Ngành bán dẫn Hàn Quốc thận trọng trước rạn nứt thương mại Mỹ - Trung

Ngành bán dẫn của Hàn Quốc, có mối liên hệ sâu sắc với Trung Quốc, chiếm vị trí trung tâm trong nền kinh tế. Tuy nhiên, khi Mỹ tăng cường nỗ lực kiềm chế tiến bộ công nghệ của Trung Quốc, ngành chip quan trọng của Hàn Quốc đang bị đe dọa.

Chip xử lý Kunpeng 920 trong buổi lễ ra mắt ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: AP

Theo đài Sputnik (Nga), các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn của Hàn Quốc – gồm Samsung và SK Hynix – đã “rót” 52 tỷ USD để củng cố các hoạt động tại Trung Quốc, thị trường từ lâu đã trở thành nền tảng cho doanh số bán hàng lớn của họ.

Tuy nhiên, mối quan hệ bền chặt một thời giữa ngành chip của Hàn Quốc và Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các lực lượng địa chính trị.

Cuộc chiến thương mại bán dẫn giữa Mỹ và Trung Quốc bắt nguồn từ sự tương tác phức tạp của các yếu tố kinh tế, công nghệ và địa chính trị. Một trong những biện pháp quan trọng mà Mỹ sử dụng để thúc đẩy cuộc chiến thương mại này là thực hiện kiểm soát xuất khẩu, trừng phạt nhắm vào hoạt động xuất khẩu thiết bị và công nghệ sản xuất chất bán dẫn tiên tiến cho các công ty Trung Quốc, theo hai quy tắc đặc biệt vào ngày 7/10/2022.

Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ đã công bố loạt quy định nhằm hạn chế khả năng nhập khẩu và sản xuất một số loại chip cao cấp nhất định của Trung Quốc được ứng dụng trong lĩnh vực quân sự.

Viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia, Chính phủ Mỹ đã tìm cách hạn chế xuất khẩu các công nghệ tiên tiến mà Trung Quốc có thể sử dụng cho mục đích quân sự, hoặc để phát triển ngành bán dẫn trong nước. Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung một số công ty Trung Quốc, bao gồm các công ty bán dẫn lớn, như Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn SMIC, vào “Danh sách Thực thể”.

Ngoài ra, Mỹ còn khởi xướng điều tra và áp thuế đối với các sản phẩm bán dẫn của Trung Quốc. Những biện pháp này là một phần của hoạt động tranh chấp thương mại rộng lớn hơn giữa hai quốc gia, làm gia tăng chi phí xuất khẩu của các công ty bán dẫn Trung Quốc đang tìm đến thị trường Mỹ.

Các biện pháp này không chỉ gây áp lực kinh tế lên ngành bán dẫn Trung Quốc, mà còn báo hiệu Mỹ sẵn sàng sử dụng chính sách thương mại như một công cụ để định hình ngành bán dẫn toàn cầu.

Hơn nữa, Chính phủ Mỹ cũng tích cực gây áp lực lên các đồng minh và đối tác thương mại để áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tương tự và hạn chế đối với các công nghệ liên quan đến chất bán dẫn. Động thái này sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc mua các linh kiện và thiết bị quan trọng cần thiết để phát triển ngành bán dẫn.

Mỹ cũng đã thành công trong việc thuyết phục Hà Lan hạn chế xuất khẩu máy in thạch bản cực tím (EUV) sang Trung Quốc nhằm. Các nhà phân tích nhận định biện pháp này đã giáng một đòn mạnh vào khả năng sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc. EUV là một thiết bị phức tạp, rất quan trọng trong việc sản xuất chip tiên tiến.

Vai trò của Trung Quốc đối với ngành sản xuất chip Hàn Quốc

Nhân viên sản xuất chip bán dẫn tại nhà máy ở Tú Thiên, tỉnh Giang Tô,Trung Quốc. Ảnh: AFP

Phúc lợi kinh tế và thị trường việc làm của Hàn Quốc phụ thuộc rất lớn vào ngành công nghiệp bán dẫn. Quốc gia này đang phải đối mặt với một tình huống phức tạp, đứng ở ngã tư của mối quan hệ đối tác lâu dài với Mỹ và Trung Quốc, và vô tình bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp thương mại đang diễn ra.

Washington đã tăng cường kiểm soát việc xuất khẩu những công nghệ sản xuất chất bán dẫn quan trọng. Động thái do chính quyền Tổng thống Joe Biden khởi xướng vào tháng 10/2022 đã khiến ngành bán dẫn của Hàn Quốc rơi vào bất ổn. Và Washinton đã buộc phải vận động hành lang để giảm thiểu tác hại tiềm ẩn đối với ngành bán dẫn của Seoul.

Samsung và Hynix được miễn trừ khỏi biện pháp hạn chế này trong vòng một năm kể từ giữa tháng 10/2022. Các nhà phân tích cho rằng lệnh miễn trừ này có thể được gia hạn, mặc dù điều đó vẫn còn đáng nghi ngờ.

Tại cuộc họp liên quan đến chiến lược bán dẫn quốc gia hồi tháng 6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết: “Các vấn đề địa chính trị đã trở thành rủi ro lớn nhất mà các công ty phải quản lý. Các công ty không thể tự giải quyết vấn đề này”.

Sản xuất chất bán dẫn đòi hỏi mạng lưới phân phối xuyên quốc gia rộng lớn. Các sáng kiến thiết lập các quy định mới của ngành này đã thúc đẩy nỗ lực đánh giá kỹ lưỡng các mối quan hệ đối tác thương mại trên khắp châu Á và phương Tây.

Trong khi đó, Trung Quốc đóng vai trò kép bởi nước này vừa cung cấp lượng khách hàng chip khổng lồ, vừa là nơi đặt các cơ sở sản xuất của Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc.

Trong 10 năm qua, Trung Quốc liên tục nắm giữ thị phần lớn, có thời điểm chiếm gần 67% kim ngạch xuất khẩu chip của Hàn Quốc. Song theo đánh giá của Chính phủ Hàn Quốc, con số này đã giảm xuống còn 55% vào năm 2022. Hơn nữa, dữ liệu về doanh số bán chất bán dẫn không được công khai do nhu cầu thấp.

Báo cáo tài chính do các công ty con của Hàn Quốc tại Trung Quốc thiết lập cho thấy doanh số bán hàng đã giảm rõ rệt 35% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Tác động của các lệnh trừng phạt tới ngành công nghiệp Hàn Quốc

Bà Yang Hyang-ja, cựu Giám đốc điều hành Samsung và hiện là nhà lập pháp tại Quốc hội, khẳng định Hàn Quốc là “nạn nhân” trong tranh cuộc chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Bà đã đề xuất giảm thuế để hỗ trợ các nhà sản xuất chip. Đề xuất này, được gọi là Đạo luật K-Chips, đã nhận được nhiều sự ủng hộ vào tháng 3.

Trong cuộc họp báo hồi tháng 7, ông Chey Tae-won, Chủ tịch SK Hynix, cũng nói rằng: “Phải từ bỏ thị trường rộng lớn đó là Trung Quốc? Chúng ta sẽ không thể phục hồi”.

Chiến lược hoạt động của Samsung tại Trung Quốc liên quan đến việc sản xuất 40% chip NAND, thành phần quan trọng trong việc lưu trữ dữ liệu cho các thiết bị.

SK Hynix cũng hiện diện đáng kể ở Trung Quốc. Công ty này sản xuất 30% chip NAND và gần một nửa số chip bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động – thiết bị này rất quan trọng trong việc hỗ trợ lưu trữ ngắn hạn cho PC và máy chủ.

Trong tuyên bố chính thức, Samsung nhấn mạnh rằng các khoản đầu tư của công ty này đã được thực hiện một cách thận trọng để đáp ứng nhu cầu của cơ sở khách hàng trên toàn thế giới và giải quyết các nhu cầu cấp bách khác.

Những bất ổn nảy sinh do xung đột thương mại Trung - Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến Samsung và SK Hynix. Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chip bán dẫn nổi tiếng thế giới, cũng đang chờ thông tin từ Bộ Thương mại Mỹ về việc liệu họ có được miễn trừ khỏi các quy định xuất khẩu hay không.

Bộ Thương mại Mỹ đã từ chối phản hồi chính thức về vấn đề này. Thay vào đó, cơ quan này viện dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Thương mại Don Graves. Trong chuyến thăm Hàn Quốc gần đây, ông Graves đã nhấn mạnh cam kết vững chắc của Mỹ trong việc tận dụng mọi con đường hỗ trợ các doanh nghiệp, đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn.

Đối với Samsung và SK Hynix, việc miễn trừ kéo dài 1 năm hoặc ít hơn có thể cản trở sự tiến bộ của các doanh nghiệp này trong ngành sản xuất chip đang phát triển nhanh chóng.

Ông Lim Hyung-kyu, cựu kỹ sư công nghệ cho biết: “Thay vì tự hỏi điều gì sẽ xảy ra hàng năm, việc gia hạn miễn trừ thêm 2 đến 3 năm sẽ khiến các doanh nghiệp này thoải mái hơn”.

Nhà phân tích bán dẫn Song Myung-sup gợi ý rằng các công ty, như SK Hynix và Samsung, có thể chuyển hướng sản xuất ở Trung Quốc để phục vụ thị trường địa phương. Họ cũng có thể tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm kém tiên tiến hơn để né các hạn chế của Mỹ.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Sputnik)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/nganh-ban-dan-han-quoc-than-trong-truoc-ran-nut-thuong-mai-my-trung-20230929111803325.htm