca-thang-tu-va-nhung-cu-lua-kinh-dien-tren-the-gioi-312043.html