Ngành công nghiệp chiến lược của Trung Quốc gặt hái thành tựu bất chấp loạt 'đòn giáng' từ Mỹ

Bất chấp loạt đòn giáng mạnh tay của Mỹ và các nước đồng minh, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc vẫn tiến triển vượt bậc và ghi nhận doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

 Trung Quốc đang ngày càng tự chủ trong công nghệ chip.

Trung Quốc đang ngày càng tự chủ trong công nghệ chip.

Leo thang cuộc chiến chip

Chất bán dẫn, thành phần quan trọng để sản xuất nhiều mặt hàng từ điện thoại thông minh, ô tô tự lái đến thiết bị vệ tinh…, đã bị cuốn vào cuộc chiến công nghệ đang ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chuỗi cung ứng chip cực kỳ phức tạp và bao gồm nhiều khâu, từ đơn vị cung cấp công cụ thiết kế vi mạch bán dẫn đến các công ty tham gia sản xuất và máy móc liên quan…

Trung Quốc trước đây phụ thuộc rất nhiều vào các công ty nước ngoài trong các khâu sản xuất này, khiến ngành công nghiệp bán dẫn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tụt hậu so với Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan.

Kể từ năm 2019, Mỹ đã giáng loạt đòn trừng phạt lên các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc như Huawei và nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC.

Tháng 10 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục công bố một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu, cấm các công ty Trung Quốc mua chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip của nước này mà không có giấy phép.

Tới đầu năm nay Nhật Bản và Hà Lan đã tham gia vào nỗ lực này của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc.

Washington từng bước tìm cách sử dụng các hạn chế xuất khẩu để cắt đứt khả năng tiếp cận của Bắc Kinh với các thiết bị và công nghệ bán dẫn tiên tiến. Điều này đã buộc Bắc Kinh hướng tới mục tiêu “tự lực cánh sinh” và dần loại bỏ công nghệ nước ngoài trong ngành công nghiệp bán dẫn của mình.

Doanh thu tăng vọt

Theo nghiên cứu được công bố ngày 28/9 bới CINNO Research (công ty nghiên cứu có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc), 10 nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc đã ghi nhận doanh thu khoảng 16,2 tỷ nhân dân tệ (2,2 tỷ USD) trong nửa đầu năm nay, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, Naura Technology Group, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc, ghi nhận doanh thu lên tới 7 tỷ nhân dân tệ (958 triệu USD) trong nửa đầu năm nay, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt xa các công ty khác.

Doanh thu của Advanced Micro-Fabrication Equipment (AMEC), nhà sản xuất thiết bị và vật liệu sản xuất chip và nhà sản xuất thiết bị khắc lớn thứ hai của Trung Quốc, cũng báo cáo doanh thu tăng 28% so với cùng kỳ lên 2,53 tỷ nhân dân tệ (346 triệu USD) trong nửa đầu năm nay.

ACM Research là công ty lớn thứ ba của Trung Quốc, chuyên sản xuất thiết bị làm sạch wafer và đóng gói cho chất bán dẫn, cũng có doanh thu 6 tháng đầu năm tăng 47% so với cùng kỳ, lên tới 1,61 tỷ nhân dân tệ 220 triệu USD).

Bước tiến vượt trội

Dù vấp phải hàng loạt hạn chế từ Mỹ, tham vọng tự chủ trong sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc đang có những bước tiến vượt trội trong thời gian gần đây.

“Ông lớn” viễn thông Huawei mới đây đã ra mắt dòng điện thoại thông minh mới Mate 60 Pro được trang bị con chip xử lý Kirin 9000s do SMIC sản xuất tại Trung Quốc.

Trong bối cảnh hứng loạt đòn giáng của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, sự xuất hiện của Kirin 9000s được đánh giá là một hồi chuông cảnh báo đối với Washington.

Trong bối cảnh hứng loạt đòn giáng của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, sự xuất hiện của Kirin 9000s được đánh giá là một hồi chuông cảnh báo đối với Washington.

Sau khi “mổ xẻ” một chiếc Huawei Mate 60 Pro, công ty phân tích công nghệ và thị trường TechInsights cho biết con chip này là bộ xử lý đầu tiên sử dụng công nghệ 7nm tiên tiến nhất của SMIC.

Đây được xem là một “cột mốc về thiết kế và sản xuất” chip của Bắc Kinh. Điều này cho thấy chính phủ Trung Quốc đang đạt được một số bước tiến trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái chip trong nước.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi con chip trên như một chiến thắng địa chính trị và bằng chứng về sự vững vàng của ngành công nghệ Trung Quốc, đồng thời không quên cảnh báo rằng Washington sẽ phải “trả giá vì sự ngạo mạn công nghệ của mình”.

"Chip mới có thể xem như đại diện cho một cột mốc quan trọng về thiết kế và sản xuất bán dẫn tại Trung Quốc", ông Dan Hutcheson, Phó chủ tịch TechInsights, cho hay.

Trong bối cảnh hứng loạt đòn giáng của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, sự xuất hiện của Kirin 9000s được đánh giá là một hồi chuông cảnh báo đối với Washington.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thiếu khả năng tiếp cận một số công cụ sản xuất chip tiên tiến nhất hiện nay. Trong đó, “điểm nghẽn” lớn nhất chính là không thể tiếp cận được máy in thạch bản cực tím của công ty ASML của Hà Lan.

ASML gần như độc quyền về kỹ thuật in thạch bản quang khắc tiên tiến. In thạch bản là quá trình "in" các mẫu mạch tích hợp lên các đĩa bán dẫn (wafer) silicon, cần có cỗ máy hiện đại với độ chính xác cao nhất. Máy in thạch bản cực tím một trong những công cụ đắt tiền cần thiết để tạo ra những con chip tiên tiến nhất hiện nay. Nhưng ASML đã bị chính phủ Hà Lan hạn chế xuất khẩu những máy này sang Trung Quốc.

Theo Reuters, chính phủ Trung Quốc mới đây đã tiếp tục hâm nóng cuộc cạnh tranh với Mỹ bằng việc chuẩn bị ra mắt Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp, còn gọi là Big Fund. Mục tiêu của quỹ là huy động 300 tỷ nhân dân tệ (41 tỷ USD) cho ngành chip bán dẫn.

Trong những năm qua, các quỹ của Trung Quốc đã cung cấp tài chính cho các hãng sản xuất chip lớn nhất của nước này, gồm SMIC, Hua Hong Semiconductor, Yangtze Memory Techonologies và một số công ty khác nhỏ hơn.

Đăng Phạm

Theo CNBC, Reuters

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nganh-cong-nghiep-chien-luoc-cua-trung-quoc-gat-hai-thanh-tuu-bat-chap-loat-don-giang-tu-my-20180504224289431.htm