Ngành vận tải biển toàn cầu gián đoạn do lũ lụt ở Châu Âu và Trung Quốc

Sự sự cố ở kênh đào Suez, ngành vận tải biển một lần nữa phải lao đao khi đợt lũ lụt khủng khiếp ở châu Âu và Trung Quốc mới đây khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Thành phố Hagen, Đức bị ngập trong nước. Ảnh: GI

Bài liên quan

Thượng Hải chống chọi với bão In-fa sau lũ lụt ở miền trung Trung Quốc

Hơn 200 người thiệt mạng và mất tích ở miền tây Ấn Độ do lở đất và lũ lụt

Đức tiếp tục cảnh báo bão khi chưa khắc phục xong hậu quả lũ lụt

Mưa lớn ở Ấn Độ gây lũ lụt và lở đất, ít nhất 125 người thiệt mạng

Quả thật, các trận lũ lụt ở Trung Quốc và châu Âu là “đòn giáng mạnh” đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, Giám đốc điều hành của một công ty vận tải nói với CNBC hôm thứ Hai (26/7). Ông Tim Huxley, Giám đốc điều hành của Mandarin Shipping cho biết: “Hiếm khi một tuần trôi qua mà không có điều gì mới mẻ".

Ngành vận tải trải qua nhiều biến cố với sự gián đoạn lớn trong năm nay. Khi các khu vực trên thế giới phục hồi sau đại dịch, chi tiêu tăng lên dẫn đến tình trạng thiếu hụt container, tạo ra sự chậm trễ và tăng giá.

Chưa dừng lại, vào tháng 4, một trong những con tàu container lớn nhất thế giới bị mắc kẹt trong Kênh đào Suez, khiến giao thông ngừng hoạt động trong gần một tuần. Nên nhớ, đây là một trong những tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất trên thế giới, với khoảng 12% hàng hóa thương mại đi qua.

Vào tháng 6, sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 ở miền nam Trung Quốc đã gây ra nhiều sự chậm trễ hơn tại các cảng trong khu vực, một lần nữa làm tăng giá vận chuyển.

Lượng mưa lớn và lũ lụt đã tàn phá nhiều vùng của Tây Âu. Một số trận lũ lụt nghiêm trọng nhất đã xảy ra ở Đức và Bỉ. Các khu vực của Thụy Sĩ, Luxembourg và Hà Lan cũng bị ảnh hưởng đã tác động mạnh đến rất nghiều lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.

Ông Huxley nói với CNBC rằng: "Điều này thực sự sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng vì các liên kết đường sắt đều đã bị đứt".

Ông cho rằng các liên kết, bao gồm các tuyến đường sắt đi từ Cộng hòa Séc và Slovakia đến các cảng Rotterdam và Hamburg của Đức, đã bị gián đoạn nghiêm trọng. “Và điều đó sẽ làm trì hoãn việc vận chuyển hàng hóa vào và ra khỏi châu ÂU. Điều này sẽ thực sự phá vỡ ngành công nghiệp".

Ông Huxley chỉ vào Thyssenkrupp, lưu ý rằng gã khổng lồ sản xuất thép của Đức không thể có được nguyên liệu thô do lũ lụt. “Điều đó cuối cùng sẽ có tác động đối với các ngành công nghiệp như khí động học, thiết bị gia dụng và những thứ tương tự", ông nói.

S&P Global Platts đưa tin, Thyssenkrupp tuyên bố tình trạng bất khả kháng xảy ra vào ngày 16/7. Sự kiện bất khả kháng xảy ra chẳng hạn như thảm họa thiên nhiên, ngăn cản một bên thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, giúp họ không bị phạt.

Một nguồn tin tại các nhà máy của công ty nói với S&P Global Platts rằng các bộ phận của tuyến đường sắt ở Hagen “bị thiếu”, thêm vào đó, việc đưa xe tải đến giao hàng thậm chí còn khó khăn hơn trước đây. Hagen là một thành phố ở Tây Đức nằm trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt.

Trong khi đó, tình trạng gián đoạn do lũ lụt gây ra ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc còn tồi tệ hơn do tỉnh này nằm trong đất liền, ông Huxley cho biết. Ông nói: “Rõ ràng, điều đó sẽ có tác động đến việc vận chuyển, dẫn đến việc tăng giá cước vận chuyển".

Việc phân phối lúa mì và than đã bị ảnh hưởng, theo Huxley, người chỉ ra rằng Hà Nam là “vựa lúa mì” của Trung Quốc và đã sản xuất 38 triệu tấn lúa mì trong mùa hè này.

Hoàng Nam

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nganh-van-tai-bien-toan-cau-gian-doan-do-lu-lut-o-chau-au-va-trung-quoc-post146859.html