Ngành than khủng hoảng: Thuế cao, cấm xuất nhưng ồ ạt nhập than với thuế suất bằng 0

Tại cuộc hội thảo khoa học “Phát huy truyền thống công nhân mỏ trong đổi mới kinh tế của đất nước”, do Tạp chí Lao Động và Công đoàn phối hợp với Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), tổ chức sáng nay (29.10), tại TP.Hạ Long, nhiều ý kiến đề nghị giảm thuế, phí và mở cửa xuất khẩu để cứu ngành than. Tất cả các nhà quản lý, các chuyên gia đều thừa nhận: ngành than đã trải qua nhiều đợt khủng hoảng, nhưng chưa bao giờ lớn như hiện nay, khi than tồn đọng hơn 10 triệu tấn, hàng ngàn công nhân lao động mất việc mỗi năm.

Tàu vào "ăn" than tại cảng Nam Cầu Trắng, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Ông Đoàn Văn Kiển – nguyên Chủ tịch HĐTV, nguyên Tổng giám đốc TKV – cho rằng, hiện nay ngành than hoạt động “thị trường không ra thị trường mà kế hoạch cũng không hẳn như thế”.

“Trước đây, TKV chịu trách nhiệm sản xuất, nhập khẩu than để đảm bảo nhu cầu của nền kinh tế. Nhưng, bây giờ khác, cho nhập khẩu thoải mái và ngành than không phải chịu trách nhiệm nhập khẩu thì phải có sự ràng buộc như thế nào đó trong chính sách để cho TKV chủ động đầu tư. Sản xuất ra nhưng không cho xuất khẩu, trong khi than đẹp của TKV hoàn toàn có thể xuất khẩu thì lại ế rất nhiều, trong khi đó lại cho nhập ồ ạt. Đây là tư duy quản lý theo kế hoạch. Đã cho nhập thì nên cho xuất, trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế. Đó mới là cơ chế thị trường” – ông Kiển chia sẻ – “Thị trường thì thị trường hẳn, hoặc kế hoạch thì kế hoạch hóa, để ngành than trù liệu khả năng của mình.”

Quang cảnh hội thảo

Được biết, hiện có tới 52 đơn vị nhập khẩu than, với tổng lượng than nhập từ đầu năm 2016 tới nay lên khoảng 10 triệu tấn, trong khi dự báo nhập cả năm chỉ hơn 3 triệu tấn. Trong khi đó, số lượng than tồn của TKV hiện cũng đã lên tới hơn 11 triệu tấn.

Theo các đại biểu, việc nhập là cần thiết, nhưng cũng không nên cấm vì có những loại than trong nước không cần dùng.

Việc một khối lượng lớn than có thể xuất khẩu được nhưng cấm xuất không chỉ khiến sản xuất đình trệ, công nhân, lao động thiếu việc làm mà còn khiến nhiều cty đọng vốn quá lớn, trong khi phần lớn vốn đi vay ngân hàng.

Theo ông Kiển, đành rằng những vấn đề nội tại trong ngành than, nhất là liên quan tới quản lý chi phí sản xuất, kinh doanh cùng địa hình khai thác ngày một khó khăn là những nguyên nhân góp phần làm tăng giá thành than, thì việc áp thuế nhập khẩu bằng không và thuế đánh trực tiếp vào giá than quá cao đang bóp nghẹt ngành than.

“Thuế trực tiếp đánh vào giá thành than ở Việt Nam hiện cao bậc nhất thế giới –

khoảng 16%, gồm thuế tài nguyên, phí môi trường, quyền khai thác than…Ở các nước khác, thuế cao nhất cũng chỉ 10%. Bỏ qua vấn đề nội bộ của ngành than, nếu chỉ áp mức thuế 10% như mức cao nhất ở các nước thì liệu có hơn 10 triệu tấn than nhập vào Việt Nam từ đầu năm tới nay và có 11 triệu tấn than của TKV tồn đọng không?” – ông Kiển nói.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, chỉ cần áp mức thuế như các nước và đối xử công bằng như với than nhập, thì than trong nước sẽ đủ khả năng cạnh tranh.

Nguyễn Hùng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/nganh-than-khung-hoang-thue-cao-cam-xuat-nhung-o-at-nhap-than-voi-thue-suat-bang-0-605653.bld