Ngành thép 'cầu cứu' G7 bảo vệ khỏi mối đe dọa từ Trung Quốc

Có đến 12 hiệp hội thép toàn cầu đã lên tiếng kêu gọi các nền kinh tế phát triển thuộc nhóm G7 ngăn chặn thép Trung Quốc bán phá giá trên thị trường toàn cầu và gây ảnh hưởng tới các nhà sản xuất.

Các nhà sản xuất thép đang bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm của giá thép và họ đổ lỗi cho việc Trung Quốc tăng cường xuất khẩu thép giá rẻ. Nhu cầu sử dụng thép đã giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và hành động của Trung Quốc càng khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Trong số những nhà sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề không thể không nhắc tới Tata Steel. Hồi tháng 3, Tata Steel đã phải rao bán cơ sở sản xuất tại Anh do lỗ nặng. Sự kiện này đã gây ra một cuộc đua chính trị nhằm cứu lấy hàng nghìn việc làm.

Phía Mỹ cho biết chương trình nghị sự của nhóm G7 tại Nhật Bản vào ngày 26/5 sẽ có một cuộc thảo luận về vấn đề giảm bớt sự dư thừa năng suất công nghiệp toàn cầu, nhấn mạnh vào sự dư thừa của ngành thép.

Ngày 25/5, một lá thư ngỏ đã được 12 tổ chức của ngành thép toàn cầu gửi tới các nhà lãnh đạo thế giới với mong muốn rằng trong cuộc thảo luận của nhóm G7 sẽ bao gồm việc hành động đáp trả những quốc gia không tôn trọng các điều kiện kinh tế thị trường, trong đó đặc biệt là Trung Quốc. Bên cạnh đó, vấn đề dư cung cũng cần được bàn bạc để giải quyết.

Chủ tịch Hiệp hội Thép châu Âu (EUROFER) – ông Axel Eggert – cho rằng trong môi trường có rất ít hoặc không có sự trợ giúp của chính phủ, sẽ rất khó cho các công ty hoạt động hiệu quả tồn tại trong hoàn cảnh này.

Hồi đầu tháng 5, các nhà lập pháp của Liên minh Châu âu (EU) đã từ chối hoàn toàn việc nới lỏng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Trung Quốc bởi các cuộc tranh luận vẫn đang tiếp tục nổ ra về việc liệu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã hội đủ các điều kiện để trở thành một thực thể kinh tế thị trường hay chưa.

Trung Quốc cho rằng sau 15 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), việc trở thành một thực thể kinh tế thị trường của họ là đương nhiên. Chính quyền Bắc Kinh cũng phủ nhận rằng cuộc khủng hoảng thép hiện nay là do lỗi của họ.

Nếu EU chấp nhận Trung Quốc là một thực thể kinh tế thị trường, họ sẽ gặp khó trong việc áp đặt các rào cản thương mại để bảo vệ nền công nghiệp của chính mình.

EUROFER nhận định rằng gốc rễ của vấn đề chắc chắn đến từ Trung Quốc – quốc gia đã sản xuất một nửa sản lượng thép toàn cầu trong năm 2015, trong khi con số này của năm 2000 chỉ là 15%.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/nganh-thep-cau-cuu-g7-bao-ve-khoi-moi-de-doa-tu-trung-quoc-20160526124227573p150c168.news