Ngày 1-1 Luật GD Đại học có hiệu lực: "Cởi trói" nhưng phải cẩn trọng!

QĐND Online – Ngày 1-1-2013, Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) bắt đầu có hiệu lực. Việc giao quyền tự chủ cho các trường và đảm bảo chất lượng giáo dục là những mục tiêu xuyên suốt của luật này. Luật GDĐH được kỳ vọng khi đi vào thực tế cuộc sống sẽ có tác dụng mạnh mẽ trong xử lý những vấn đề lớn của ngành đang được xã hội quan tâm, tạo bước đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo.

Quyền tự chủ được “cơi nới” cho tất cả các trường

Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT, Bùi Văn Ga, giao quyền tự chủ cho các nhà trường là tất yếu, khách quan nhưng được thực hiện theo lộ trình và tùy thuộc vào năng lực cụ thể của từng trường chứ không thể giao đồng loạt. Bởi năng lực và kinh nghiệm quản lý của các cơ sở giáo dục đại học nước ta hiện còn có sự chênh lệch khá xa, tinh thần tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH chưa được thể hiện đầy đủ. Mối quan hệ dân sự giữa người học và cơ sở đào tạo cũng chưa được tự xử lý, người dân vẫn còn thói quen tìm đến cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục để được bảo vệ quyền lợi của mình khi nhà trường vi phạm việc thực hiện quyền tự chủ.

Tùy thuộc vào năng lực cụ thể của từng trường để giao quyền tự chủ

Do đó, bên cạnh việc tự chủ về tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản; hoạt động đào tạo (trong đó có tự chủ về chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh), khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH thì tự chủ cũng gắn liền với tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD, khi nào tự chịu trách nhiệm tăng cao thì khi đó tự chủ tăng cao.

Quyền tự chủ được “cơi nới” cho tất cả các trường, Bộ GD và ĐT sẽ không can thiệp sâu vào hoạt động của trường với điều kiện trường có một Hội đồng trường đủ mạnh, tương đương Hội đồng quản trị ở các trường tư thục. “Cởi trói” là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Theo Luật GDĐH, tăng quyền cũng được quy định đi kèm với những điều khoản giám sát chặt chẽ chất lượng đào tạo trong suốt quá trình sinh viên học tập tại trường. Thay vì quy định chương trình khung như trước đây, luật quy định về chuẩn tối thiếu kiến thức, kỹ năng đối với người học sau khi tốt nghiệp.

Trước thực tế, chúng ta đang kiểm soát rất chặt chất lượng đầu vào,song, trong quá trình đào tạo lại không kiểm soát tốt nên Luật GDĐH ban hành, cơ quan kiểm định chất lượng sẽ giám sát các cơ sở GDĐH cũng như chất lượng của các trường. Bằng cấp của các trường dựa trên kết quả kiểm định chất lượng.

Việc kiểm định là bắt buộc đối với tất cả các trường để thực hiện quyền tự chủ. Trên cơ sở kết quả kiểm định chất lượng, các trường sẽ được xếp hạng theo những tiêu chí cụ thể. Để nâng cao tính cạnh tranh, luật “cởi trói” cho trường đại học được thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao, thu học phí tương xứng…

Đã sẵn sàng trước khi có luật

Ông Hoàng Minh Sơn, Trưởng Phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Luật GDĐH có nhiều đổi mới nhưng đó không phải là đổi mới hoàn toàn mới, mà là một số điều được phản ánh phù hợp hơn so với thực tế.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã được Bộ GD và ĐT giao thí điểm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm từ tháng 3-2011 đến nay, do đó những nội dung trong Luật GDĐH đã được phản ánh và áp dụng thành công qua thực tế của trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Theo ông Hoàng Minh Sơn, trường đã sẵn sàng từ trước khi có luật, bởi trong luật có những nội dung mang tính tổng kết lại nên trường không có bỡ ngỡ khi luật đi vào cuộc sống. Chẳng hạn như trước kia trường được Bộ cho phép thí điểm chương trình đào tạo theo mô hình tiên tiến trên thế giới, như vậy cũng có nghĩa là không phải theo chương trình khung của Bộ. Về mở ngành đào tạo, tuy vẫn phải tuân thủ theo quy định đủ điều kiện, đảm bảo chất lượng nhưng chỉ là báo cáo, không phải “xin” Bộ nữa…

Điểm cởi trói rõ nét nhất khi Luật GDĐH có hiệu lực, đó là từ mô hình thí điểm, giờ đây trường đã có hành lang pháp lý để hoạt động là chính thức. Tuy nhiên, để luật thực sự đi vào cuộc sống, trường vẫn phải chờ nghị định và thông tư chi tiết. Bởi cũng có một số điều khoản mà trường ĐH Bách khoa Hà Nội được tự chủ nhưng trong luật thì chưa chi tiết hóa, ông Hoàng Minh Sơn cho biết thêm.

Dù đã sẵn sàng và mong chờ luật đi vào cuộc sống nhưng vẫn còn không ít những băn khoăn, lo lắng bởi hệ thống cơ sở GDĐH hiện nay của nước ta rất đa dạng, bên cạnh trường có bề dày truyền thống và kinh nghiệm hoạt động hàng trăm năm, thì còn có trường mới thành lập hoặc mới nâng cấp chất lượng còn yếu. Do vậy, dễ gây nên sự hỗn loạn trong hệ thống GD nếu quyền tự chủ ngay lập tức được giao cho các trường khi Luật ban hành.

“Trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam phát triển không đồng đều, vì vậy trao quyền tự chủ đến đâu thì còn tùy thuộc vào sự phát triển của đơn vị đó. Theo tôi, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường đại học, kể cả trong vấn đề đào tạo nghiên cứu khoa học và tài chính là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, tự chủ là một “món hàng đắt tiền”, người biết sử dụng thì rất có tác dụng, người không biết sử dụng thì nó sẽ rất nguy hiểm”, GS.TS Nguyễn Hữu Dư, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ quan điểm.

Hãy cảnh giác với giao quyền tự chủ, không phải trường đại học nào cũng có thể đảm nhiệm quyền ấy, nếu không cẩn thận sẽ là cơ hội cho những cơ sở đào tạo kém chất lượng "nổi loạn". Vấn đề tự chủ được đề cao và phải là phương châm giúp cho giáo dục Việt Nam phát triển. Luật tạo điều kiện và hành lang giám sát để giáo dục phát triển theo đúng hướng, GS.TS Nguyễn Hữu Dư nhấn mạnh.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên trước kia đã được Bộ trao quyền tự chủ, khi Luật ban hành, sẽ có nhiều điểm được giao thêm. Trong quá trình soạn thảo luật, chắc chắn sẽ có một số điều có thể hiểu chưa hết hoặc chưa rõ nghĩa nhưng có thể có những văn bản hướng dẫn, góp ý để hoàn chỉnh, áp dụng luật tốt hơn, GS.TS Nguyễn Hữu Dư cho biết thêm.

Như vậy, Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực thi hành từ 1-1-2013 và theo dự kiến của Bộ GD và ĐT, để quy định chi tiết luật cần có 36 văn bản (12 văn bản mới, 24 văn bản bổ sung) gồm 5 Nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng, 4 thông tư của liên bộ… ra đời kịp giúp luật thực sự hiệu quả khi đi vào thực tế đời sống.

Bài, ảnh: THU HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/7/20/20/222578/Default.aspx