Ngành Giáo dục Hà Nội quyết tâm hoàn thành 'nhiệm vụ kép'

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 4-5, các trường học trên địa bàn Hà Nội đã chuyển sang dạy học trực tuyến. Đợt dịch lần này diễn biến phức tạp vào lúc nhiều trường chưa hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá cuối năm học 2020-2021, khiến phụ huynh lo lắng. Chung sức khắc phục khó khăn, hỗ trợ tối đa cho học sinh để hoàn thành 'nhiệm vụ kép' là bảo đảm an toàn, dạy học chất lượng, đúng tiến độ đang được ngành Giáo dục Hà Nội quyết tâm triển khai với nhiều giải pháp.

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) dạy trực tuyến trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường do dịch Covid-19. Ảnh: Thanh Tùng

Tạm dừng đến trường, không dừng học

Tinh thần “tạm dừng đến trường, không dừng học” của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã, đang được ngành Giáo dục Hà Nội chủ động triển khai với quyết tâm không để những khó khăn của dịch làm ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian năm học. Ghi nhận chung trên địa bàn thành phố, công tác tổ chức dạy học đã đi vào nền nếp, cô và trò không gặp nhiều khó khăn khi chuyển trạng thái dạy, học.

Theo ông Dương Hai Bảy Mươi, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên), xác định tình hình dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp bất cứ lúc nào, nhà trường đã xây dựng phương án dạy học ứng phó với từng cấp độ của dịch. Giáo viên, học sinh đã có kinh nghiệm dạy, học trực tuyến từ năm học 2019-2020, nên hiện không còn bỡ ngỡ. Với tiến độ hiện nay, nhà trường có thể hoàn thành chương trình trước ngày 25-5-2021.

Còn theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, các nhà trường đã chủ động rà soát, bổ sung điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng kho bài giảng trực tuyến. Khi có thông báo học sinh tạm dừng đến trường vào tối 3-5, ngay hôm sau, các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện đã chuyển sang dạy học trực tuyến. Tùy khối lượng chương trình còn lại, các nhà trường xây dựng thời khóa biểu phù hợp, bảo đảm 100% học sinh tiếp cận, đáp ứng các yêu cầu của bài học.

Bà Lê Thị Quỳnh Lan, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình) chia sẻ: “Việc các con học trực tuyến ở nhà khiến sinh hoạt gia đình có nhiều thay đổi, nhưng đây là việc cần thiết trong tình hình hiện nay. Chúng tôi cố gắng chia sẻ khó khăn với nhà trường, tạo điều kiện tốt nhất cho con học tập hiệu quả”.

Hỗ trợ tối đa, ưu tiên học sinh cuối cấp

Trước diễn biến phức tạp của dịch vào thời điểm học sinh chuẩn bị kiểm tra học kỳ II, phụ huynh học sinh và giáo viên của các nhà trường đều chung sức hỗ trợ tối đa để học sinh học tập hiệu quả, đáp ứng tốt với các kỳ thi.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Tô Văn Nhân, nhà trường đã rà soát, hỗ trợ trang thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm 100% học sinh của trường đủ điều kiện học tập trực tuyến. Nhà trường giao giáo viên chủ nhiệm nắm bắt tình hình sức khỏe, giám sát sĩ số và ý thức học tập của từng học sinh để phối hợp với gia đình nhắc nhở, động viên các em.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hà Thanh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Mai Động (quận Hoàng Mai), nhà trường đã hoàn thành kiểm tra, đánh giá với học sinh lớp 9. Còn với học sinh lớp 6, 7, 8, nhà trường đang tổ chức dạy học để hoàn thành chương trình cùng với việc tổ chức ôn tập, sẵn sàng để khi dịch được kiểm soát, các em quay trở lại trường là có thể làm bài kiểm tra học kỳ II, bảo đảm chất lượng.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ Lê Hồng Vũ cho hay, hiện chỉ có học sinh lớp 9 trên địa bàn hoàn thành bài kiểm tra học kỳ II. Với các lớp còn lại, phòng chỉ đạo các nhà trường vừa tổ chức dạy nốt chương trình, vừa ôn tập trực tuyến, ưu tiên tối đa cho học sinh tiểu học. “Chúng tôi cũng đã chuẩn bị phương án kiểm tra học kỳ II trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp, song vẫn hy vọng dịch sớm được kiểm soát để học sinh có thể đến trường làm bài kiểm tra”, ông Lê Hồng Vũ bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, ngày 3-5, Sở đã có hướng dẫn các nhà trường về việc kiểm tra, đánh giá; trong đó, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình học sinh học trực tuyến, còn việc kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ được thực hiện khi học sinh quay trở lại trường.

“Sở luôn bám sát diễn biến của dịch để kịp thời có chỉ đạo phù hợp. Nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, Sở sẽ có hướng dẫn mới trong việc tổ chức kiểm tra, đánh giá cuối học kỳ theo quy định tại Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, có hiệu lực từ ngày 16-5-2021. Thời điểm này, các nhà trường ưu tiên tập trung hoàn thành chương trình cho tất cả các lớp, chưa vội tổ chức kiểm tra cuối học kỳ theo hình thức trực tuyến, song vẫn phải chuẩn bị các phương án ứng phó với diễn biến mới”, ông Phạm Xuân Tiến nhấn mạnh.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/999063/nganh-giao-duc-ha-noi-quyet-tam-hoan-thanh-nhiem-vu-kep