Ngành Y tế Ninh Bình nỗ lực 'giữ chân' nguồn nhân lực khu vực công - (Kỳ I): Vai trò nguồn nhân lực trong phát triển ngành Y tế

Thời gian qua, cũng như nhiều địa phương trong cả nước, tại Ninh Bình đã có một bộ phận nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển công tác ra ngoài hệ thống y tế công lập. Điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Thực trạng này dù chưa ở mức 'báo động', song ngành Y tế Ninh Bình đã có những giải pháp nhằm 'giữ chân' nguồn nhân lực y tế cho khu vực công, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đào tạo theo hình thức "cầm tay chỉ việc" tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã chỉ rõ: Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt.

Nghị quyết số 20-NQ/TW xác định mục tiêu tổng quát: Nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nghị quyết cũng nêu rõ, xây dựng hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y và dân y. Đồng thời, được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương...

Bác sĩ Phạm Thị Phương Hạnh, Giám đốc Sở Y tế Ninh Bình cho biết: Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực y tế có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực y tế có đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn hay không, việc thực hiện các chính sách ấy có hiệu quả hay không, có phát huy được tác dụng hay không… phụ thuộc vào năng lực, phẩm chất, đạo đức của nguồn nhân lực y tế.

Mặt khác, nhu cầu về thầy thuốc và cán bộ thuộc nhiều chuyên môn khác nhau cũng đòi hỏi phải đào tạo bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lý với số lượng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, nắm bắt các kiến thức y học hiện đại, giỏi thực hành, có y đức tốt…

Như vậy, trong xây dựng đội ngũ cán bộ y tế nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách phù hợp, thể hiện ở tất cả các khâu từ tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ và tôn vinh…

Hiện nay, ở khu vực công, tỉnh Ninh Bình có 9 bệnh viện (gồm 7 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Sản-Nhi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền và 2 bệnh viện tuyến huyện là Bệnh viện Đa khoa huyện Nho Quan, Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Sơn); có 8 Trung tâm y tế huyện, thành phố và 143 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Số lượng nhân viên y tế đang công tác trong khu vực công (chỉ tính trong phạm vi ngành Y tế; chưa bao gồm các đơn vị y tế ngành Công an, Quân đội, Lao động, Thương binh và Xã hội) hiện có 4.242 công chức, viên chức và lao động hợp đồng, trong đó, số cán bộ, nhân viên chuyên ngành Y tế là 3.603 người.

Nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực y tế đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, thời gian qua, ngành Y tế Ninh Bình đã có nhiều giải pháp để tuyển dụng và phân công viên chức y tế phù hợp với từng tuyến, từng cơ sở khám, chữa bệnh. Đặc biệt, ngành Y tế thực hiện tốt chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, để đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Sở Y tế đã cử nhiều cán bộ, nhân viên y tế tham gia các lớp đào tạo bác sĩ hệ liên thông, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo nhu cầu của tỉnh ở các trường Đại học Y, Dược.

Ngành Y tế cũng đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo cán bộ y tế, nhằm đáp ứng kịp thời nguồn nhân lực y tế đang thiếu hụt ở các đơn vị y tế; thực hiện các chính sách đãi ngộ, trọng dụng nhân tài để tìm nguồn và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đó, tăng cường công tác giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người thầy thuốc. Tích cực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tạo môi trường làm việc và điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ y tế thực hiện tốt nhiệm vụ, phát huy năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.

Ngoài ra, vấn đề cải cách tiền lương, tăng thu nhập cho nhân lực y tế khu vực công cũng là giải pháp bền vững để hạn chế tình trạng biến động nhân lực y tế và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Thực hiện xã hội hóa về y tế, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập phù hợp với Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Từ đó, cơ cấu, chất lượng nhân lực ngành Y tế có sự thay đổi rõ rệt theo chiều hướng phát triển. Tỉ lệ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao (tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ nội trú, chuyên khoa II, chuyên khoa I), tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và trong quy hoạch được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước tăng nhanh trong những năm gần đây.

Đến nay, toàn ngành Y tế có 4.242 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Trình độ chuyên môn không ngừng được nâng lên, có 62 tiến sĩ/chuyên khoa II, 566 thạc sĩ/chuyên khoa I, 3 bác sĩ nội trú, 1.683 người có trình độ đại học, còn lại là cao đẳng trở xuống. So với cùng kỳ năm 2019 (trước khi dịch COVID-19 xảy ra), toàn ngành có 3.956 người; trình độ chuyên môn gồm 44 tiến sĩ/chuyên khoa II, 327 thạc sĩ/chuyên khoa I, 3 bác sĩ nội trú, 1.446 đại học, còn lại là cao đẳng trở xuống. Về chất lượng, tỉ lệ % bác sĩ/ tổng số viên chức, lao động hiện nay là 22,02% (năm 2019 là 22,5%); tỉ lệ cán bộ y tế có trình độ đại học trở lên/tổng số cán bộ y tế đạt 52,43% (năm 2019 là 45,1%); Tỉ lệ cán bộ y tế có trình độ sau đại học/tổng số cán bộ y tế có trình độ đại học trở lên chiếm 26,26% (năm 2019 là 18,8%); Tỉ lệ bác sĩ có trình độ sau đại học/tổng số bác sĩ là 39,72% (năm 2019 là 26,1%); Tỉ lệ bác sĩ có trình độ tiến sĩ/ chuyên khoa 2/tổng số bác sĩ là 6,32 % (năm 2019 là 4,49%).

Có thể nói, với sự quan tâm sâu sát, tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở, ngành có liên quan trong lĩnh vực quản lý nhân lực y tế; cùng với đó là tác động hiệu quả, tích cực của những thay đổi trong cơ chế, chính sách (tuyển dụng thu hút; đào tạo bác sĩ, dược sĩ theo địa chỉ sử dụng; đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức)..., đặc biệt là sự nỗ lực của Sở Y tế, các đơn vị trực thuộc trong toàn ngành đã góp phần vào sự phát triển nhanh về số lượng, thay đổi về cơ cấu và nâng cao chất lượng nhân lực y tế. Qua đó cơ bản đáp ứng yêu cầu chăm sóc, điều trị và không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Mỹ Hạnh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nganh-y-te-ninh-binh-no-luc-giu-chan-nguon-nhan-luc-khu-vuc/d20230920081433387.htm