Ngăn ngừa tai nạn lao động, giảm gánh nặng xã hội

Cùng với tuyên truyền pháp luật, cơ quan chức năng TPHCM tăng cường thanh tra, kiểm tra, cương quyết xử phạt các doanh nghiệp, nhà thầu không đảm bảo an toàn lao động nhằm ngăn ngừa những nỗi đau do tai nạn lao động (TNLĐ) để lại.

Công nhân xây dựng làm việc trên tầng cao công trình xây dựng nhà ở trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TPHCM) thiếu trang bị bảo hộ lao động. Ảnh: NGÔ BÌNH

Công nhân xây dựng làm việc trên tầng cao công trình xây dựng nhà ở trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TPHCM) thiếu trang bị bảo hộ lao động. Ảnh: NGÔ BÌNH

Nỗi đau dai dẳng

Gần một năm trước, trong lúc đang nạo vét hố thoát nước trên vỉa hè tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TPHCM, ông Kim Long (ngụ phường 13, quận 6) không may gặp TNLĐ qua đời. Từ đó, bà Phạm Thị Ngọc Thu (vợ ông Long) một mình gồng gánh nuôi hai con nhỏ. Cuộc sống vốn đã khó khăn càng trở nên chật vật khi mất đi trụ cột, lao động chính trong gia đình. Đến nay, bà Thu vẫn chưa nguôi được nỗi đau mất chồng, nhất là khi nghĩ đến tương lai của hai con nhỏ.

Cùng hoàn cảnh, hơn nửa năm sau khi chồng gặp TNLĐ qua đời trong lúc làm việc tại công trình xây dựng ở quận 7, bà Nguyễn Thị Kim Nga (ngụ xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TPHCM) sống hiu quạnh trong căn nhà cấp bốn lợp mái tôn, tường xi măng xám màu. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, vốn đã phải “chạy ăn” từng bữa, sau khi chồng mất, bà Nga chưa tìm được việc làm nên cuộc sống càng khó khăn hơn. Cảm thông với hoàn cảnh của bà Nga, Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM đã vận động chủ nhà và các nhà thầu liên quan giúp đỡ gia đình. Còn chính quyền địa phương cũng đang giúp bà tìm kiếm công việc ổn định.

Theo Sở LĐTB-XH TPHCM, trong năm 2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 703 vụ TNLĐ, làm chết 44 người. Tổng số tiền thiệt hại từ các vụ TNLĐ hơn 17 tỷ đồng. Trong đó, chi phí y tế hơn 2 tỷ đồng, chi phí trả lương trong thời gian điều trị hơn 3 tỷ đồng, chi phí bồi thường trợ cấp hơn 11 tỷ đồng... Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Lượng Thị Tới nhìn nhận, dù số liệu thống kê về TNLĐ năm 2023 giảm so với năm trước nhưng TPHCM vẫn là một trong các địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNLĐ là do vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không có quy trình an toàn hoặc biện pháp làm việc an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân...

 Công nhân làm việc tại công trình góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Du, TPHCM không trang bị bảo hộ lao động. Ảnh: NGÔ BÌNH

Công nhân làm việc tại công trình góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Du, TPHCM không trang bị bảo hộ lao động. Ảnh: NGÔ BÌNH

Tăng cường xử lý vi phạm

Hậu quả của các vụ TNLĐ rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng đến công việc mà còn cả sinh mạng của người lao động, nhưng thực tế cho thấy việc đảm bảo an toàn lao động ở các công trình vẫn đang bị bỏ ngỏ. Theo ghi nhận tại nhiều công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM, công nhân làm việc vẫn chưa được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ. Sáng 8-5, tại một căn nhà đang sửa chữa ở góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Du (quận 1, TPHCM), một công nhân mang dép lê, không có bất cứ trang bị bảo hộ lao động nào trên người leo ra lan can trên tầng hai để hàn thanh sắt. Tia lửa từ que hàn bắn ra khắp nơi, rơi xuống dưới. Trước đó, tại một công trình khác trên đường Nguyễn Du, hai công nhân tháo dỡ giàn giáo trên tầng 4 cũng không được trang bị bảo hộ lao động.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Chánh Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết, đơn vị thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về an toàn vệ sinh lao động và phát hiện, xử lý nhiều vi phạm. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở LĐTB-XH TPHCM đã kiểm tra 67 đơn vị, xử phạt 25 đơn vị vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh lao động với tổng số tiền 663 triệu đồng. Cùng với việc kiểm tra, xử lý, Thanh tra Sở LĐTB-XH cũng tăng cường tuyên truyền về ý thức chấp hành quy định huấn luyện an toàn trong thi công với nhiều hình thức khác nhau.

“Chúng tôi cương quyết xử lý vi phạm hành chính khi doanh nghiệp vi phạm quy định an toàn vệ sinh lao động. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, chúng tôi sẽ chuyển hồ sơ, kiến nghị xử lý hình sự đến cơ quan chức năng”, ông Lâm khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, những năm qua, lãnh đạo thành phố và các cấp chính quyền rất quan tâm, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường nhiều hoạt động quản lý, kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp vi phạm pháp luật an toàn vệ sinh lao động, tiến đến xây dựng văn hóa an toàn lao động. Đặc biệt là nêu cao trách nhiệm người đứng đầu đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh con người, góp phần cho phát triển bền vững doanh nghiệp và xã hội.

Tập huấn kỹ năng cho người lao động

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM Phạm Chí Tâm, trong Tháng Công nhân năm 2024, ngoài chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh hiểm nghèo, các cấp Công đoàn cũng tổ chức chăm lo công nhân bị TNLĐ. Cụ thể, LĐLĐ TPHCM chỉ đạo LĐLĐ TP Thủ Đức và 21 quận, huyện thực hiện công tác khảo sát, cập nhật, bổ sung thông tin đối với các trường hợp bị TNLĐ đang hưởng chế độ trên địa bàn TPHCM và tiến hành tổ chức họp mặt, thăm hỏi, động viên tặng quà cho 1.271 công nhân với tổng số tiền chăm lo 741 triệu đồng.

Ngoài ra, các lớp tập huấn kiến thức và kỹ năng về công tác an toàn vệ sinh lao động cho đội ngũ cán bộ công đoàn, lực lượng an toàn vệ sinh viên; hướng dẫn kỹ năng an toàn lao động cho đoàn viên, người lao động khu vực phi chính thức... cũng đang được triển khai. LĐLĐ TPHCM phát động hội thi trực tuyến “Tìm hiểu về công tác an toàn vệ sinh lao động”. Hội thi nhằm kêu gọi đoàn viên, công nhân lao động tích cực hưởng ứng tháng an toàn vệ sinh lao động, góp phần xây dựng văn hóa an toàn lao động.

NGÔ BÌNH - THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngan-ngua-tai-nan-lao-dong-giam-ganh-nang-xa-hoi-post739697.html