Ngành xe điện Việt Nam: Nhiều cơ hội hợp tác cho các đối tác nước ngoài

Ngành công nghiệp xe điện (EV) trẻ của Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ và có vô số cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp, theo Vietnam Briefing.

Trong bối cảnh sự chuyển đổi trên toàn cầu đang định hình lại tương lai của ngành giao thông vận tải, thị trường xe điện (EV) luôn đi đầu trong đổi mới ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tiếp nối đà phát triển này, sự hợp tác giữa các doanh nghiệp cũng ngày càng bùng nổ. Theo đó, các công ty có thể cung cấp nhiều bộ phận, linh kiện và dịch vụ phụ trợ để mở ra vô số cơ hội sinh lợi. Từ nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hạ tầng sạc xe điện đến lĩnh vực sản xuất và cung cấp pin, một thế giới đầy tiềm năng đang chờ đợi các doanh nghiệp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhiều cơ hội trong ngành xe điện Việt Nam

Tại Việt Nam, khách hàng ngày càng quan tâm tới việc sử dụng xe điện. Statista dự đoán số lượng xe điện tại Việt Nam sẽ đạt 1 triệu chiếc vào năm 2028 và 3,5 triệu chiếc vào năm 2040. Nhu cầu cao hơn này sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ khác, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng, giải pháp sạc và dịch vụ EV phụ trợ. Do đó, ngành công nghiệp xe điện ở Việt Nam là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp hợp tác với nhau và hình thành các liên minh chiến lược.

Thị trường xe điện tại Việt Nam đang có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Ảnh: Vietnam Briefing.

Đầu tiên, có rất nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ và linh kiện xe. Việc đưa xe điện ra thị trường đã tạo ra nhu cầu về nhiều loại linh kiện khác nhau như lốp xe, phụ tùng cũng như nhu cầu về máy móc công nghệ cao.

Một ví dụ đáng chú ý trong lĩnh vực này là doanh nghiệp ABB của Thụy Điển, đã cung cấp hơn 1.000 robot cho nhà máy của VinFast ở Hải Phòng. Sự hợp tác này cho thấy các công ty quốc tế đang đóng góp chuyên môn về robot và tự động hóa để hỗ trợ sản xuất địa phương.

Một bước phát triển đáng kể khác là khoản đầu tư 246 triệu USD của Foxconn vào tỉnh Quảng Ninh. Phần đáng kể của khoản đầu tư này, lên tới 200 triệu USD, sẽ được phân bổ để thành lập một nhà máy chuyên sản xuất bộ sạc và linh kiện xe điện.

Một yếu tố nữa là sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường xe điện đòi hỏi sự đầu tư đáng kể, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng như việc xây dựng các trạm sạc và nâng cấp lưới điện. Trong lĩnh vực này, có rất nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp.

Ví dụ, đã có một thỏa thuận được ký kết giữa Tập đoàn Petrolimex và VinFast vào tháng 6 năm 2022 về lắp đặt các trạm sạc VinFast tại mạng lưới trạm xăng rộng khắp của Petrolimex. VinFast cũng sẽ cung cấp dịch vụ cho thuê pin và thúc đẩy thành lập các trạm bảo trì dành riêng cho việc sửa chữa xe điện.

Việc tích hợp các trạm sạc trong các trạm xăng hiện có không chỉ giúp chủ sở hữu xe điện sạc xe thuận tiện hơn mà còn tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp truyền thống và mới nổi trong lĩnh vực ô tô.

Ngoài sản xuất, ngành công nghiệp xe điện cũng cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng, bao gồm các giải pháp di chuyển và cho thuê xe điện.

Ví dụ, VinFast đã phát triển dịch vụ vận tải ô tô điện của mình với công ty con GSM hay Lado Taxi cũng đã đưa gần 1.000 xe điện VinFast, bao gồm các mẫu xe như VF e34s và VF 5sPlus, vào dịch vụ taxi điện của họ tại các tỉnh như Lâm Đồng và Bình Dương.

Vào tháng 5 năm nay, Selex Motors và Lazada Logistics đã ký thỏa thuận sử dụng xe máy điện Selex Camel trong hoạt động tại TP.HCM và Hà Nội.

Hay Dat Bike, một hãng xe máy điện Việt Nam, đã có bước tiến đáng kể trong ngành vận tải khi ký kết hợp tác chiến lược với Gojek vào tháng 5 năm nay. Theo đó, Gojek sẽ sử dụng chiếc xe máy điện tiên tiến nhất của Dat Bike, Dat Bike Weaver++, trong hoạt động của mình.

Vượt lên một số khó khăn

Hiện tại, thị trường xe điện ở Việt Nam đang phải đối mặt với một số trở ngại liên quan đến cơ sở hạ tầng. Với nhu cầu ngày càng tăng về xe điện, việc thiết lập mạng lưới sạc rộng rãi đang trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những hạn chế do thiếu trạm sạc, không đủ công suất lưới điện hay chưa đủ các giao thức sạc tiêu chuẩn. Do đó, những yếu tố này có thể gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Chính phủ Việt Nam đã nhận thức được những thách thức này và đang hướng tới hỗ trợ các sáng kiến do khu vực tư nhân dẫn đầu nhằm thúc đẩy cơ sở hạ tầng xe điện.

Một thách thức tiềm tàng nữa đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi thâm nhập thị trường Việt Nam là sự cạnh tranh từ các đối thủ khác. Khi tiềm năng của ngành công nghiệp xe điện của Việt Nam mở ra, sự gia tăng đột biến của các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực đang phát triển này có thể gây ra sự cạnh tranh khốc liệt.

Do đó, các doanh nghiệp trên thị trường xe điện Việt Nam không chỉ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những công ty lâu đời trong nước như VinFast mà còn từ các quốc gia khác. Những "ông lớn" này, chẳng hạn như Tesla (Mỹ), BYD (Trung Quốc) và Volkswagen (Đức), thường có nhiều kinh nghiệm, nguồn lực và đã thiết lập được chuỗi cung ứng.

Và để sự hợp tác giữa các doanh nghiệp thành công, nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Khi ngành này phát triển, nhu cầu về các chuyên gia lành nghề có chuyên môn về công nghệ xe điện sẽ tăng lên. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các chuyên gia lành nghề có thể là một thách thức đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam vì vẫn còn thiếu các cơ sở giáo dục đào tạo riêng cho ngành này.

Ngoài ra, tốc độ phát triển nhanh chóng của tiến bộ công nghệ đòi hỏi phải đào tạo liên tục và nâng cao kỹ năng của nhân viên hiện tại và nhu cầu này có thể làm trầm trọng thêm sự khó khăn về nhân lực.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nganh-xe-dien-viet-nam-nhieu-co-hoi-hop-tac-cho-cac-doi-tac-nuoc-ngoai-20230905090609798.htm