Ngăn ngừa tội phạm vị thành niên

Thời gian qua, tại địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vụ việc phạm pháp hình sự mà đối tượng gây án đang độ tuổi ngồi trên ghế nhà trường.

Việc trẻ hóa đối tượng phạm tội cho thấy một thực tế đáng lo ngại về sự ảnh hưởng của kinh tế thị trường, phim ảnh bạo lực, trò chơi điện tử và chính từ sự buông lỏng quản lý của gia đình. Đáng ngại, nhiều đối tượng không chỉ hành động đơn lẻ mà lôi kéo tạo thành băng nhóm, có tổ chức, cho thấy sự manh động và phức tạp của tội phạm vị thành niên.

Hành động bột phát, hậu quả lâu dài

Theo số liệu từ cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, trong số vụ phạm pháp hình sự liên quan đến lứa tuổi thanh, thiếu niên có 34,8% đối tượng vi phạm dưới 16 tuổi, 46% từ đủ 16 đến dưới 18; đối tượng chủ yếu là học sinh Trung học phổ thông; có 23,5% trong số đó là học sinh đã bỏ học; hơn 96%, đối tượng chưa có tiền án, tiền sự. Cũng theo thống kê, 84% các vụ xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân từ trước, sau đó các đối tượng lên mạng xã hội như: Facebook chửi bới, thách thức nhau; tổ chức lôi kéo tạo thành hội nhóm cùng hành động.

Mới đây, nhiều người dân Hà Nội tỏ ra sửng sốt khi biết tin nhóm đối tượng vị thành niên, dùng hung khí đã gây ra một loạt vụ cướp tài sản trên địa bàn Thủ đô.

Cụ thể, khoảng 2 giờ, ngày 14/3, 2 nam thanh niên điều khiển xe máy Honda Wave không biển kiểm soát tại khu vực đường Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (Hà Nội) thì bị một nhóm thanh niên điều khiển xe máy cầm theo tuýp sắt hàn dao phóng lợn đánh, đe dọa cướp chiếc xe máy trên.

Cũng nhóm này, khoảng 3 giờ, ngày 2/3, 3 thanh niên điều khiển xe máy cầm theo tuýp sắt hàn dao phóng lợn đe dọa hai thanh niên cướp 1 chiếc xe máy Honda Vision màu vàng không biển kiểm soát tại đầu phố Vọng - Giải Phóng, phường Phương Mai, quận Đống Đa.

Với hành động tương tự, khoảng 2 giờ ngày 5/3, tại khu vực đường Giải Phóng, gần cổng Đại học Bách Khoa, 3 đối tượng điều khiển xe máy cầm theo tuýp sắt hàn dao phóng lợn đe dọa 3 thanh niên cướp 1 xe máy Honda Wave màu đen không biển kiểm soát tại đường Giải Phóng; ngày 15/3/2024, 6 đối tượng điều khiển 3 xe máy đến khu vực phố Lê Lợi, quận Hà Đông thì gặp 1 nam thanh niên điều khiển xe máy Honda Vision.

Thấy vậy, cả nhóm chặn xe người này, cầm tuýp sắt hàn dao phóng lợn đe dọa, yêu cầu người này mở cốp xe ra. Nhưng do nam thanh niên không có tiền mặt nên cả nhóm bỏ đi, không cướp được gì (hình ảnh các đối tượng dùng hung khí đe dọa, cướp tài sản của bị hại được camera của một nhà dân ghi lại, đưa lên một số trang mạng xã hội).

Các vụ việc trên đều diễn ra theo một “kịch bản”, xảy ra vào ban đêm, sáng sớm thanh vắng; dùng hung khí nóng đe dọa để cưỡng đoạt tài sản. Trước hành vi táo tợn, gây nguy hiểm cho xã hội, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp Công an quận Hoàng Mai khẩn trương điều tra, truy bắt các đối tượng gây án. Đến ngày 16/3, phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị bắt giữ 6 đối tượng gồm: Đ.L.G.V (sinh năm 2009), P.C.Đ (sinh năm 2009), C.N.H.T.S (sinh năm 2009), L.T.T (sinh năm 2009), Đ.T.K (sinh năm 2008), T.G.B (sinh năm 2008) cùng trú tại Hà Nội.

Hay mới đây, ngày 27/3, Công an huyện Phúc Thọ (Hà Nội) tiếp nhận trình báo của chị H (sinh năm 1994; trú tại Hiệp Thuận, Phúc Thọ) về việc chiều 22/3/2024, khi đang đi giao hàng đến đoạn đường gần cửa hàng Điện máy xanh, thuộc xã Tam Hiệp, chị H bị 2 đối tượng đi xe máy Yamaha Exciter, không biển số vượt lên giật chiếc điện thoại iPhone 15 Promax. Tiếp nhận thông tin, Công an huyện đã tập trung lực lượng khẩn trương điều tra, xác minh, bắt giữ 2 đối tượng gây án là C.T.V và P.Đ.H, đều sinh năm 2006 và trú tại xã Phú Đông, huyện Ba Vì (Hà Nội). Đáng nói, hành động liều lĩnh này diễn ra giữa ban ngày, càng cho thấy sự manh động táo tợn của tội phạm vị thành niên. Trước việc làm của mình, các em sẽ phải chịu hình phạt của pháp luật, song nỗi đau dai dẳng lại thuộc về cả những người lớn.

Nâng cao vai trò gia đình trong ngăn ngừa tội phạm

Nghiên cứu, thống kê về người dưới 18 tuổi phạm tội cho thấy, phần lớn những đứa trẻ phạm tội đều sống trong những gia đình không hạnh phúc, thường xuyên bị đối xử tàn nhẫn, bỏ học sớm, thiếu sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ hoặc những đứa trẻ được nuông chiều, đáp ứng đầy đủ những điều kiện vật chất, nhưng thiếu kiểm soát dẫn đến trẻ mắc sai lầm, rồi trượt dài trên những sai lầm đó.

Nhìn nhận về nội dung trên, Thượng tá, Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu, Bộ Công an lý giải, có thể nguyên nhân đến từ việc rối loạn tâm lý của tuổi chuẩn bị trưởng thành. Nhưng đó chỉ là yếu tố phụ, còn căn cốt hơn xuất phát từ nguyên nhân, khi các em gặp các tác động bất lợi từ môi trường sống. Bản thân các em đã tiếp cận quá nhiều với phim ảnh, trò chơi bạo lực, rất dễ vô thức hành động theo những hình ảnh, cách xử sự đã được nhìn thấy.

Theo vị Thượng tá, một nguyên nhân khác nữa là áp lực cuộc sống, bươn chải mưu sinh khiến nhiều bậc phụ huynh không có thời gian để quan tâm đến con cái; đời sống xã hội với nhiều cám dỗ, cuốn các thành viên chạy theo danh lợi, tiền bạc, khiến sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo. Sau bữa ăn, mỗi người trong gia đình một điện thoại, chọn một góc riêng tìm thú vui trên mạng, không trò chuyện giao tiếp. Trong hoàn cảnh gia đình ấy, những đứa trẻ lớn lên trong sự thiếu vắng sự bảo ban, giám sát, quan tâm, uốn nắn kịp thời của người lớn, cũng dễ bị lôi kéo tham gia vào các tệ nạn.

Tại Hà Nội, để ngăn ngừa thanh, thiếu niên phạm tội ngay từ trong “trứng nước”, Công an thành phố đã ban hành Kế hoạch về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan người chưa thành niên trên địa bàn thành phố. Đại tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố Hà Nội cho biết, Kế hoạch được triển khai rộng rãi với sự phối hợp, góp sức của mỗi gia đình, nhà trường cũng như xã hội. Ngoài việc chủ động kế hoạch đấu tranh tại các địa bàn, các tổ công tác 141, các trinh sát phòng Cảnh sát Hình sự chủ động nắm tình hình ngăn chặn vụ việc từ sớm, từ xa. Bằng chứng là các dịp cuối tuần, lực lượng Cảnh sát hình sự, tổ công tác 141 đã hóa trang, mật phục bắt, tạm giữ nhiều đối tượng thanh thiếu niên điều khiển xe lạng lách đánh võng, có mang theo hung khí, nghi ngờ phạm pháp hình sự.

Việc Công an thành phố Hà Nội vào cuộc tích cực góp phần giảm thiểu số vụ phạm pháp hình sự của đối tượng vị thành niên trên địa bàn.

Dù công việc trên đã đem lại hiệu quả, song dưới góc nhìn của Tiến sĩ tội phạm học Đào Trung Hiếu, không chỉ trông chờ vào lực lượng Công an. Giải pháp căn cơ nhất là giáo dục cần phải thay đổi, hướng đến việc bồi dưỡng nhân cách con người, dạy con người hướng vào trong để quản trị được chính bản thân mình, thay vì nhồi nhét kiến thức.

Qua ý kiến chuyên gia và tìm hiểu thực tế tại Hà Nội, nếu thực hiện được những giải pháp giáo dục đồng bộ từ gia đình, nhà trường, đến chủ động phòng ngừa tội phạm của lực lượng Công an, mới có thể giảm được tình trạng tội phạm đang còn ở lứa tuổi học trò.

Mạnh Khánh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/ngan-ngua-toi-pham-vi-thanh-nien-20240403174819135.htm