Ngành điện gió ngoài khơi sẽ cần nhiều lao động

Theo Quy hoạch Điện 8 đã được phê duyệt, Việt Nam nâng công suất điện gió ngoài khơi từ mức 0 ở thời điểm năm 2023 lên 6 Giga oát vào năm 2030, tầm nhìn 70 - 91,5 Giga oát vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, lực lượng lao động lành nghề, chất lượng cao cần được đặc biệt quan tâm.

Các chuyên gia cho rằng tiềm năng nhân lực của Việt Nam là rất lớn khi sở hữu hệ thống đào tạo chuyên ngành phù hợp từ các hệ đại học, cao đẳng. Lao động kỹ thuật lành nghề, có chuyên môn cao trong lĩnh vực sản xuất, đóng tàu và dầu khí cũng có thể đào tạo thêm để phục vụ cho ngành điện gió ngoài khơi.

Việt Nam có tiềm năng nhân lực lớn cho ngành điện gió ngoài khơi.

Để chủ động nguồn nhân lực, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) của Đan Mạch, một trong những nhà phát triển điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới, đã phối hợp với Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách Khoa Hà Nội, tổ chức hội thảo "Cơ hội nghề nghiệp ngành điện gió ngoài khơi", mô tả công việc chi tiết của trên 70 vị trí khác nhau với những kỹ năng, bằng cấp, chứng chỉ cần thiết, những chương trình đào tạo hỗ trợ nhân sự Việt Nam gia nhập ngành điện gió ngoài khơi. Sinh viên yêu thích ngành điện gió ngoài khơi có thể lựa chọn ngành học phù hợp với định hướng ngay từ ban đầu.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nganh-dien-gio-ngoai-khoi-se-can-nhieu-lao-dong-229084.htm