Ngành Tài chính quản lý, điều hành chính sách tài khóa hiệu quả

Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Hội nghị tổng kết đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2024, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, năm 2023, Bộ Tài chính đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong đó, một trong những điểm nhấn quan trọng là quản lý, điều hành chính sách tài khóa hiệu quả.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Văn Trường

10 điểm sáng của ngành Tài chính trong năm 2023

Sau bài phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã tiếp thu toàn diện chỉ đạo của Phó Thủ tướng và khẳng định, ngành Tài chính sẽ triển khai các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ trong năm 2024.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, là một Bộ đa ngành với nhiều nhiệm vụ nặng nề, song được sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, sự nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tài chính, năm 2023, Bộ Tài chính đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính – NSNN.

Những kết quả này được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khái quát và nhấn mạnh qua 10 điểm sáng của Ngành trong năm 2023, gồm:

Thứ nhất, ngành Tài chính đã quản lý, điều hành chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt và hiệu quả. Trong bối cảnh nguồn thu NSNN gặp nhiều khó khăn, hàng loạt các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được ban hành với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng được triển khai. Tuy nhiên, kết quả thu NSNN tính đến ngày 25/12/2023 vẫn đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, bằng 104,5% dự toán. Dự kiến đến hết 31/12/2023, sẽ vượt thu ngân sách khoảng 10% so với dự toán được giao.

"Trong khi tăng trưởng kinh tế khó đạt mục tiêu đề ra là 6-6,5% nhưng kết quả thu NSNN đạt được như hiện nay đã cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành Tài chính và các bộ, ngành, địa phương", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ hai, ngành Tài chính đạt nhiều thành tựu trong chuyển đổi số, hướng tới xây dựng nền tài chính thông minh.

Thứ ba, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”.

Thứ tư, Bộ Tài chính quản lý nợ công chặt chẽ, hiệu quả. Quy mô nợ công đến cuối năm 2023 khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra.

Thứ năm, hoàn thiện pháp luật và giảm nhiều khoản phí, lệ phí khi thực hiện điều hành dịch vụ công trực tuyến để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tính đến ngày 26/12/2023, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 1 Luật, 1 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 19 nghị định và đang xem xét ban hành 15 nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 quyết định; ban hành theo thẩm quyền 64 thông tư.

Thứ sáu, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực đánh giá tác động và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu trình Chính phủ trình Quốc hội khóa XV để chính thức thông qua Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 6.

"Đây cũng là một trong những thành công lớn của Bộ Tài chính trong năm 2023, góp phần tăng cường thu hút đầu tư, giữ chân các nhà đầu tư để phát triển kinh tế", Bộ trưởng khẳng định.

Thứ bảy, Bộ Tài chính nỗ lực kiểm soát lạm phát và quản lý bội chi ngân sách hiệu quả. Năm 2023, ước bội chi NSNN thực hiện khoảng 4% GDP, chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng khoảng 3,5%.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Văn Trường

Thứ tám, công tác phát hiện, bắt giữ các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, ma túy được Bộ Tài chính tổ chức thực hiện quyết liệt, trong đó có nhiều vụ tiêu biểu như: thu giữ 8,3 tấn ngà voi, 37 kg sừng tê giác, 2,8 tấn ma túy các loại...

Thứ chín, tăng cường hợp tác quốc tế toàn diện trong lĩnh vực tài chính. Trong năm 2023, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã triển khai được nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư và các hội nghị thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu sắc trong lĩnh vực tài chính, từ đó tranh thủ được nguồn vốn, các hiệp định đầu tư, thu hút các nguồn lực bên ngoài.

Điển hình như Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính tổ chức tại Los Angesles, thu hút đông đảo các nhà đầu tư gồm các quỹ đầu tư lớn, các tập đoàn, doanh nghiệp Hoa Kỳ tham dự; Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2023 tại San Francisco thuộc tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính APEC 2023 do Hoa Kỳ chủ trì…

Thứ mười, công tác an sinh xã hội được Bộ Tài chính triển khai thiết thực, hiệu quả. Trong năm qua, ngành Tài chính xây dựng 100 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại Bắc Kạn; 50 nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh tại Nghệ An; 141 nhà tình nghĩa xây tặng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Mường Ẳng, Điện Biên; Xây tặng trường cho các em học sinh tại Trường Tiểu học Vĩnh An, Tây Sơn, Bình Định...

Cùng với đó, Bộ Tài chính đã thăm và tặng quà cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới; Trao tặng quà tết cho công nhân lao động khó khăn cùng hàng ngàn suất học bổng cho các học sinh nghèo, vượt khó trong học tập.

Vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm đạt được mục tiêu đề ra

Chỉ đạo, định hướng các nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2024, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2024, nền kinh tế nước ta vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, toàn Ngành phải tranh thủ sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự hỗ trợ của các địa phương, bộ, ngành để vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được mục tiêu đề ra, nhất là điều hành chính tài khóa mà trọng tâm là chính sách thu và chi.

Về công tác thu ngân sách, Bộ trưởng cho biết đã có nhiều cải tiến, điển hình như triển khai hóa đơn điện tử, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo để quản lý hóa đơn điện tử, kết nối liên thông với sàn thương mại điện tử... Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, cần nhìn lại để năm 2024 có thêm nhiều giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN. Theo Bộ trưởng, cần tập trung thu thuế trên các sàn giao dịch điện tử, trong chuyển nhượng bất động sản; chống thất thu trong gian lận hóa đơn điện tử để trục lợi, chống trục lợi qua hoàn thuế…

Đối với vấn đề hoàn thiện pháp luật, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2024, ngành Tài chính sẽ thực hiện nghiên cứu, đề xuất sửa đổi nhiều bộ luật lớn như Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt… Do đó, cần tập trung "thiết kế" sao cho hợp lý để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, thị trường vốn đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, doanh nghiệp đang có nhiều nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ. Muốn doanh nghiệp có thể trả được nợ, thanh toán được trái phiếu thì phải tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động, sản xuất kinh doanh tốt lên, khi đó mới có nguồn lực để thanh toán nợ, đồng thời đóng góp nghĩa vụ cho ngân sách nhà nước...

Bộ trưởng chỉ đạo, năm 2024, ngành Tài chính cần tập trung nguồn lực vào công nghệ thông tin - vấn đề từ trước đến nay Bộ Tài chính luôn ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, cần tập trung đầu tư nâng cấp mở rộng, xây dựng mới các hệ thống công nghệ thông tin hiện đại; chủ động đề xuất, xây dựng cũng như bố trí nguồn lực nâng cấp, xây mới các hệ thống để không tụt hậu.

Giải đáp một số kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, ngành Tài chính sẽ cùng với các địa phương, bộ, ngành để tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn triển khai, thực hiện các nhiệm vụ. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội với phương châm tháo gỡ tối đa khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển, đảm bảo không lãng phí, hiệu quả kinh tế cao.

Gia Hân

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nganh-tai-chinh-quan-ly-dieu-hanh-chinh-sach-tai-khoa-hieu-qua.html