Ngành Công thương tích cực chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Trong những năm trở lại đây, nền kinh tế tỉnh Quảng Trị liên tục duy trì mức tăng trưởng khá, thực hiện tốt mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy đúng hướng nhưng còn chậm; thu nhập bình quân đầu người thấp; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa được cải thiện; chưa có ngành kinh tế mũi nhọn làm động lực cho sự phát triển...Do đó, cần nghiên cứu, đề ra các giải pháp đúng đắn và phù hợp để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Xuất khẩu gỗ dăm qua cảng Cửa Việt -Ảnh: H.N.K

Xuất khẩu gỗ dăm qua cảng Cửa Việt -Ảnh: H.N.K

Tập trung phát triển ngành công nghiệp có lợi thế

Theo đó, ngành Công thương Quảng Trị đã tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Đặc biệt là tập trung phát triển ngành công nghiệp nền tảng có lợi thế như năng lượng, chế biến gỗ, dệt may; chú trọng ngành công nghiệp khí, silicat, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Thu hút các dự án dệt may và sản xuất các sản phẩm phụ trợ vào các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) nhằm tạo liên kết sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu. Thu hút đầu tư các ngành có giá trị kinh tế cao, khả năng xuất khẩu lớn như sản xuất linh kiện điện tử, lắp ráp ô tô, xuất khẩu gỗ ván, gỗ dăm và cát... Không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong tỉnh, tạo động lực tăng trưởng về xuất khẩu.

Bên cạnh đó là tích cực thu hút các dự án đầu tư các sản phẩm công nghiệp công nghệ mới, công nghệ cao, trong đó chú trọng phát triển các lĩnh vực công nghiệp sinh học, công nghiệp vật liệu mới, điện tử-công nghệ số, chế tạo và tự động hóa...Hoàn thiện đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm định hướng cho các ngành công nghiệp có lợi thế trên địa bàn như dệt may và đón đầu các dự án công nghiệp điện tử, công nghiệp sản xuất ô tô, công nghiệp công nghệ cao, tạo đầu mối liên kết thúc đẩy phát triển các ngành nghề lĩnh vực khác. Kết nối doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn đầu tư trong lĩnh vực công thương với các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Quảng Trị để hình thành chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng.

Tích cực thu hút đầu tư các dự án công nghiệp môi trường nhằm nâng cao năng lực xử lý rác thải, đặc biệt là công nghệ xử lý và tái chế chất thải. Khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến nhằm phát triển các loại vật liệu xây dựng, sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có. Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như cát, đá, đất, tiến tới sản xuất các cấu kiện và vật liệu có chất lượng tốt để phục vụ thi công các công trình có yêu cầu kỹ thuật, chất lượng cao nhằm hạn chế nhập khẩu.

Trên lĩnh vực năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Sử dụng tối ưu, tiết kiệm các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước. Từng bước hình thành hệ thống thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch. Đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân với lộ trình phù hợp.

Vận hành hiệu quả các nhà máy phát điện hiện có; kêu gọi đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1, dự án nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Quảng Trị, các dự án kho cảng xăng dầu...đảm bảo tiến độ quy định; xúc tiến đầu tư xây dựng các dự án phát triển nguồn và lưới điện đồng bộ giữa Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia và quy hoạch của tỉnh được phê duyệt, trong đó ưu tiên các dự án điện khí, điện gió, điện mặt trời, thủy điện...

Chú trọng đến lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa

Trên lĩnh vực xuất khẩu và hội nhập quốc tế, ngành Công thương đã chú trọng đến lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cả về số lượng lẫn chất lượng. Tăng kim ngạch xuất hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất; đa dạng hóa các mặt hàng, thị trường xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu. Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo đó, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn, chủ động và đảm bảo nguồn nguyên liệu tại chỗ để hình thành các KCN, CCN chế biến gắn với vùng nguyên liệu. Khuyến khích liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp chế biến sản phẩm xuất khẩu với hộ sản xuất, chăn nuôi để tạo nguồn nguyên liệu ổn định có chất lượng cao phục vụ tốt cho sản xuất xuất khẩu. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch, xây dựng các vùng chuyên canh lúa hữu cơ, cà phê Arabica Khe Sanh, hồ tiêu, cao dược liệu an xoa, cà gai leo, cao chè vằng, tinh dầu thiên nhiên, dầu lạc...để xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước.

Đến nay, tỉnh Quảng Trị có 113 sản phẩm OCOP, trong đó có 42 sản phẩm đạt 4 sao, 71 sản phẩm đạt 3 sao. Toàn tỉnh hiện có 28.000 ha đất trồng lúa, trong đó có khoảng 3.000 ha đủ điều kiện để sản xuất lúa hữu cơ và có 200 ha lúa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, đang tiến tới hình thành vùng chuyên canh lúa hữu cơ xuất khẩu. Gạo hữu cơ Quảng Trị được sản xuất với diện tích hơn 35 ha đang được bày bán tại các siêu thị trên cả nước.

Năm 2023, lần đầu tiên 15 tấn gạo hữu cơ Quảng Trị đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Tại địa bàn tỉnh hiện có 32 nhà máy chế biến gỗ dăm, mỗi năm chế biến khoảng 1,2 triệu tấn dăm gỗ xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc thông qua cảng Cửa Việt với khối lượng khoảng 1 triệu tấn, bình quân mỗi ngày có từ 1-3 chuyến tàu xuất bến cảng Cửa Việt để lưu chuyển hàng hóa ra nước ngoài.

Quảng Trị là tỉnh có thế mạnh về phát triển hệ thống logistics do nằm ở điểm đầu về phía Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông-Tây. Hành lang này sẽ kết nối với cảng biển nước sâu Mỹ Thủy đang xây dựng và cảng Cửa Việt.

Quảng Trị còn có hai cửa khẩu quốc tế đường bộ gồm Lao Bảo và La Lay. Hạ tầng logistics ở cảng Cửa Việt đang được quan tâm đầu tư, mở rộng bến bãi và đến năm 2024 việc mở rộng cảng với diện tích trên 11 ha dự kiến sẽ hoàn thành. Cảng biển Mỹ Thủy ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị có tổng vốn đầu tư 14.200 tỉ đồng với 10 bến, diện tích 685 ha; giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2025.

Ngoài việc tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn, cảng Mỹ Thủy còn có hệ bến bãi để trung chuyển hàng hóa từ các nước Myanmar, Lào và Đông Bắc Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế La Lay. Hiện nay, Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo hạ tầng cơ bản đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hóa. Hai tỉnh Quảng Trị và Savannakhet (Lào) đang phối hợp triển khai Đề án thí điểm xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo-Densavan, dự kiến thực hiện năm 2024. Dự án này thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, nghiên cứu và đề xuất đầu tư hạ tầng kho bãi ở khu vực Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Ngoài cửa khẩu và cảng biển, tỉnh còn thu hút đầu tư vào logistics ở Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần và logistics tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng có vốn đầu tư trên 2.000 tỉ đồng, quy mô gần 71 ha, thực hiện giai đoạn từ năm 2020-2025. Dự án hoàn thành sẽ trở thành trung tâm dịch vụ giao nhận và lưu kho hàng hóa, giám sát hàng gửi, dịch vụ hải quan, vận chuyển hàng hóa từ nhà sản xuất đến tận nơi tiêu thụ.

Bên cạnh đó, ngành Công thương quan tâm phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, chất lượng, quy mô, có năng lực cạnh tranh cao; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp logistics gắn với xuất khẩu theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.

Vì thế, tỉnh Quảng Trị chú trọng phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đưa Quảng Trị trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi đáp ứng mục tiêu phát triển thương mại, xuất khẩu của vùng Bắc Trung Bộ.

Tóm lại, muốn đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tỉnh Quảng Trị cần chủ động nắm bắt kịp thời các cơ hội để vượt qua thách thức; phát huy tối đa mọi lợi thế và tận dụng thành công cơ hội phát triển.

Theo đó, ngành Công thương Quảng Trị đã tích cực tham gia và có những hành động cụ thể, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm tạo ra cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư thông thoáng. Sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh, tích cực chuyển đổi các mô hình sản xuất kinh doanh mới, các ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp có lợi thế, có thị trường xuất khẩu ổn định nhằm đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng nền kinh tế.

Hồ Nguyên Kha

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/nganh-cong-thuong-tich-cuc-chuyen-doi-mo-hinh-tang-truong/182582.htm