Ngăn ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã có nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống đuối nước trẻ em, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, gia đình và cộng đồng trong việc phòng, chống đuối nước nên số trẻ em tử vong do đuối nước đã giảm qua từng năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây các vụ đuối nước gây tử vong cho nhiều trẻ em vẫn còn thường xuyên xảy ra và ở mức cao ở một số địa phương. Điều này trở thành nỗi đau và mối lo không chỉ của riêng gia đình mà là của toàn xã hội.

Học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TPViệt Trì) học bơi miễn phí tại bể bơi của nhà trường. Ảnh: Phương Thanh

Hàng năm, để giảm thiểu các vụ đuối nước vào mùa hè, các ngành chức năng: Lao động- Thương binh và Xã hội, Giáo dục, Đoàn thanh niên... đã có nhiều hoạt động thiết thực như: Đẩy mạnh tuyên truyền cảnh báo nguy cơ tai nạn đuối nước; tích cực phối hợp với gia đình, nhà trường để quản lý các em; khảo sát các địa điểm có nguy cơ mất an toàn và thực hiện cắm biển cảnh báo; khuyến khích, tạo điều kiện để các em học bơi, rèn luyện kỹ năng cấp cứu khi bị đuối nước... Nhưng, thực tế cho thấy, các hoạt động và những cách làm này vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, số vụ tai nạn đuối nước vẫn diễn ra. Một tuần trở lại đây, dù mới chỉ vào đầu mùa hè nhưng trên cả nước đã liên tiếp ghi nhận các vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân chủ yếu là trẻ em. Tính trong ngày 1/5/2022, có 3 thanh, thiếu niên bị đuối nước tại bãi biển Thiện Chánh (phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định); có 2 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) tử vong do đuối nước dưới hồ nước gần nhà; có 9 học sinh lớp 11, Trường THPT Bù Đăng rủ nhau vào nhánh sông Đồng Nai (thuộc thôn 1, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, Bình Phước) để chơi và tắm sông, hậu quả, 4 em đã bị đuối nước tử vong; có một bé trai 11 tuổi (ngụ tại xã Phú Thuận A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đuối nước tử vong tại cồn Long Khánh khi đi chơi lễ cùng với người nhà. Ngày 29/4/2022, tại xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai đã xảy ra sự cố đuối nước làm 2 học sinh nữ thiệt mạng. Chiều 27/4/2022, tại khu vực đầu nguồn suối San Thàng, thuộc địa phận giáp ranh giữa xã San Thàng (thành phố Lai Châu) và xã Tả Lèng (huyện Tam Đường) xảy ra vụ đuối nước thương tâm, 3 học sinh lớp 7 rủ nhau đi tắm suối bị chìm, người dân cứu được 1 cháu, 2 cháu tử vong. Ngày 25/4/2022, trên địa bàn xã Yên Dương, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc xảy ra sự việc 2 cháu nhỏ lớp 2 và lớp 3 tử vong do đuối nước khi tắm suối gần nhà sau khi đi học về…Đuối nước đang là tai nạn gây tử vong nhiều nhất cho trẻ em Việt Nam. Trung bình mỗi năm có hàng nghìn trẻ em tử vong do đuối nước, đặc biệt xảy ra nhiều vào thời gian trẻ em nghỉ hè. Tình trạng đuối nước vào mùa hè cho thấy trẻ em chưa được gia đình quan tâm đúng mức, cũng như việc trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng bơi lội để có thể tự bảo vệ mình khi xảy ra tình huống bất trắc là chưa đủ. Hiện đang bắt đầu vào mùa nắng nóng, học sinh sẽ nghỉ hè việc cần thiết là phải tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm, để không còn thêm các trường hợp gặp tai nạn đáng tiếc do đuối nước.Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Công văn số 1562/BGDĐT-GDTC về việc tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh dịp hè 2022, yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh; chủ động phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp trong việc tổ chức quản lý, giám sát, hướng dẫn các em tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh; tăng cường rà soát, phát hiện các điểm nóng có nguy cơ cao xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo kịp thời; tổ chức các lớp học bơi, học kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước cho các em trong dịp hè. Tổ chức tốt việc bàn giao trẻ em, học sinh về gia đình, địa phương trước khi nghỉ hè… Đồng thời, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực phòng, chống đuối nước và dạy bơi, cứu đuối an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục cho trẻ em, học sinh; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống đuối nước tại các nhà trường, cơ sở giáo dục, các đơn vị thuộc phạm vi quản lý và có biện pháp xử lý đối với các đơn vị, cá nhân không thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống đuối nước trẻ em, học sinh.Ngoài ra, để bảo vệ khỏi tai nạn đuối nước, trẻ em cần được giám sát bởi cha mẹ, người lớn. Vì vậy, gia đình, cha mẹ, người giám sát trẻ cần hướng dẫn và xác định những yếu tố nguy cơ đuối nước cho trẻ như những địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cho trẻ (giếng, ao hồ, sông suối...); xây dựng các rào chắn bằng tre, gỗ, đậy nắp an toàn ngăn trẻ tiếp cận các nguồn nước mở… Điều quan trọng nhất trong thực hiện phòng, chống đuối nước cho trẻ em chính là ý thức của phụ huynh trong việc quan tâm chăm sóc, bảo vệ con, em mình. Cần hiểu rõ, đối với trẻ nhỏ, việc quan tâm, theo sát cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, không thể lơ là, coi nhẹ, vì đôi khi sẽ phải trả giá rất đắt. Ngày 2/5/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Thủ tướng yêu cầu triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước tại địa phương...Tai nạn đuối nước ở trẻ em thực sự là vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, ảnh hưởng tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ. Vì thế, toàn xã hội phải chung tay và có những hành động thiết thực để ngăn chặn, phòng ngừa tình trạng đuối nước ở trẻ em.

Phạm Kim

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/202205/ngan-ngua-tai-nan-duoi-nuoc-o-tre-em-184085