Ngành Kiểm sát nhân dân và những dấu ấn không phai

Từng công tác, gắn bó với ngành Kiểm sát nhân dân, người thì nay đã về hưu, người thì chuyển công tác khác. Nhưng với họ, tình yêu với ngành Kiểm sát nhân dân vẫn không hề phai. Dù trên cương vị nào, họ cũng mong muốn ngành Kiểm sát ngày một phát triển, khẳng định vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao Dương Thanh Biểu: Vụ án Ôn Như Hầu- dấu ấn không phai mờ

Tuy đã nghỉ hưu khá lâu nhưng ông Dương Thanh Biểu vẫn rất tích cực viết sách, viết truyện, hồi kí. Trong đó, những câu chuyện về ngành Kiểm sát luôn được ông trân trọng và viết thành những tác phẩm văn học có giá trị. Ông chia sẻ, cứ đến ngày kỷ niệm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân 26/7 hàng năm, những sự kiện và con người của Ngành cứ ùa về đối với các thế hệ cán bộ Kiểm sát. Trong đó, có vụ án Ôn Như Hầu mà mỗi khi nhắc tới, chúng ta càng tự hào về những cống hiến của Ngành đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Ngày 2/9/1945 được xem là một cột mốc chói lọi trong hành trình nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trong thời gian này, theo sự phân công của phe Đồng minh, 20 vạn quân Tưởng vào Việt Nam để giải giáp vũ khí quân Nhật. Đội quân này đi tới đâu là giải tán chính quyền Việt Minh tới đó và trao lại quyền quản lý cho các thành viên Việt Nam Quốc dân đảng. Họ đã chuyển giao cho Việt Nam Quốc dân đảng và các đảng phái đối lập với Việt Minh hàng tấn vũ khí thu gom được của Nhật.

Với số vũ khí này, Việt Nam Quốc dân đảng và Đại Việt Quốc dân đảng đã tổ chức các đội vũ trang gây ra nhiều vụ cướp, bắt cóc, tống tiền, tổ chức ám sát những người theo Việt Minh rồi tuyên truyền đổ lỗi cho Việt Minh đã không đảm bảo được an ninh trật tự ở Hà Nội và một số đô thị ở Bắc Bộ. Trước tình hình đó, Công an ta đã lập chuyên án mà sau này được lấy tên công khai là Chuyên án số 7 phố Ôn Như Hầu. Cuối tháng 6-1946, Công an Trung ương nhận được nguồn tin của cơ sở phát hiện được âm mưu của thực dân Pháp cấu kết với Quốc dân đảng đang chuẩn bị thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền non trẻ của nhân dân ta.

Ngày 11/7/1946, cơ sở báo tin cho ta, bọn phản động Quốc dân đảng đã in xong truyền đơn, lời hiệu triệu và đang chuẩn bị chuyển đến các địa bàn, để bạo loạn lật đổ chính quyền non trẻ vào ngày 14/7/1946 tại Hà Nội. Tình hình lúc này cực kỳ nguy hiểm và khẩn trương, đòi hỏi các hoạt động điều tra, nắm tình hình hoạt động của bọn Quốc dân đảng phải kịp thời…

Đêm 11/7/1946, Chỉ huy Công an đã có cuộc họp khẩn cấp để bàn chuẩn bị đột kích, phá án. Cuộc họp đã thống nhất nhận định: Đây là âm mưu vô cùng nguy hiểm của kẻ thù nhằm lật đổ chính quyền Cách mạng non trẻ. Trên cơ sở những tài liệu thu thập được dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Bộ Nội vụ), hội nghị nhất trí đánh giá có đầy đủ căn cứ để phá án, trấn áp kịp thời.

Đội trinh sát đặc biệt, đơn vị chủ chốt trấn áp bọn phản động Quốc dân đảng ngày 12/7/1946. Ảnh TL

Trong các ngày giữa tháng 7 năm 1946, lực lượng an ninh của ta đã tiến hành khám xét 41 địa điểm là trụ sở công khai và bí mật của bọn phản động, mà Chỉ huy Sở được đóng tại số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội)... Sau hơn 2 ngày, cuộc tổng trấn áp Quốc dân đảng thắng lợi, đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng do chúng câu kết với quân đội viễn chinh Pháp. Tại các điểm trên đây, ta đã bắt giữ hơn 300 tên, trong đó có nhiều đối tượng cộm cán cầm đầu như tên Phan Kích Nam là Bí thư Đệ nhất khu, nghị sĩ Quốc hội. Đồng thời, ta đã thu nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng về âm mưu hoạt động bạo loạn và lật đổ của chúng.

Trong quá trình xét xử, ta đã tổ chức mở cuộc triển lãm về tội ác của chúng tại số 7 phố Ôn Như Hầu, hàng vạn đồng bào ở Hà Nội đến xem các tài liệu, chứng cứ phạm tội của bọn Quốc dân đảng. Vì thế, đồng bào càng tích cực giúp đỡ, tạo ra áp lực chính trị mạnh mẽ, làm cho quân đội Pháp không dám can thiệp. Thông qua phiên tòa xét xử, ta đã tích cực tuyền truyền về những âm mưu thâm độc của kẻ thù trong việc thành lập tổ chức phản động hòng thực hiện bạo loạn và lật đổ chính quyền của nhân dân. Đồng thời, phiên tòa cũng nêu lên những thắng lợi to lớn không thể đảo ngược của chính quyền Cách mạng. Phiên tòa cũng nêu lên những bài học cảnh giác cách mạng trong nhân dân trước âm mưu đen tối của các tổ chức phản cách mạng.

Theo nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao Dương Thanh Biểu, mỗi khi nhắc tới vụ án Ôn Như Hầu, chúng ta càng tự hào về những cống hiến của Ngành đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Kết quả giải quyết vụ án Ôn Như Hầu là chiến công chói lọi của lực lượng Công an Việt Nam vào thời kỳ đất nước ta mới được giải phóng. Điều đáng chú là, trong vụ án này, đồng chí Trần Hiệu được giao nhiệm vụ lãnh đạo ngành Công an Bắc Bộ, là người góp sức cùng lực lượng an ninh phá vụ án này. Kết thúc điều tra cũng là lúc đồng chí Bùi Lâm được giao trọng trách là Chủ tọa Hội đồng xét xử vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Với cương là Chủ tọa Hội đồng xét xử, ông đã tập trung chỉ đạo chặt chẽ việc nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị xét xử vụ án Ôn Như Hầu.

Trong quá trình giải quyết vụ án, đồng chí Trần Hiệu và đồng chí Bùi Lâm với vai trò, trọng trách của mình, đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt này. Và điều thú vị là, khi ngành Kiểm sát nhân dân được thành lập, hai ông được Đảng, Nhà nước bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, là những trợ thủ đắc lực của Viện trưởng VKSND tối cao Hoàng Quốc Việt.

“Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 – 26/7/2023), xin đề cập những đóng góp của hai ông Trần Hiệu và Bùi Lâm trong vụ án Ôn Như Hầu để thấy được những công lao của các bậc tiền bối trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ. Kế thừa truyền thống vẻ vang của các vị tiền bối, thế hệ trẻ cán bộ Kiểm sát ngày nay, nguyện đoàn kết, hoàn thành tốt trọng trách của mình, góp phần thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.”- nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao Dương Thanh Biểu chia sẻ.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Ngành Kiểm sát đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó

Nguyên Phó Viện trưởng VKS Quân sự trung ương, Thiếu tướng Trần Đức Thuận được bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV và trở thành Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Tuy không còn công tác trong ngành Kiểm sát nhưng Thiếu tướng Trần Đức Thuận vẫn luôn đồng hành, dõi theo quá trình phát triển của Ngành. Khi được hỏi về những kỉ niệm, cảm xúc và đánh giá của mình về ngành Kiểm sát trong giai đoạn hiện nay, ông đã sẵn sàng chia sẻ với Phóng viên Báo BVPL.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận cho rằng, ngành Kiểm sát đã đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý các vụ đại án, góp phần cũng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Theo Thiếu tướng Trần Đức Thuận, mặc dù trong điều kiện còn có nhiều khó khăn nhưng với chủ trương “ Đoàn kết, đổi mới, trách nhiệm, kỷ cương, thực chất, hiệu quả”, trong thời gian qua, ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước và Nhân dân giao cho. Nổi lên là đã quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, tích cực đóng góp xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, nhất là các đạo luật về tư pháp. Có thể thấy, ngành Kiểm sát đã thường xuyên chủ động, phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp đấu tranh có hiệu quả nhiều loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, kinh tế; tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Trong thời gian gần đây, ngành Kiểm sát đã đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý các vụ đại án, góp phần cũng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Đặc biệt, ngành Kiểm sát đã có nhiều biện pháp đổi mới, sáng tạo, hiệu quả nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, thực hiện tốt các chỉ tiêu Quốc hội giao, nhất là chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; chống các hành vi vi phạm hoạt động tư pháp, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và cá nhân; vi phạm quyền con người, quyền công dân. Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyền truyền giáo dục pháo luật, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Ngành Kiểm sát nhân dân đã thường xuyên thực hiện tốt công tác xây dựng Ngành, tập trung là nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành các hoạt động của Ngành theo kế hoạch, theo nguyên tắc tập trung thống nhất trong Ngành; đổi mới công tác tổ chức cán bộ theo hướng, cán bộ cấp trên phải qua thử thách, rèn luyện từ cấp dưới; đánh giá đa chiều, lấy kết quả làm thước đo phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực hiện các nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ; công tác bảo đảm hướng đến ở phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ và các vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn.

Thanh Dịu

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/nhan-to-dien-hinh/nganh-kiem-sat-nhan-dan-va-nhung-dau-an-khong-phai-143364.html