Ngành Y tế vượt, đạt nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ hài lòng của người bệnh tăng lên 90%

Theo thông tin mới nhất của Bộ Y tế, thời gian qua ngành đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe, trong đó có tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân ước đạt 12,5 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao; tỷ lệ sự hài lòng của người bệnh ước đạt 90%, vượt chỉ tiêu đề ra...

Những con số trên được Bộ Y tế đưa ra tại Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024 của Bộ.

Ngành y tế nỗ lực đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

Tại Kế hoạch này, Bộ Y tế đánh giá tình hình thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2023, xây dựng Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024, trong đó nêu rõ, trong các chi tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 theo Nghị quyết số 68/2022/QH15 ngày 10/11/2022 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, ngành y tế được giao 3 chỉ tiêu chủ yếu là:

- Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 12 bác sĩ, kết quả thực hiện 6 tháng thống kê sơ bộ là 12 bác sĩ; ước thực hiện cả năm là 12,5 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao.

- Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 32 giường bệnh, kết quả thực hiện 6 tháng thống kê sơ bộ là 31,5 giường bệnh; ước thực hiện cả năm là 32 giường bệnh, đạt chi tiêu được giao.

- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2% dân số. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến 30/6/2023 thực hiện là 92% dân số; ước thực hiện cả năm là 93,2% dân số, phấn đấu đạt chỉ tiêu được giao (theo như các năm trước tỷ lệ đóng BHYT tăng vào cuối năm)

Thông tin về các chỉ tiêu đạt và vượt của Bộ Y tế.

Theo Bộ Y tế, các chỉ tiêu khác như tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh, số dược sĩ đại học trên vạn dân, số điều dưỡng trên vạn dân, tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Điều đáng nói, theo Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm sơ bộ tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế trong năm nay là 90%, ước đạt trong năm nay cũng là 90%, trong khi chỉ tiêu đề ra là trên 80%.

Thực tế cho thấy công tác đo lường sự hài lòng của người bệnh trong các bệnh viện được thực hiện thường quy tại các bệnh viện trong nhiều năm nay. Kết quả này dựa trên việc nhập dữ liệu của các bệnh viện theo thông tin trên Mẫu phiếu khảo sát sự hài lòng người bệnh nội trú và nhân viên y tế.

Mẫu phiếu dành cho người bệnh đánh giá sử dụng dịch vụ y tế dựa trên khả năng tiếp cận, sự minh bạch thông tin và thủ tục khám bệnh điều trị, cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh, thái độ ứng xử và năng lực chuyên môn của nhân viên y tế, kết quả cung cấp dịch vụ.

Theo số liệu phần mềm trực tuyến của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, trong năm đã có hơn 1 triệu phiếu khảo sát được cập nhật lên. 3 địa phương có số phiếu khảo sát nhập lên nhiều nhất là TPHCM, Hà Nội, Đắk Lắk…

Bộ Y tế cũng cho hay, 6 tháng đầu năm, Bộ Y tế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực cấp phép lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế. Duy trì dịch vụ công cấp độ IV tất cả dịch vụ công của Bộ Y tế. Hoàn thành việc cập nhật, công khai các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi của Bộ Y tế trên Hệ thống cơ sở dữ liệu của Văn phòng Chính phủ; Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giảm sát, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc, xử lý các vi phạm.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Y tế triển khai tổng số 33 cuộc thanh tra, kiểm tra (có 11 cuộc thanh tra, 22 cuộc kiểm tra). Về xử lý vi phạm: Tổng số quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành 28 quyết định; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 2.770.000.000 đồng...

Theo thông tin mới nhất của Bộ Y tế, thời gian qua ngành đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe, trong đó có tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân ước đạt 12,5 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao...

Tỷ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe vẫn ở mức cao

Tuy nhiên, trong bản kế hoạch này, Bộ Y tế cũng đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế như vướng mắc trong việc mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, sử dụng tài sản công, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc… Vaccine cho tiêm chủng mở rộng chậm được cung cấp, giá vaccine chưa được điều chỉnh trong nhiều năm.

Số lượng hồ sơ đăng ký thuốc lũy kế qua nhiều năm còn lớn, chưa được giải quyết dứt điểm. Công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế, mới chỉ sản xuất được một số trang thiết bị y tế thông dụng, hàm lượng công nghệ còn thấp, độ tin cậy chưa cao

Một số dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, bạch hầu vẫn còn ở mức có nguy cơ cao...

Chất lượng dịch vụ y tế giữa các tuyến, các vùng miền còn chênh lệch lớn. Số lượng và chất lượng dịch vụ của y tế cơ sở, đặc biệt là các huyện vùng khó khăn, ở trạm y tế cấp xã vẫn còn hạn chế. Chất lượng dịch vụ y tế tại các bệnh viện có sự cải thiện nhưng đang có tình trạng chỉ định dịch vụ quá mức cần thiết.

Bộ Y tế cho hay, vẫn còn nhiều bệnh viện/trung tâm y tế cấp huyện bị xuống cấp, hư hỏng hoặc đang bị quá tải, cần phải được xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Về tài chính y tế, tỷ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình vẫn ở mức cao (43% tổng chi y tế). Việc thực hiện cơ chế tự chủ của một số bệnh viện gặp nhiều khó khăn do chưa hoàn thiện về hành lang pháp lý....

Quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Trung ương, chưa tăng cường, bố sung chính sách đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế, chưa xác định rõ vai trò quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong đào tạo nhân lực y tế...

Ngành y tế tiếp tục tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ được giao để ngày càng làm tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân

Theo Bộ Y tế về những khó khăn, hạn chế này có cả yếu tố chủ quan và khách quan.

Để đạt được những mục tiêu đề ra và ngày càng làm tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngành y tế cho biết tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ thành các chương trình, kế hoạch hành động có tính phù hợp, khả thi đối với Ngành, cơ quan, tổ chức; tập trung tổ chức việc học tập, quán triệt tới các tập thể, cá nhân trong toàn Ngành, đồng thời tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện.

Đồng thời, tập trung công tác xây dựng văn bản pháp luật, hoàn thiện thể chế để tạo - hành lang pháp lý an toàn, vững chắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi. Chủ động, liên tục rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung đáp ứng nhu cầu thực tiễn....

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nganh-y-te-vuot-dat-nhieu-chi-tieu-ve-cham-soc-suc-khoe-169230727092500335.htm