Ngành công nghiệp điện ảnh: Đánh thức tiềm năng

Nếu khai thác tốt các thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, con người, ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam sẽ có tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế địa phương, giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu địa phương, thu hút đầu tư và khách du lịch.

Mô hình “thành phố điện ảnh”

Các liên hoan phim (LHP) không chỉ là sân chơi nghệ thuật giúp các tài năng bước ra ánh sáng mà còn là cơ hội để các nhà làm phim, sản xuất nắm bắt xu hướng thị trường, hiện thực hóa những dự án, thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp phim hiện đại. LHP Busan (Hàn Quốc) là một ví dụ, khi không chỉ giúp TP Busan thành công xưởng điện ảnh lớn mà còn trở thành một trong những điểm đến được du khách yêu thích, mang lại nguồn thu khổng lồ cho Hàn Quốc.

Tại Việt Nam, các LHP không chỉ tạo cơ hội cho các nhà làm phim quảng bá và đưa tác phẩm đến gần khán giả mà còn được kỳ vọng là đòn bẩy hiệu quả của công nghiệp điện ảnh và các ngành dịch vụ phụ trợ trị giá hàng triệu USD. Chính bởi vậy, những năm gần đây, cùng với nỗ lực tạo dấu ấn về điện ảnh Việt Nam tại các LHP quốc tế, các hiệp hội nghề nghiệp cùng nhiều tỉnh, thành đã bắt tay tổ chức các LHP quốc tế gắn với địa danh nổi tiếng trong nước.

Tiếp nối LHP quốc tế Hà Nội, TP Đà Nẵng cũng đã phối hợp với Hiệp hội Xúc tiến và quảng bá điện ảnh Việt Nam tổ chức LHP châu Á lần thứ I; còn LHP quốc tế TPHCM cũng dự kiến diễn ra vào năm 2024.

Tháng 9 tới, giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam với tên gọi Cánh diều vàng 2023 sẽ được tổ chức tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), được kỳ vọng đánh dấu một cột mốc mới trong hành trình nâng cao vị thế để trở thành festival điện ảnh - du lịch mang tầm quốc gia, hướng tới tầm quốc tế.

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho biết, rất nhiều hoạt động gắn kết giữa điện ảnh - du lịch, văn hóa để phát huy thế mạnh liên kết ngành sẽ được tổ chức. Giải thưởng sẽ là một trong những sự kiện nghệ thuật được chờ đợi của Khánh Hòa, hứa hẹn không chỉ là ngày hội của giới nghệ sĩ, người làm phim và công chúng yêu mến điện ảnh cả nước mà còn tích cực góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch địa phương và thương hiệu của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đồng hành cùng sự kiện. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hợp tác nhằm hình thành mô hình “thành phố điện ảnh” ở Khánh Hòa.

Các nghệ sĩ quốc tế tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI năm 2022 vô cùng thích thú khi tham quan, tìm hiểu văn hóa Việt Nam tại làng quan họ Bùi Xá, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: KHIẾU MINH

Tạo ưu đãi thu hút quốc tế

Với nguồn doanh thu hứa hẹn lên tới hàng triệu USD từ việc được lựa chọn trở thành trường quay của nhiều nhà làm phim thế giới, ông Justin Kim, Giám đốc điều hành của CJ ENM Việt Nam, cho rằng, bên cạnh việc sở hữu cảnh quan tự nhiên đẹp, hùng vĩ thì một trong tiêu chí trong việc tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất phim ở địa phương là cơ sở vật chất, nhân sự sẵn có cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Liên quan tới sự hỗ trợ, thu hút đầu tư cho điện ảnh, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, cho biết, Luật Điện ảnh sửa đổi có hiệu lực từ đầu năm 2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Từ chỗ coi là một ngành nghệ thuật, luật đã xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế.

“Khung pháp lý đã có, nhưng để hiện thực hóa vào đời sống cần những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp để phát huy hết năng lực sáng tạo của nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công tư trong sản xuất, phát hành phim, để phát triển thị trường điện ảnh dần lớn mạnh”, TS Ngô Phương Lan nói.

Đại diện Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, hiện nay hầu như các nước phát triển đều có chính sách ưu đãi thu hút các cá nhân, đoàn làm phim quốc tế như miễn thuế thu nhập cá nhân, chiết khấu chi phí… đã làm tăng sức cạnh tranh và tạo sự hấp dẫn cho điểm đến. Chính sách dành cho các đoàn làm phim cần quy định rõ và thông thoáng. Đôi khi sự cản trở không đến từ thiên tai, khí hậu mà chính là từ những điều nhỏ nhất, ví dụ như cấp giấy phép. Mỗi địa phương nên có cơ chế khuyến khích các đoàn làm phim, khi đã lan tỏa tiếng tốt thì sẽ lôi kéo được các đoàn làm phim nước ngoài.

GS-TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu Quốc hội, cũng cho rằng, những ưu đãi với dịch vụ làm phim nước ngoài đã được luật định, song cần phải quy định hết sức cụ thể, có thể đọc và hiểu ngay, vận dụng được. Cụ thể như ưu đãi về thuế như thế nào, thủ tục cấp phép và chỉ cần cung cấp kịch bản tóm tắt, kịch bản chi tiết các cảnh quay ở Việt Nam… ra sao, để những quy định này có thể đi vào thực tiễn cuộc sống.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nganh-cong-nghiep-dien-anh-danh-thuc-tiem-nang-post698576.html