Ngành dân số Nghệ An nỗ lực đưa dịch vụ y tế về từng thôn, bản

Vượt lên khó khăn, những người làm công tác dân số vùng đồng bào miền núi - dân tộc trên địa bàn Nghệ An đã nỗ lực để đưa dịch vụ về từng thôn bản, giúp người dân hiểu và được chăm sóc, cải thiện sức khỏe.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Những ngày cuối năm, công việc của các viên chức dân số và cán bộ y tế của Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ càng trở nên bận rộn. Ở chặng nước rút thực hiện Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Tân Kỳ đã chọn 5 nội dung để triển khai trong năm 2023.

Khám sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn xã Giai Xuân (Tân Kỳ). Ảnh: Mỹ Hà

Trong đó, ưu tiên đối tượng yếu thế đầu tiên là người cao tuổi. Qua đó, đã tổ chức hơn 30 buổi truyền thông phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho hơn 2.000 người cao tuổi của 11 xã có người dân tộc thiểu số sinh sống tại nhiều xã khó khăn như: Tiên Kỳ, Tân Hợp, Đồng Văn, Nghĩa Thái, Tân Xuân và Giai Xuân…

Buổi triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc các bệnh mãn tính dành cho người cao tuổi được tổ chức tại xã Giai Xuân là cơ hội để các cụ ông, cụ bà trong xã được gặp gỡ, chia sẻ về cuộc sống, gia đình, giao lưu về văn hóa bản địa, phong tục tập quán.

Tuyên truyền về chính sách dân số cho người dân ở xã Bình Chuẩn (Con Cuông). Ảnh: Mỹ Hà

Tham gia chương trình với sự háo hức, nên dù thời tiết nắng nóng người cao tuổi trong xã vẫn đến đông đủ. Qua thăm, khám, kiểm tra sức khỏe, bà Nguyễn Thị Viên ở xóm Quyết Tâm, xã Giai Xuân phấn khởi nói: Lần đầu tiên tôi được khám tổng thể, xét nghiệm, khám mắt, đo huyết áp, siêu âm. Rất cảm ơn các bác sĩ đã lặn lội đường xa đến với bà con...

Tại huyện Con Cuông, từ đầu tháng 11, các hoạt động thuộc nội dung 2, Dự án 7 về nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023 cũng đã được Trung tâm Y tế huyện tổ chức đồng loạt.

Trong đó, riêng hoạt động chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh ở người cao tuổi được tổ chức tại nhiều xã vùng khó khăn như: Lạng Khê, Châu Khê, Thạch Ngàn, Mậu Đức, Bình Chuẩn.

Người dân huyện Quỳ Hợp tham gia điểm cung cấp dịch vụ dân số. Ảnh: Mỹ Hà

Người dân rất phấn khởi và hào hứng tham gia chương trình. Việc thăm khám sức khỏe cho người cao tuổi là hoạt động có ý nghĩa thiết thực để người dân vừa được kiểm tra sức khỏe, vừa được tư vấn để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm của tuổi già…

bà Hoàng Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Con Cuông

Đổi mới truyền thông, nâng cao nhận thức

Tiểu phẩm “Tương lai về đâu” do đội tuyên truyền viên những người làm dân số huyện Quỳ Hợp tổ chức tại Lễ phát động Tháng hành động quốc gia về dân số đề cập đến một vấn đề nhức nhối vẫn xảy ra nhiều năm nay trên địa bàn, nhất là ở những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đó là nạn tảo hôn.

Câu chuyện được bắt đầu về một cặp đôi “yêu sớm”, người con gái vẫn đang tuổi đi học là thông điệp về việc đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được truyền đi một cách hiệu quả và ý nghĩa. Từ đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết, từng bước xóa bỏ tình trạng “bắt vợ”, lấy chồng sớm.

Tiểu phẩm tuyên truyền về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Mỹ Hà

Các cuộc thi “Rung chuông vàng tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên”, “Là con gái phải tỏa sáng” được Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh triển khai tại nhiều huyện miền núi như: Quỳ Châu, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn...

Cuộc thi dành cho lứa tuổi học sinh THCS và THPT với nhiều nội dung tuyên truyền về vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên, tình bạn, tình yêu ở tuổi học trò.

Tại Trường THPT Quỳ Châu, xuyên suốt hơn 120 phút diễn ra cuộc thi, các học sinh, giáo viên tham dự đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, tham gia trả lời nhiều câu hỏi, nhiều trò chơi và giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Học sinh Trường THPT Quỳ Châu tham gia cuộc thi Rung chuông vàng Tìm hiểu kiến thức về dân số - sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Ảnh: Mỹ Hà

Cô giáo Nguyễn Thị Bình - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quỳ Châu cho biết: Với đặc thù của một trường vùng cao, hơn 1.200 học sinh sống xa nhà, thì việc tổ chức các sân chơi tìm hiểu về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên là điều hết sức ý nghĩa. Chúng tôi mong từ những vấn đề về giới tính được đề cập rất thiết thực trong cuộc thi này sẽ trang bị cho các em những kiến thức cơ bản để bảo vệ bản thân ở trong và ngoài nhà trường.

Năm 2023, thực hiện Dự án 7 về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó tập trung chính vào những đối tượng như người cao tuổi, trẻ vị thành niên, thanh niên.

Để việc tuyên truyền có hiệu quả, ngành đã đổi mới trong hình thức, cách tiếp cận và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội.

Đưa các sản phẩm xã hội hóa phương tiện tránh thai về với người dân huyện vùng cao Quỳ Hợp. Ảnh: Mỹ Hà

Với Dự án 7, chúng tôi chú trọng đến các đối tượng đặc thù, ưu tiên vùng sâu, vùng xa. Ngành cũng đã đa dạng hóa các nội dung hoạt động như chương trình chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh, phòng chống hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh. Từ đó, góp phần giúp đồng bào vùng dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ với việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số.

bác sĩ CKII, Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh

Mỹ Hà

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nganh-dan-so-nghe-an-no-luc-dua-dich-vu-y-te-ve-tung-thon-ban-post282530.html