Ngăn ngừa trẻ vị thành niên phạm tội

Hiện nay, có không ít trẻ vị thành niên vì thiếu sự quan tâm, giáo dục từ gia đình, nhà trường, cộng với vô vàn cám dỗ, cạm bẫy ngoài xã hội nên dễ mắc phải những hành vi phạm pháp như: mua bán ma túy, cố ý gây thương tích, trộm cắp, cướp giật tài sản, giết người…

Bị cáo L.T.N.Q. bị TAND tỉnh đưa ra xét xử về tội giết người trong phiên tòa thân thiện dành cho người phạm tội dưới 18 tuổi. Ảnh: Tố Tâm

Bị cáo L.T.N.Q. bị TAND tỉnh đưa ra xét xử về tội giết người trong phiên tòa thân thiện dành cho người phạm tội dưới 18 tuổi. Ảnh: Tố Tâm

Pháp luật đã có những quy định trong việc xử lý trẻ vị thành niên phạm tội để vừa đảm bảo tính răn đe, vừa nâng cao tính giáo dục, nhân văn, giúp các em nhận ra lỗi lầm, biết sửa sai và có cơ hội làm lại cuộc đời.

* Dễ bị trượt ngã

Trẻ vị thành niên chưa phát triển toàn diện về mặt thể chất lẫn tâm lý nên dễ tổn thương, dễ bị “trượt ngã” dẫn đến những hành vi sai trái nếu không được điều chỉnh kịp thời. Đôi khi chỉ một chút kích động, nóng giận nhất thời đã khiến cho người dưới 18 tuổi phạm tội, khi hối hận thì đã muộn.

Tại phiên tòa ngày 5-11, L.T.N.Q. (18 tuổi) liên tục rơi nước mắt và không ngừng quay sang xin lỗi mẹ và bà (nuôi) vì trong lúc nóng giận bộc phát đã dùng dao đâm người cậu (nuôi) tử vong. Sau nhát dao đó, Q. sợ hãi và luôn bị ám ảnh bởi hành vi sai trái của mình.

Q. và anh Phan Trọng Anh (35 tuổi) có mối quan hệ cậu cháu (nuôi) và sống cùng nhà của bà N.T.M. (mẹ nạn nhân) tại P.An Bình (TP.Biên Hòa). Vào ngày 15-9-2020, Q. đang lau nhà thì anh Trọng Anh chửi Q. vì không đem quần áo đang phơi vào khi trời mưa. Sau đó, anh Trọng Anh tát nhiều cái và đấm vào mặt Q. Bị té xuống nền, Q. nhìn thấy con dao nên lấy đâm anh Trọng Anh một nhát khiến nạn nhân tử vong. Khi gây án, Q. chỉ mới hơn 16 tuổi.

Tại phiên tòa, bà M. (mẹ nạn nhân) cho rằng Q. là đứa trẻ rất ngoan, mồ côi và được con gái của bà nhận làm con nuôi. Theo bà M., vụ án xảy ra hoàn toàn do lỗi của anh Trọng Anh. Trọng Anh là người nghiện ma túy, ngồi tù 7 năm 6 tháng và mới được ra tù vào tháng 4-2020. Do bản tính cục cằn, thô lỗ trong ứng xử của bị hại đã dẫn đến vụ án thương tâm này. Do đó, bà M. xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt để bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.

Cũng có nhiều trẻ vị thành niên do thiếu sự quản lý từ gia đình, dễ bị lôi kéo, kích động, sớm vướng vòng lao lý. Viện KSND TP.Biên Hòa vừa truy tố 8 bị cáo cùng ngụ tại TP.Biên Hòa về tội cố ý gây thương tích, trong đó có 7 bị cáo khi gây án đều chưa đủ 18 tuổi.

Theo nội dung vụ án, 8 đối tượng trong quá trình sinh hoạt đã có mâu thuẫn và thách thức đánh nhau với một nhóm thanh niên khác. Các đối tượng sau khi chuẩn bị hung khí, đang trên đường đi đến P.Trảng Dài
(TP.Biên Hòa) để chém đối phương thì bị công an phát hiện, ngăn chặn. Các đối tượng khai nhận do nông nổi nhất thời, nghe lời rủ rê của bạn bè nên cùng nhau giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Nhưng chưa thực hiện được hành vi thì các đối tượng đã bị bắt và truy tố tội cố ý gây thương tích khi đang ở tuổi vị thành niên.

* Chú trọng công tác giáo dục

Theo số liệu từ TAND tỉnh, tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội đang tăng lên theo từng năm. Trong 9 tháng của năm 2021, tòa án 2 cấp đã thụ lý 60 vụ, 134 bị cáo là trẻ vị thành niêm phạm tội (9 tháng của năm 2020 đã thụ lý 46 vụ án, 89 bị cáo). Trong đó, chủ yếu là các tội giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, trộm cắp tài sản và tội liên quan đến ma túy.

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân dẫn đến việc trẻ vị thành niên phạm tội ngày càng tăng chủ yếu do lối sống buông thả, lười lao động, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết pháp luật. Đặc biệt là trẻ vị thành niên thiếu sự quan tâm từ gia đình, nhà trường và xã hội đã dẫn đến việc tụ tập, ăn nhậu gây ra hành vi phạm pháp.

Thẩm phán Trần Phương Đông, Chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh cho biết, nhiều trẻ em xuất phát từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mẹ ly hôn, thiếu quan tâm chăm lo đời sống tinh thần của con. Cha mẹ chưa hiểu rõ về tâm sinh lý lứa tuổi của con nên có những hành động khiến cho trẻ bất mãn, tổn thương, học hành sa sút, bỏ nhà ra đi, bị bạn bè dụ dỗ, lôi kéo và sớm sa chân vào con đường phạm pháp.

“Sự thờ ơ của cha mẹ đã vô tình đẩy các trẻ đến những hành động tiêu cực. Nhiều em đang độ tuổi dậy thì, dễ bị kích động, không chịu được những bi kịch, đả kích, bạo lực trong gia đình nên hư hỏng và phạm tội” - thẩm phán Trần Phương Đông phân tích.

Ngoài ra, định hướng xã hội đối với trẻ vị thành niên còn mờ nhạt, chưa có nhiều sân chơi bổ ích, thiếu các chương trình giải trí lành mạnh, thu hút trẻ nên chúng thường lên mạng xã hội xem những thông tin độc, tiêu cực. Nhà trường chạy theo việc giáo dục kiến thức mà thiếu chú trọng đến giáo dục nhân cách, đạo đức của trẻ.

Hơn nữa, người dưới 18 tuổi phát triển chưa toàn diện, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế. Do đó, để giúp người chưa thành niên sớm được giáo dục, hiểu ra sai lầm của bản thân, ngành Tòa án đã thành lập các tòa án chuyên trách về gia đình và trẻ vị thành niên theo hướng thân thiện. Đồng thời, pháp luật cũng có những quy định chuyên biệt, nhân đạo khi xét xử tội phạm là người chưa thành niên.

Luật sư Phan Thiên Vượng, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, theo quy định, nếu trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật mà chưa đến mức xử lý hình sự hoặc hành chính thì có thể hòa giải ở cơ sở nhằm bảo vệ danh dự, nhân phẩm của người chưa thành niên. Việc xử lý hành chính đối với trẻ vị thành niên chỉ thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục là chính.

Trong Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã có nhiều thay đổi trong chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội. Cụ thể, người chưa thành niên chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng với 28/314 tội danh trong Bộ luật Hình sự. Đối với người từ 14-16 tuổi chuẩn bị phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội giết người và cướp tài sản. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã dành ra một chương riêng (Chương XII - Những quy định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội) để xử lý đối với tội phạm là người dưới 18 tuổi. “Điều này nhằm mục đích giáo dục người chưa thành niên phạm tội, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và hình thành nhân cách tốt hơn khi trưởng thành” - luật sư Phan Thiên Vượng cho hay.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202111/ngan-ngua-tre-vi-thanh-nien-pham-toi-3088620/