Ngành nông nghiệp đã 'vượt cơn gió ngược'

Nông nghiệp Tiền Giang, cùng với cả nước, cũng đã 'vượt cơn gió ngược' để gặt hái nhiều thành công đáng được ghi nhận.

HIỆU QUẢ CAO

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp cả nước vừa qua cho thấy nhiều điểm tích cực của ngành khi đã trải qua giai đoạn đầy biến động, ngành Nông nghiệp đã vượt “cơn gió ngược”, thu được nhiều kết quả đáng trân trọng.

Hòa chung vào khí thế, ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng đã ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, GRDP khu vực nông, lâm, ngư nghiệp năm 2023 đạt 4,14% (kế hoạch từ 3,5% - 3,8%, cùng kỳ năm trước tăng 3,54%). Một trong những điểm nhấn quan trọng thấy rõ nhất thông qua lĩnh vực cây ăn trái.

Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường tiêu thụ trái cây ngày càng được mở rộng, nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh Tiền Giang tiếp tục tham gia vào chuỗi xuất khẩu như sầu riêng, mít, thanh long, xoài, chuối, bưởi...

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thăm Công ty Cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico - Tiền Giang (huyện Chợ Gạo). Ảnh: CAO THẮNG.

Từ đó, nông dân tích cực chăm sóc và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp góp phần bảo vệ năng suất và nâng cao chất lượng các mặt hàng trái cây nên giá bán các loại trái cây nhìn chung tăng hơn so với cùng kỳ.

Chẳng hạn, giá bưởi, khóm tăng từ 1.500 - 2.000 đồng/kg; thanh long, mãng cầu Xiêm, mít tăng từ 8.000 - 18.000 đồng/kg, riêng sầu riêng tăng từ 25.000 - 50.000 đồng/kg nên nông dân trồng cây ăn trái thu được lợi nhuận cao (từ 73,6 - 1.745,3 triệu đồng/ha tùy loại, cao hơn cùng kỳ từ 6,8 - 818,7 triệu đồng/ha).

Ngoài cây ăn trái, nông nghiệp Tiền Giang còn ghi nhận điểm sáng trên cây lúa. Thực tế vừa qua cho thấy, giá công lao động, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cao nhưng nhờ áp dụng giảm chi phí sản xuất (hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) nên giá thành sản xuất tăng không đáng kể so với năm 2022. Chưa kể, giá lúa tăng so với cùng kỳ từ 600 - 2.500 đồng/kg tùy vụ, đặc biệt tăng cao trong vụ hè thu 2023, nên nông dân thu được lợi nhuận khoảng 26 - 32 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn năm 2022 trung bình 8,7 triệu đồng/ha/vụ.

Nhìn ở khía cạnh khác, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đình Thông, trong bức tranh chung của Tiền Giang năm 2023, có sự đóng góp không nhỏ của ngành Nông nghiệp thông qua việc giá nông sản hầu hết đều tăng, kết quả xây dựng nông thôn mới cũng góp phần quan trọng nâng cao đời sống người dân. Trong tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 của Tiền Giang đạt khoảng 5,1 tỷ USD có sự gia tăng đáng kể của ngành thủy sản, gạo…

CHẠM ĐỂ KẾT NỐI

Nhìn trên bức tranh tổng thể, ngành Nông nghiệp nói chung đã xoay chuyển tình thế từ chỗ lúng túng, bị động, bất ngờ sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo để tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, thách thức. Ngành đã chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang tấn công, đột phá trong một số ngành, như gạo, rau củ quả, lập kỷ lục mới.

Vì thế, vai trò, vị thế "trụ đỡ" của nông nghiệp càng ngày càng được khẳng định, bảo đảm đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng trong nước, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

Đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu là ngành hàng rau quả, với con số kỷ lục 5,6 tỷ USD, cao gấp rưỡi so với kỷ lục được thiết lập trước đó vào năm 2018 là 3,81 tỷ USD. Bên cạnh đó, sầu riêng vươn lên trở thành mặt hàng rau quả xuất khẩu số 1, với kim ngạch hơn 2 tỷ USD trong năm 2023.

Sầu riêng tạo nên dấu son rõ nét nhất trong năm 2023.

Thật ra, đây là là kết quả của một quá trình chuyển đổi với rất nhiều nỗ lực của ngành. Có lẽ một trong những thành công rõ nét của ngành Nông nghiệp đó là kích hoạt được tư duy kinh tế, tư duy thị trường.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói rằng, trước đây ngành Nông nghiệp cố gắng tạo ra được sản lượng nhiều nhất. Có lúc chúng ta đã nghĩ sản lượng đi đôi với việc đáp ứng thị trường và nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhưng những bài học về "được mùa mất giá" đã cho chúng ta hiểu rằng sản xuất có thể ít hơn, tốt hơn thì lợi ích thu về từ thị trường sẽ lớn hơn.

Tất nhiên, trong bộn bề công việc, thời gian tới ngành Nông nghiệp Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung, còn nhiều việc để làm do tác động của thị trường, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn… Theo đó, ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục thực hiện Đề án điều chỉnh Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 gắn với xây dựng nông thôn mới; công tác phòng, chống dịch bệnh; phát triển kinh nông thôn…

Còn nhìn trên bức tranh tổng thể hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết, năm 2024, Bộ NN-PTNT mạnh dạn tiếp cận xu thế "chạm để kết nối": Kích hoạt tư duy "số hóa" trong quản trị ngành, điều hành ngành, từng bước làm quen với việc thu thập, xử lý dữ liệu, phân tích thông tin trên các thiết bị thông minh. "Chạm để kết nối" đến ngay diện tích, sản lượng những vùng nguyên liệu, gắn với mã vùng trồng, vùng nuôi. "Chạm để kết nối" đến ngay biểu đồ đo lường tiến độ thực hiện "Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030"…

Nông nghiệp thời 4.0 dần được định hình nên tư duy kinh tế nông nghiệp, tư duy về thị trường tiêu thụ cũng liên tục được thay đổi. Có như thế ngành Nông nghiệp mới xứng đáng là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế.

TA

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202401/nganh-nong-nghiep-da-vuot-con-gio-nguoc-1000374/