Ngăn ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật

Tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật có xu hướng tăng là vấn đề dư luận xã hội quan tâm và cũng là trăn trở của các cấp, các ngành.

Bài 1: Còn nhiều việc cần làm

Những con số “biết nói”

Ngày 16/4/2022, Công an thành phố Lào Cai nhận được tin báo của người dân tại số nhà 001, đường Lê Quý Đôn, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai) về việc khoảng 1 giờ 30 phút bị nhóm đối tượng đột nhập lấy trộm tiền. Ngay trong ngày, lực lượng chức năng đã xác minh, triệu tập nhóm đối tượng gồm: Hạng A.V., sinh năm 2012; Hạng A.D., sinh năm 2009, cùng trú tại thôn Suối Hồ, phường Hàm Rồng (thị xã Sa Pa) và Vàng A. S., sinh năm 2007, trú tại thôn Ý Lình Hồ, phường Phan Si Păng (thị xã Sa Pa).

Tại cơ quan công an, các đối tượng khai rủ nhau xuống thành phố Lào Cai xin việc làm nhưng không xin được nên cả nhóm lang thang ăn xin, trộm cắp vặt.

Trộm cắp tài sản là tội danh chiếm phần lớn trong những vụ người chưa thành niên vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 17 vụ trộm cắp tài sản/25 đối tượng; năm 2021 có 13 vụ/9 đối tượng; năm 2022, con số này tăng lên một cách đáng báo động với 34 vụ/52 đối tượng.

Cùng với hành vi trộm cắp tài sản, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở độ tuổi chưa thành niên cũng là điều gây nhức nhối. Năm 2022, Công an thành phố Lào Cai đã xử lý 50 trường hợp chưa thành niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Theo Trung tá Lã Tiến Dũng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Lào Cai, các hành vi vi phạm của nhóm đối tượng này chủ yếu là chạy xe lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không chấp hành đèn tín hiệu, thay đổi hình dáng, kích thước, đặc tính của xe; gắn biển số không đúng với đăng ký xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp khi tham gia giao thông. Nhóm đối tượng chủ yếu ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18. Đối với những trường hợp đang đi học, lực lượng chức năng thông báo về gia đình, nhà trường; những trường hợp bỏ học thì thông báo về gia đình, địa phương để quản lý, giáo dục.

Trộm cắp tài sản, vi phạm Luật Giao thông đường bộ là hai trong số nhiều hành vi vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra trong thời gian qua và đang có chiều hướng gia tăng. Tình trạng này đang là vấn đề dư luận xã hội quan tâm và cũng là trăn trở của các cấp, các ngành.

Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 41 vụ/62 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi, so với năm 2019 tăng 3 vụ, tăng 24 đối tượng; năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 36 vụ với 38 đối tượng. Năm 2022, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật có xu hướng tăng, với 59 vụ, 94 đối tượng, gấp 1,6 lần số vụ và 2,5 lần số đối tượng so với năm trước đó. Trong số này, cơ quan chức năng đã khởi tố 30 vụ với 39 bị can; xử lý hành chính 17 vụ với 37 đối tượng.

Bên cạnh hành vi trộm cắp tài sản, các đối tượng chưa thành niên còn liên quan đến một số hành vi khác như xâm hại tình dục, cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản, sử dụng trái phép chất ma túy… Phần lớn đối tượng vi phạm, phạm tội là nam, thuộc độ tuổi từ 14 đến dưới 18 tuổi.

Nguyên nhân từ đâu?

Theo Luật Trợ giúp pháp lý, trẻ em, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là đối tượng nằm trong nhóm được trợ giúp pháp lý. Năm 2022, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh trợ giúp 10 trẻ vi phạm pháp luật, 56 đối tượng là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Bà Trần Thị Chinh, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho rằng, người chưa thành niên là nhóm đang trong giai đoạn phát triển, hoàn thiện về mặt tâm lý, thể chất nên dễ bị tổn thương và cũng dễ bị “trượt ngã”.

Có những trường hợp người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật bị rủ rê, lôi kéo; có trường hợp bị kích động nhất thời hoặc muốn thể hiện cá tính của bản thân. Thậm chí, có trường hợp không biết mình vi phạm pháp luật (chủ yếu ở hành vi xâm hại tình dục) do nhận thức còn hạn chế và hủ tục như tảo hôn…

Đồng quan điểm này, ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, người dưới 18 tuổi có nhận thức chưa đầy đủ giữa hành vi và hậu quả khi thực hiện hành vi lệch chuẩn.

Cùng với đó, một số người dưới 18 tuổi ham chơi, lười học, dễ sa đà, dẫn đến các hành vi lệch chuẩn. Đơn cử như trong 94 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi năm 2022, có 13 đối tượng đã bỏ học…

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365877-ngan-ngua-nguoi-chua-thanh-nien-vi-pham-phap-luat