Ngành thuế cam kết tạo thuận lợi nhất về hóa đơn

Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020 về hóa đơn, chứng từ cần bảo đảm tính thuận tiện, tốn ít thời gian, công sức và hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp.

Mới đây, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về tiến độ hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020 về hóa đơn, chứng từ, đại diện Tổng cục Thuế cho hay: Hiện ban soạn thảo vẫn đang tổng hợp ý kiến góp ý của các doanh nghiệp (DN), bộ, ngành, địa phương để có thể dự thảo một nghị định tốt nhất, thuận tiện nhất cho nhà kinh doanh. Việc này cũng đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cộng đồng DN, người dân và hài hòa lợi ích của Nhà nước.

Điểm nổi bật và quan trọng nhất của Nghị định 123/2020 là chuyển đổi mạnh mẽ từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử. Ảnh: TÚ UYÊN

Ngay tại hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hồi tháng 10 vừa qua, ý kiến tiếp thu, giải trình của các vị hữu trách trong sửa đổi, bổ sung Nghị định 123 cũng rất cầu thị và trách nhiệm.

Ông ĐẬU ANH TUẤN, Phó Tổng thư ký VCCI:

Phải bảo đảm tính thuận tiện, ít tốn kém… cho DN

Điểm nổi bật và quan trọng nhất của Nghị định 123/2020 là chuyển đổi mạnh mẽ từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử. Theo thống kê, hiện nay có 1 triệu DN và hộ kinh doanh đang chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử, với hơn 4 tỉ hóa đơn điện tử được ghi nhận.

Đây là nỗ lực lớn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong hành trình chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử và được cộng đồng DN đánh giá cao.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định 123 cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tình trạng mua bán, gian lận hóa đơn giả. Vì vậy, việc sửa đổi Nghị định 123 về hóa đơn, chứng từ là cần thiết. Nhưng việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020 cần cân bằng hai yếu tố: Một là cần phải chặt chẽ để tránh tình trạng gian lận, mua bán hóa đơn, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các DN. Hai là bảo đảm tính thuận tiện, tốn ít thời gian, công sức và hạn chế rủi ro cho DN.

Trên nền tảng ý kiến của cộng đồng DN, mới đây chúng tôi đã gửi công văn góp ý cho việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 123. Trong đó, chúng tôi phản ánh hầu hết ý kiến xác đáng của cộng đồng DN đối với các quy định về hóa đơn vốn có ảnh hưởng rất lớn tới cả nền kinh tế.

Theo chủ trương của Chính phủ, việc cung cấp hóa đơn điện tử được xã hội hóa để việc triển khai, hỗ trợ các doanh nghiệp hiệu quả hơn.

Ví dụ: Quy định xuất hóa đơn theo từng lần mua hàng thay vì vào cuối ngày sẽ làm tăng rất nhiều chi phí cho DN bán lẻ, dịch vụ, tạo áp lực lớn cho họ; quy định về hóa đơn chiết khấu thương mại làm phát sinh khối lượng công việc rất lớn vì mỗi hóa đơn điều chỉnh chỉ được áp dụng cho một hóa đơn, khiến lượng hóa đơn tăng lên đáng kể, làm phát sinh chi phí, nguồn lực cho DN; quy định về lập hóa đơn nội địa với công ty tạm nhập tái xuất, tái nhập, xuất hàng dưới hình thức cho vay, mượn và nhận hàng, hoàn trả hàng… cũng có nguy cơ làm tăng thủ tục hành chính, chi phí cho DN.

Bà LÊ THỊ DUYÊN HẢI, Vụ trưởng Vụ Kê khai (Tổng cục Thuế):

Ý kiến DN là cơ sở để luật hóa các quy định

Trong nội bộ ngành thuế hiện nay, những vướng mắc liên quan đến hóa đơn, chứng từ giữa bên mua và bên bán như vấn đề khai thuế, xác định nghĩa vụ thuế vào thời điểm nào… thì Tổng cục Thuế đã có một số văn bản trả lời. Tuy nhiên, đây là các văn bản không phải quy phạm pháp luật, không phải hướng dẫn chung nên cách hiểu trong các cơ quan quản lý nhà nước khác còn bất cập và chưa thống nhất, gây nhiều tranh cãi, nhất là trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Vì vậy, ý kiến của DN là cơ sở để luật hóa các quy định. Chúng tôi mong VCCI và cộng đồng DN có thêm ý kiến để chúng tôi có thể đưa thêm các nội dung khi sửa Nghị định 126 cũng như trong hướng dẫn Luật Quản lý thuế hoặc các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý thuế. Qua đó để có cơ sở pháp lý cho các cơ quan thuế, DN và các cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm toán…

Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế):

Nhiều mô hình để DN sử dụng hóa đơn điện tử

Theo Nghị định 123/2023, tất cả DN phải chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử. Có rất nhiều mô hình đáp ứng triển khai hóa đơn điện tử trên thực tế.

Thứ nhất, DN có thể thuê các tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có trên thị trường. Theo công bố của Tổng cục Thuế, có khoảng 96 đơn vị cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử. Theo chủ trương của Chính phủ, việc cung cấp hóa đơn điện tử được xã hội hóa để việc triển khai, hỗ trợ các DN hiệu quả hơn. Thứ hai, một số công ty lớn có số lượng hóa đơn lớn có thể đăng ký gửi trực tiếp hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế.•

Triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

Bộ Tài chính ngày 6-12 cho biết hiện ngành thuế đang triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền áp dụng cho các cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực bán lẻ đến người tiêu dùng (ăn uống, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ khác…). Hình thức hóa đơn này góp phần tối ưu chi phí hóa đơn, dễ dàng quản lý, sử dụng đối với mô hình kinh doanh cần xuất hóa đơn thường xuyên, liên tục.

Vẫn theo Bộ Tài chính, đến nay mới có Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM thực hiện việc xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng với khoảng trên 2.700 cửa hàng, chiếm khoảng 16% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.

CHÂN LUẬN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nganh-thue-cam-ket-tao-thuan-loi-nhat-ve-hoa-don-post765830.html