Ngành công nghiệp in làm gì để vượt qua muôn vàn khó khăn?

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, cả nước có 2.771 cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy, cả nước có 79 cơ sở in đã giải thể (chiếm 2,85% tổng số cơ sở in), trong đó các cơ sở in nhà nước chiếm 50,6%, còn lại là các cơ sở in tư nhân tập trung ở TP Hồ Chí Minh. Năm 2023, doanh thu toàn ngành đạt 92.000 tỷ đồng (giảm 1,24% so với năm 2022).

Khẳng định năm 2023 là một năm ngành công nghiệp in Việt Nam gặp nhiều khó khăn chưa từng có, ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam cho biết, phần lớn các phân khúc của thị trường ngành in cả trong nước và quốc tế giảm sút nghiêm trọng. Lượng giấy tiêu thụ có dấu hiệu giảm nhiều.

Ngành công nghiệp đòi hỏi đáp ứng nhiều yêu cầu, trong đó có trang thiết bị phục vụ in ấn hiện đại hơn. Ảnh minh họa

Nếu vài năm trước, giấy Bãi Bằng không đủ cung cấp thì năm 2023 đã phải cắt giảm sản lượng. Một nhà máy giấy lớn khác của Việt Nam đã phải tìm đối tác nước ngoài để sang nhượng nhưng chưa thành công do thị trường sa sút. Các loại giấy bao bì, mặc dù giá đã giảm rất sâu so với trước nhưng vẫn thiếu đơn hàng. Khối in xuất bản phẩm thiếu việc làm ngay từ đầu năm. Sản lượng in văn hóa phẩm, đặc biệt là lịch block cũng giảm sút. Khối in nhãn hàng và bao bì cũng gặp nhiều khó khăn.

Một số công ty in bao bì lớn bị thiếu việc làm, phải cắt giảm lao động, thu nhỏ quy mô, thậm chí tìm đối tác để chuyển nhượng công ty. Dư thừa lao động, cho công nhân nghỉ việc, đi làm luân phiên, nghỉ Tết trước cả tháng là hiện tượng chưa từng xảy ra đối với ngành in từ trước đến nay. Sản lượng của toàn ngành công nghiệp in Việt Nam có thể giảm khoảng 10% so với năm trước.

Trong khi đó, công tác chuyển đổi số còn quá chậm, đặc biệt ở các cơ sở in truyền thống, quy mô sản xuất nhỏ. Nhiều chính sách ưu đãi cần thiết đối với ngành in theo Luật Xuất bản hiện hành còn bất cập. Điển hình, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với xuất bản phẩm gần đây từ 10% xuống 8% chỉ áp dụng cho các sản phẩm như sách, văn hóa phẩm nhưng lại không áp dụng với in báo, tạp chí do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Xuất bản. Trong khi đó, ở các nước khác, xuất bản phẩm bao gồm cả báo chí.

Ông Dòng cũng cảnh báo, ngành in là ngành công nghiệp phụ trợ, sản phẩm in liên quan đến hầu hết các loại hàng hóa của nền kinh tế. Vì vậy, ngành công nghiệp in Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn, ngay cả các nước trong khu vực cũng đang muốn nhắm tới để đầu tư. Nếu các doanh nghiệp in Việt Nam không có sự chuyển biến tích cực và ngành in thiếu sự hỗ trợ của cơ chế chính sách của nhà nước một cách quyết liệt thì sẽ có nguy cơ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thao túng thị trường, đặc biệt ở phân khúc các sản phẩm in cao cấp và in xuất khẩu.

Nói về thực trạng ngành in, ông Nguyễn Tri Quang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lê Quang Lộc cũng cho biết, hiện có những quy định chưa đồng bộ, tạo nên sự chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp lĩnh vực in ấn, xuất bản, cần phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Bất cập trong Luật Đấu thầu liên quan đến lĩnh vực Xuất bản, In trong công tác dự thầu và mời thầu gây khó khăn cho các doanh nghiệp do Nhà nước lập ra để phục vụ các hoạt động sự nghiệp của cơ quan đó. Luật Xuất bản được ban hành năm 2012, đến nay đã có những nội dung không còn phù hợp, nhất là thời điểm đó các khái niệm, yêu cầu về chuyển đổi số, giao tiếp trên không gian mạng, trí tuệ nhân tạo… còn chưa rõ ràng. Điều chỉnh của Luật còn thiên về tính trực quan, cụ thể, nặng về giấy tờ, thủ tục gây tốn kém về tiền bạc, nhân lực.

Cũng theo ông Quang, hiện nay, giao dịch giữa bên đặt in và bên gia công thường là giao dịch điện tử và bản thảo cũng là các bản mềm (file mềm), có khi thỏa thuận qua email. Vì vậy, nên giao quyền chủ động cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp đăng ký trực tuyến (mã số quản lý doanh nghiệp, đăng ký định kỳ, đăng ký bổ sung) và chịu trách nhiệm với các cam kết, điều kiện kèm theo. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ làm công tác hậu kiểm để đảm bảo sân chơi đã quy định. Bên cạnh đó, cần cắt giảm yêu cầu nộp bản cứng khi thực hiện các thủ tục hành chính trong thủ tục cấp phép của ngành. Áp dụng chữ ký số của doanh nghiệp, cơ sở in trong quá trình khai báo, xin phép xuất bản trên hệ thống quản lý cấp phép, lưu trữ và đảm bảo công tác bảo mật các ấn phẩm xin phép khi thực hiện các thủ tục đăng ký trên mạng.

Về vấn đề trên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành – ông Nguyễn Nguyên cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, ngành in đứng trước khó khăn và còn tồn tại những hạn chế nhất định. Hạn chế về nguồn nhân lực đã được đưa ra bàn nhiều nhưng đến nay vẫn luôn là vấn đề nóng mà các giải pháp chưa thực sự toàn diện. Để giải quyết vấn đề, các công ty in cần phải chú trọng đào tạo nhân sự, tăng cường nỗ lực nghiên cứu và phát triển, cập nhật đổi mới nhằm phát triển doanh nghiệp và ngành.

Cũng theo ông Nguyên, ngành in thiếu các doanh nghiệp đầu ngành tích cực dẫn dắt và tiếp tục đóng vai trò là đầu tàu trong đổi mới công nghệ. Hiện tại, ngành in Việt Nam chưa có các bộ quy chuẩn hay tiêu chuẩn hóa áp dụng đối với chất lượng của các sản phẩm in trong nước, làm cho việc hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chưa đi vào thống nhất, người tiêu dùng có thể sử dụng những sản phẩm hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái...

Để đồng hành với ngành in vượt khó, phát triển, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển lĩnh vực in theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện vai trò đầu mối, dẫn dắt để các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động in, chú trọng đưa các xu hướng hiện đại dựa trên khai thác dữ liệu lớn, điện toán đám mây, Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối; số hóa hoạt động hành chính, tài chính, kế toán và quản lý, theo dõi quy trình sản xuất; nghiên cứu phát triển “trợ lý ảo” cho lãnh đạo cơ sở in….

N.Nguyễn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/nganh-cong-nghiep-in-lam-gi-de-vuot-qua-muon-van-kho-khan--i726242/