Ngấn nước sông Thu

Gốc dâu trăm tuổi xù xì bằng vòng tay người ôm ấy đã ngấn đọng bên trong bao nhiêu phù sa Thu Bồn? Tôi cứ tự hỏi khi đưa tay khẽ chạm vào lớp vỏ rêu phong của gốc dâu nơi Làng lụa Hội An. Cây cao lớn tới cả chục mét được đưa về đây từ vùng núi Cà Tang - thượng nguồn sông Thu...

Sông Thu Bồn. Ảnh: PHẠM TOÀN

1. Nhớ lần về làng lụa Mã Châu (Duy Xuyên), dọc đường làng thỉnh thoảng bắt gặp những gốc dâu cao lớn, tỏa bóng mát cả góc đường. Làng lụa gần 600 năm tuổi này giờ đây như một tiếng thở dài nhớ nhung quá vãng. Cả làng chỉ còn một, hai hộ còn giữ nghề dệt lụa truyền thống.

Còn lại, tiếng máy reo đâu đó chỉ là để dệt các loại vải gia công, thương lái tới thu mua đem đi… Nên khi hỏi về những gốc dâu bên đường, ông Trịnh Anh - một trong những người cuối cùng níu kéo lụa là nơi đây, bảo rằng người ta giữ vì đẹp bờ rào, cũng là để cho dây tầm gửi leo lên. Loại tầm gửi nấu lá uống chữa được đau đầu mất ngủ.

Dâu Việt lụa Việt cũng dần thất truyền rồi sao? Nhớ hôm ấy mưa lạnh cuối năm giăng mờ đồng, tôi hỏi tìm về bến đò Tơ cuối làng. Chỉ còn mơ hồ tiếng huyên náo bán mua tơ vóc, lụa là của thương khách trên lớp sóng sông Thu. Nơi bến đò từng vang danh suốt mấy trăm năm, giờ đã chôn sâu khuất lấp đâu đó dưới bãi đất cằn lơ thơ mấy gốc ngô khoai…

Sông Thu Bồn đoạn qua Cẩm Kim nối với Hội An. Ảnh: CHÂU TOÀN

2. Thượng nguồn Thu Bồn. Tôi ngồi trên con thuyền trong sương sớm rời bến đò chợ Trung Phước, ngược lên Hòn Kẽm Đá Dừng. Đưa anh bạn họa sĩ ở Hà Nội du ngoạn dòng sông, và ngắm những dòng chữ Chăm cổ xưa bí ẩn trên vách đá.

Chiếc thuyền cũ nổ máy lạch xạch chậm rãi trườn trên làn nước. Bóng núi xanh biếc đôi bên, đổ phủ kín mặt sông. Chúng tôi chọn chiếc thuyền này sau khi quan sát cảnh sinh hoạt sớm mai của gia đình họ.

Đôi vợ chồng thuyền chài có gương mặt chất phác. Làn khói bếp nấu cơm sáng tỏa lên mái thuyền vươn cao dần, có lúc chờn vờn trên sóng trên sương, gợi một tứ thơ Đường.

Cuộc rong chơi cũng thong thả, nên lâu lâu chúng tôi lại nói chủ thuyền tắt máy dừng lại thả lưới kiếm ít cá nhậu chơi. Thế mà cuối cùng cũng được nửa thau cá, ghé bãi cát bẻ củi nướng xiên thơm lừng.

Không nhớ tôi đã ngồi thuyền trôi trên bao nhiêu dòng sông trên đất nước này, cả những nơi chốn ngoài giang sơn mình. Nhưng cứ mỗi lần đi trên sông Thu, luôn có những thứ “điện ảnh” - như gợi nhắc của Thiền sư Vạn Hạnh: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/Thân như bóng chớp có rồi không” - một ký ức từ nơi sâu thẳm nào đó cứ dội về.

Hàng ngàn người dân Duy Xuyên chứng kiến lễ khởi công cầu Cửa Đại năm 2009. Ảnh: Trần Tuấn

Có lẽ bởi suốt cả thời trai trẻ đến lúc chạm tuổi già, tôi đã trôi nổi miên man với dòng sông này. Cả lúc sông hiền hòa trôi không để dấu, những lúc sông mơ ngủ như câu thơ năm xưa tôi từng viết: “Thu Bồn mang bầu/đêm đêm trở mình trên lụa…”. Cả khi sông đục ngầu cuồng nộ như mãnh thú bị thương…

3. Trận lụt lịch sử năm 1999, những vực nước khổng lồ hút xoáy lấy chiếc thuyền chở chúng tôi dưới cầu Câu Lâu.

Trời tối, mưa lạnh, mấy chiếc điện thoại sũng nước, hết sạch pin, quẹt ga cũng ướt nhèm, vô dụng.

Trên đường về may mắn thoát chết trong gang tấc khi tất cả chỉ kịp hô nhau nằm rạp xuống, để sống lưng ai nấy lạnh toát khi chạm lướt sát sạt với gầm cầu.

Chuyến ấy chúng tôi gồm 17 nhà báo từ ba miền leo lên hai chiếc thuyền nhỏ chở đầy đồ ăn thức uống của ông Nguyễn Thành Sang - chủ doanh nghiệp Phước Thịnh từ Sài Gòn ra.

Đoàn xuất phát từ Hội An hướng về vùng sâu Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên vừa cứu trợ vừa tác nghiệp. Dọc đường, bao mái nhà như những chiếc nón lá úp bập bềnh trên mặt nước đỏ ngầu, trên ấy chơi vơi những bàn tay vẫy vẫy.

Tác giả và đồng nghiệp trên đỉnh lũ Thu Bồn năm 1999.

Sau này mới rùng mình, vì thời điểm ấy chưa thuyền bè nào dám bươn vào vùng lũ. Những cây cột điện cao nhất cũng đã chìm trong nước đục, sông nước sẵn sàng nhấn ụp thuyền trong tích tắc. Còn những mái nhà chập chênh, chao đảo, thuyền máy chỉ chao thêm chút sóng là sụp là trôi…

Nói chuyện trôi, lại nhớ một người “trôi sông vĩ đại” nhất mà tôi may mắn được gặp. Đó là ông Lương Mân, quê gốc ở làng Đông An xã Quế Phước (nay là xã Ninh Phước, huyện Nông Sơn).

Trận lụt năm Thìn 1964, riêng làng Đông An thượng nguồn Thu Bồn này bị chết 1.700 người, chỉ có Bảy Mân cùng 18 người khác thoát chết. Mỗi người sống sót theo một kiểu khác nhau. Riêng cậu bé Bảy Mân ngày ấy mới chừng 14-15 tuổi, bị lũ cuốn trôi từ đầu nguồn sông Thu xuống tới tận cửa biển Hội An - xa hàng trăm cây số!

Ông Bảy Mân kể, ngày 6/10 âm lịch năm 1964, khoảng 2 giờ chiều mưa to gió lớn, nước sông bắt đầu lên. Đến khoảng 6-7 giờ tối lũ cuồn cuộn lút làng, ai nấy kinh hoàng trước cảnh tượng chưa bao giờ thấy, hầu hết trở tay không kịp.

Ngọn nước đầu tiên của dòng Thu Bồn. Ảnh: Minh Sơn

Sau khi bị lũ đẩy trôi quanh làng, cậu bé Mân bám được vào gốc mít, tuyệt vọng leo lên tận ngọn mà nước vẫn đuổi theo. Rạng sáng, cây mít cổ thụ bật gốc, đẩy cậu bé mắc vào cây gạo thần đầu làng, trên bu đầy rắn rết cũng đang ngóc đầu tránh lũ.

Rồi cây gạo cũng bị đánh bật lềnh bềnh như thanh củi, cậu bé bắt đầu hành trình trôi về phía hạ lưu. Khi tỉnh dậy đã thấy nằm trong trạm xá làng Lai Nghi sát phố cổ Hội An, ai đó phát hiện đưa vào đây cấp cứu…

Bị ám ảnh, ông Bảy Mân sau đó không dám về quê mà chuyển xuống ở làng Phong Lục Tây (nay thuộc xã Điện Thắng Nam, Điện Bàn), làm nghề thầy thuốc cứu người…

4. Ông Bảy Mân đã nhẹ nhàng ra đi trong vòng tay con cháu cũng lâu rồi, còn bà Nùng người tôi gặp ở chợ Nồi Rang bên bến sông Thu ở Duy Nghĩa, Duy Xuyên hơn mười năm trước khi đã bảy mươi, nay còn không?

Gốc dâu trăm tuổi từng in dấu phù sa Thu Bồn. Ảnh: Trần Tuấn

Bà tên thật là Lụa, còn Nùng là tên con gái, để rồi trở nên quen thuộc khắp vùng với chữ N bằng sơn đỏ viết lên từng bao đựng tro. Tro ở đây là tro bếp, tro rơm, một thứ dinh dưỡng ngàn đời bồi bổ nuôi lớn cho những hàng sắn vồng khoai, trước khi có các loại phân bón hóa học, vi sinh như bây giờ.

Thời trẻ, bà đạp xe khắp vựa lúa Gò Nổi, Điện Bàn, Đại Lộc để thu mua tro bếp, tro rơm về bán lại cho bà con nông dân cải tạo đất trồng hoa màu. Chỉ với tro bụi, bà nuôi đàn con trưởng thành.

Sau này về già, dù kinh tế đã đủ đầy, bà vẫn mở đại lý thu mua tro tại nhà mình ngay chợ Nồi Rang, để các chị em đi thu gom về bán lại.

Thời đại công nghiệp, của vi sinh, của bếp ga bếp điện, thì còn đâu tro bếp, nên có lẽ giờ này những phiên chợ tro độc nhất vô nhị nơi chợ Nồi Rang cũng đã tan rồi.

Sông Thu ngàn năm nổi chìm lặn vào từng thân cây gốc rạ, cho người hơi ấm bếp lửa rồi hóa thành tro bụi. Bụi tro ấy lại hòa mình vào đất, nuôi nấng những bờ bãi rau màu, biền dâu, bắp lúa, làm nên tình tro bụi. Một quy luật muôn đời nay đã lạc hậu rồi chăng?

Chúng ta đôi khi dễ dàng trách giận một dòng sông, với đủ lý do rằng gây ra lũ lụt, triều cường, sạt lở, khô hạn, nhiễm mặn. Mà có bao giờ nghĩ rằng những đền tháp Chăm ngàn tuổi kia đâu phải là cây cỏ mà cũng ngấn đọng bao nhiêu phù sa Thu Bồn để sinh sôi, lớn lên và trường tồn. Ngấn nước Thu Bồn làm nên những trầm tích kỳ vĩ, cả hữu hình lẫn vô hình mà không nhận lời tạ ơn.

Như cách sông thường trôi không dấu vết…

Ký của TRẦN TUẤN

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/ngan-nuoc-song-thu-3131991.html