Ngày 8/3 đặc biệt của nữ bác sĩ ngày đêm bên bệnh nhân nghiện ma túy

20 năm gắn bó với công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân là người nghiện ma túy, nhiễm HIV, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cũng như các ngày bình thường, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Lan vẫn tất bật với công việc của mình.

Cả tuổi trẻ gắn bó với việc điều trị cho người nghiện ma túy

Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng thuộc địa bàn xã Tân Tiến (huyện huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), đây là nơi bác sĩ Lan kiên trì gắn bó từ năm 2004 đến nay.

Nhớ về chặng đường đã đi qua, bác sĩ Lan thổ lộ: "20 năm trước, ở đây còn nghèo nàn, toàn đường đất, mùa mưa nhão nhoẹt, mùa nắng bụi mù.

Lúc đó, tôi mới tốt nghiệp bác sĩ và khăn gói về đây công tác, nhiều bạn bè, người thân rất ngỡ ngàng. Có người lo lắng rằng một phụ nữ yếu mềm, liệu có thể bám trụ với chốn non sâu này để điều trị cho bệnh nhân là những người nghiện ma túy, nhiễm HIV hay không? Nhưng rồi ý chí kiên định và tinh thần 'lương y như từ mẫu' đã níu chân tôi ở lại và xem đây như ngôi nhà đặc biệt của mình".

Hầu như những ngày 8/3 trong các năm qua, bác sĩ Lan đều túc trực, tư vấn, chăm sóc cho học viên nghiện ma túy.

Những lúc gặp khó khăn, mệt mỏi trong công việc, bác sĩ Lan tự nhắc mình: "Người nghiện ma túy là bệnh nhân, đang cần mình. Mình hãy xem việc hàng ngày phải đối diện với sự khó chịu, những cơn hò hét của bệnh nhân hay tiếp xúc với các loại bệnh tật như lao phổi, viêm gan B, đái tháo đường...là bình thường".

Do đặc thù công việc nên trong suốt 20 năm qua, hầu như ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nào bác sĩ Lan cũng phải túc trực bên bệnh nhân.

Bác sĩ Lan thăm khám cho học viên nghiện ma túy.

"Có năm, đúng vào ngày 8/3, vừa bước vào cơ quan, chưa kịp đọc dòng tin nhắn chúc mừng của người thân thì bên tai đã vang lên tiếng hét thất thanh của một học viên. Sau đó, họ đấm vào cửa rầm rầm, nhìn bác sĩ như muốn…đánh.

Với kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi biết ngay đây là học viên nghiện ma túy đã lâu năm, mới được đưa vào cơ sở, đang vật vã lên cơn. Tôi lập tức bỏ điện thoại xuống, cùng các nhân viên y tế khác đưa bệnh nhân về giường bệnh để tiêm thuốc. Xử trí xong học viên này lại đến các học viên khác…cứ như thế, đến lúc nhìn lại đồng hồ thì đã chớm bước sang ngày mới.

Lại có dịp, xuyên đêm mùng 8/3 phải đối diện với 3 học viên bị ảo giác cứ đòi tự tử, phải động viên mãi họ mới hợp tác", bác sĩ Lan bộc bạch.

Cũng theo bác sĩ Lan, điều trị cho người nghiện ma túy, nhân viên y tế, bác sĩ khi làm việc phải luôn nhẹ nhàng, có lúc phải chăm sóc, khuyên nhủ bệnh nhân như người thân.

Bên cạnh việc được cắt cơn nghiện, các học viên ở Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk còn được tuyên truyền kiến thức phòng, chống các bệnh xã hội.

"Ngày Quốc tế Phụ nữ mới nhất cũng khá ấn tượng với tôi (8/3/2023). Hôm đó, một người nghiện ma túy đã được đưa vào cơ sở cai nghiện rồi nhưng bất ngờ lại lao ra cổng.

Lúc này, các cán bộ đã phải đến cưỡng chế đưa học viên trở lại. Để ổn định bệnh nhân, chúng tôi phải tập trung cao độ, áp dụng đồng loạt các giải pháp từ tiêm thuốc đến tư vấn, cảm hóa, giúp học viên qua cơn vật vã. Sau đó tiếp tục theo dõi sức khỏe của họ suốt đêm", bác sĩ Lan trải lòng thêm.

Cứ đến ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, bác sĩ Lan (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh áo dài cùng đồng nghiệp xong lại bước vào ca trực đến đêm khuya.

Bệnh nhân phục hồi tốt là hạnh phúc của bác sĩ

Suốt bao năm gắn bó, điều trị cho hàng ngàn học viên nghiện ma túy, niềm hạnh phúc lớn nhất của bác sĩ Lan trong những ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là thấy nhiều học viên đã phục hồi sức khỏe tốt.

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Lan thổ lộ: "Thêm một học viên được cai nghiện thành công là thêm niềm vui với chúng tôi. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 mấy năm trở lại đây, sau những trận "đánh vật" với học viên mới thì tôi cũng nhận được những lời cảm ơn từ học viên cũ.

Có người gọi điện mà như muốn khóc, họ bảo rằng, nhờ cả vào bác sĩ, nhân viên y tế mà họ làm lại được cuộc đời, từ bỏ được 'cái chết trắng'".

Mỗi học viên cai nghiện thành công và chăm chỉ học nghề là món quà vô giá với bác sĩ Lan cũng như nhiều đồng nghiệp của chị.

Là một trong những người từng có 6 năm nghiện ma túy, được cai nghiện năm 2022 tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk, anh Nông Văn T. (Ea H'Leo, Đắk Lắk) bộc bạch: "Những cơn vật vã với ma túy nghĩ lại tôi vẫn còn ám ảnh.

Ngày tôi sa chân vào ma túy cũng là lúc gia đình liên tục lục đục, vợ dẫn con bỏ xứ đi làm ăn xa. Đến khi cha mẹ mất, trong khoảnh khắc tỉnh táo hiếm hoi, tôi như ngã quỵ trước bậc thềm, căn nhà trống rỗng chẳng còn gì đáng giá, tôi chỉ muốn chết.

Nhưng khi được đưa vào Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk, cuộc đời tôi hồi sinh. Tại đây, tôi được bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc cả sức khỏe lẫn tinh thần".

Theo bác sĩ Lan, hiện nay, Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk đang điều trị, cai nghiện cho hơn 600 học viên. Bên cạnh phác đồ của ngành y tế đã quy định thì thầy thuốc phải thật gần gũi, tâm sự chân tình với học viên thì họ mới hợp tác tốt để cai nghiện.

Bên cạnh việc cai nghiện ma túy, các học viên ở Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk còn được tham gia các chương trình văn nghệ.

Lãnh đạo Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, cùng với đội ngũ y tế thường xuyên chăm sóc chu đáo, cắt cơn nghiện cho học viên, Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh Đắk Lắk còn thường xuyên tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ cho học viên. Đồng thời, cơ sở còn dạy một số nghề cần thiết để khi cai nghiện xong, học viên trở về với đời sống có thể tự lập nghiệp.

Hà Đạo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ngay-8-3-dac-biet-cua-nu-bac-si-ngay-dem-ben-benh-nhan-nghien-ma-tuy-16924030515144618.htm