Ngành chè Lâm Đồng phát triển với nhiều điểm sáng

Với điều kiện tự nhiên phù hợp, việc phát triển và sản xuất chè là một trong những ngành chủ lực, quan trọng của tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng việc sản xuất chè bền vững, đạt tiêu chuẩn, mang lại năng suất cao.

Ngành chè Lâm Đồng trong thời gian qua

Dù trong bối cảnh kinh tế trong nước và nước ngoài đối mặt nhiều thách thức của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng trong thời gian qua giá trị hàng nông sản của tỉnh Lâm Đồng vẫn tăng trưởng, điểm nhấn trong đó là việc chế biến, xuất khẩu chè.

Theo báo cáo cập nhập, Lâm Đồng hiện phát triển hơn 11.000 ha diện tích chè, cho năng suất bình quân gần 15 tấn/ha, sản lượng đạt trên 160.000 tấn. Đặc biệt, tổng diện tích chè chất lượng cao, chè cao sản ứng dụng sản xuất công nghệ cao toàn tỉnh đạt gần 3.560 ha (chiếm gần 32%).

Cụ thể, sản xuất ứng dụng công nghệ cao hội đủ các tiêu chí đã được công nhận tại hai vùng chè thuộc huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc. Có 51 nông hộ, hợp tác xã và 7 doanh nghiệp với hơn 310,0 ha diện tích chè được chứng nhận VietGAP, cùng nhiều diện tích chè khác sản xuất theo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM.

Vậy nên, sản phẩm chè Lâm Đồng hiện nay không chỉ tiêu thụ nội địa với trên 70% tại các tỉnh miền Trung, Đông và miền Tây Nam Bộ, mà theo ông Nguyễn Văn Châu - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho biết, “Mỗi năm ngành chè Lâm Đồng xuất khẩu khoảng 15 nghìn tấn chè các loại qua các thị trường như: Đài Loan, Pakistan, Afganistan, Nga, Mỹ…, thu về 34,5 triệu USD”. Tương đương với 15.000 tấn hàng năm, tăng 22% sản lượng và 23% giá trị so với năm 2017, chiếm 11% tổng kim ngạch nông sản xuất khẩu toàn tỉnh.

Những đồi chè xanh mướt trong một sớm mai tại Cầu Đất

Tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh có gần 120 doanh nghiệp chế biến chè với công suất trên 27.000 tấn/năm và 90 cơ sở chế biến chè với quy mô gần 18.000 tấn/năm, tập trung tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và Lâm Hà. Đáng chú ý, có 18 doanh nghiệp được cấp Chứng nhận HACCP, ISO, Halal về áp dụng đồng bộ các quy trình quản lý chất lượng trong chế biến chè; 11 chuỗi liên kết hơn 300 hộ sản xuất trên 800 ha chè, đạt sản lượng gần 1.000 tấn/năm.

Tiêu biểu, Công ty Cổ phần chè Long Đỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Chứng nhận Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 70 ha, trong đó 50 ha công ty liên kết sản xuất với 40 hộ nông dân, công suất chế biến 4 tấn trà búp tươi/ngày. Hàng năm, doanh nghiệp này sản xuất và xuất khẩu trên 100 tấn chè Ô long sấy và 1,2 tấn chè Ô long bột đến các thị trường Đài Loan, Trung Quốc...

Chuyển đổi giống cây trồng, nâng cao năng xuất, chất lượng

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, ngành chè tỉnh Lâm Đồng còn gặp không ít khó khăn. Nhất là trong những năm gần đây, do chịu sự cạnh tranh của nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, diện tích trồng chè của tỉnh đang giảm khá mạnh dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, khó cạnh tranh, hay thị trường xuất khẩu chè còn chưa đa dạng (nhất là Ô long, chè đen).

Nắm bắt được tình hình, những vướng mắc hiện có, tỉnh Lâm Đồng đã chú trọng công tác chuyển đổi giống với năng suất, chất lượng vượt trội thông qua việc hỗ trợ từ đề án chuyển đổi giống cây trồng, chương trình nông nghiệp công nghệ cao. Để 100% diện tích chè già cỗi, nay được chuyển sang các giống chè có năng xuất, chất lượng cao như tỷ lệ chè cành cao sản TB14, LĐ 97 đạt gần 60%; chè chất lượng cao kim tuyên, tứ quý, Ô long, ngọc thúy đạt gần 13% và chè hạt với hơn 27%.

Nhưng đồi chè trải dài trên những ngọn đồi ở Cầu Đất

Ngoài ra, tỉnh còn quan tâm trong lựa chọn các giống chè năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng để sản xuất đại trà, cung ứng nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến, cũng như đẩy mạnh xây dựng, mở rộng diện tích sản xuất chè chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, chè theo hướng công nghệ cao.

Song song với đó, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng thực hiện các chương trình hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng về cơ cấu giống mới, thu hái, sơ chế, tiến tới đầu tư sản xuất các sản phẩm có chứng nhận, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

“Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã liên kết với nông dân, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, ngành chè của địa phương cũng nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, các dự án nên năng lực sản xuất được nâng cao, an toàn và hiệu quả”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Châu chia sẻ thêm.

Đồng thời để có thể đa dạng thị trường xuất khẩu chè hơn nữa, tỉnh cũng đưa ra chiến lược cần rà soát lại từng vùng sản xuất chè tập trung, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu riêng; kết hợp đưa ra các chính sách thu hút các dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở chế biến, từng bước đổi mới dây chuyền và công nghệ theo tiêu chuẩn tiêu dùng và xuất khẩu bảo đảm chất lượng; tìm hiểu khẩu vị, thị hiếu của người tiêu dùng hướng đến nghiên cứu và tổ chức sản xuất các loại chè cao cấp có sức cạnh tranh cao như: chè ướp hương hoa quả, các loại nước chè đóng hộp, các loại chè thuốc, chè thảo mộc…

Được biết trước đó, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn. Riêng đối với cây chè, năm 2023, kế hoạch thực hiện gần 11 ngàn ha, sản lượng trên 162.000 tấn; năm 2025 là 10 ngàn ha, năng suất 153 tạ/ha với sản lượng ước đạt 150.000 tấn và 2030 diện tích cây chè giảm xuống 8.000 ha, tuy nhiên năng suất tăng lên 154 tạ/ha. Đây là định hướng của nền nông nghiệp thu hẹp diện tích sản xuất nhưng tăng hiệu quả về giá trị kinh tế.

Thuận Hòa

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nganh-che-lam-dong-phat-trien-voi-nhieu-diem-sang-81654.html