Ngành công nghiệp Quảng Ngãi: Nhiều khởi sắc

Năm 2023, ngành công nghiệp Quảng Ngãi đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và thu được nhiều 'quả ngọt'. Thành quả này đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của Quảng Ngãi.Điểm sáng từ Dung Quất

Khu kinh tế Dung Quất chính là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi trong những năm qua. Với sự hiện diện của các dự án lớn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Khu Liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất (Khu liên hợp), Khu phức hợp công nghiệp của Doosan Vina, KCN VSIP Quảng Ngãi... đã đóng góp đặc biệt quan trọng cho ngành công nghiệp, cũng như nền kinh tế Quảng Ngãi.

Phòng điều hành trung tâm Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. ẢNH: BSR

Tổng Giám đốc Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Bùi Ngọc Dương cho biết, năm 2023, với hơn 1.500 người lao động đang làm việc 24/24 giờ tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã vận hành nhà máy sản xuất an toàn, ổn định, vượt công suất thiết kế, đảm bảo nguồn nhiên liệu, an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Năm 2023, BSR sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 7,3 triệu tấn xăng dầu các loại; doanh thu khoảng 147 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận vượt các chỉ tiêu đặt ra.

Còn đối với Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, năm 2023 cũng đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, với sản lượng vượt 89,2% kế hoạch đề ra. Kết quả này là nhờ Khu liên hợp đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa 2 lò cao bị dừng từ tháng 11/2022 hoạt động trở lại. Hiện Tập đoàn Hòa Phát cũng đang triển khai dự án Khu liên hợp 2, với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng/năm. Dự kiến khi dự án hoàn thành vào đầu năm 2025, năng lực sản xuất thép thô hằng năm của Hòa Phát sẽ đạt trên 14 triệu tấn, tương đương tốp 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Còn đối với KCN VSIP Quảng Ngãi, trong năm 2023, vốn đầu tư cấp mới và vốn tăng thêm cho các dự án đạt 60,5 triệu USD. Tại KCN VSIP Quảng Ngãi hiện có 39 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 34 dự án đầu tư nước ngoài của các nhà đầu tư đến từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Bỉ, Trung Quốc, Singapore... tập trung vào các lĩnh vực như dệt may, giày da, công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất ô tô, thiết bị y tế... Hiện có 26 dự án đã đi vào hoạt động và có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát triển công nghiệp theo chiều sâu

Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 103%, tăng 3% so với năm 2022. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 132,611 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm 2022, vượt 19,9% kế hoạch năm. Giá trị công nghiệp ngoài sản phẩm lọc hóa dầu ước đạt 82,281 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2022. Ngoài 2 ngành chủ lực thì hiện nay các ngành công nghiệp khác cũng đã khôi phục, phát triển như: Ngành may mặc vượt 6,3% kế hoạch năm; thủy sản chế biến đạt 100%; bánh kẹo các loại đạt 100%; tinh bột mì đạt 100%; bia đạt 88%...

Sản phẩm thép cuộn chất lượng cao của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: P.D

Năm 2024, Quảng Ngãi đề ra mục tiêu tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả cao 4 nhiệm vụ trọng tâm và 3 nhiệm vụ đột phá trong giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX. Trong đó có nhiệm vụ “huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp”. Chỉ tiêu đề ra là tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ trong GRDP chiếm khoảng 70-71% (trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 43 - 44%). Giá trị sản xuất khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 1,42% so với năm 2023. Trong đó, đối với sản lượng lọc dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến đạt khoảng 6,1 triệu tấn; Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất sẽ có bước phát triển tăng tốc vượt bậc, với sản lượng thép năm 2024 dự kiến đạt khoảng 5,474 triệu tấn.

PHẠM DANH

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202312/nganh-cong-nghiep-quang-ngai-nhieu-khoi-sac-ca90ffa/