Ngẩn ngơ giữa động Thiên Đường

Trên cung đường dạo quanh những cảnh quan thơ mộng, hữu tình của dải đất hình chữ S thân thương, động Thiên Đường tạo nên sự hấp dẫn của kỳ quan trong lòng đất.

Động Thiên Đường là một hang động ẩn sâu trong vùng lõi núi đá vôi của Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình; nằm cách Đồng Hới 70 km về phía Tây Bắc, cách động Phong Nha 25 km.

 Một góc động Thiên Đường. Ảnh: Lê Tiền Tuyến.

Một góc động Thiên Đường. Ảnh: Lê Tiền Tuyến.

"Hoàng cung trong lòng đất"

Nơi đây được mệnh danh là “hoàng cung trong lòng đất” do cảnh quan được thiên nhiên kiến tạo qua hàng trăm triệu năm thành những kỳ quan tráng lệ và huyền ảo với những khối thạch nhũ và măng đá có vẻ đẹp và tạo tác đa dạng, kỳ bí ngoài sức tưởng tượng của con người.

Việc phát hiện hang động này cũng khá kỳ thú. Năm 2005, một người dân địa phương đi rừng đã tình cờ phát hiện ra. Sở dĩ nó tồn tại hàng triệu năm mà không ai biết do cửa hang nhỏ, chỉ vừa đủ một người xuống nhưng trong động lại phình ra, nơi rộng nhất lên đến 200 m, chiều cao đến trần động khoảng 60-80 m.

Thông tin này lập tức gây sự chú ý của các nhà khoa học, thám hiểm trong nước và quốc tế. Sau đó, Hiệp hội Hang động của Hoàng gia Anh đã tổ chức đoàn thám hiểm hang động này. Năm 2010 đoàn hoàn tất cuộc thám hiểm, công bố những kết quả rất bất ngờ: Đây là hang động khô dài nhất châu Á (dài 31,4 km), có niên đại hình thành cách nay gần 400 triệu năm.

Hang động rộng và chiều dài sâu thẳm, thênh thang và còn kỳ vĩ hơn động Phong Nha! Cũng chính vì điều này, Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh đã đặt tên hang động này là Thiên Đường.

Động Thiên Đường đã được đầu tư khai thác du lịch: làm đường nối đến cửa động với 550 bậc thang lên, xuống; làm đường bên trong để khách tham quan với chiều dài 1,1 km; đã đưa vào hoạt động từ tháng 9/2010. Nơi đây hiện nay đã trở thành một điểm đến du lịch nổi tiếng trên thế giới, giới hạn khách tham quan theo từng mùa...

 Đỉnh Fasipan giữa biển mây. Ảnh: ICT.

Đỉnh Fasipan giữa biển mây. Ảnh: ICT.

Ngắm "nóc nhà Đông Dương"

Sapa có độ cao 1.600 m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình 15 độ C, mùa hè mát mẻ, mùa đông thỉnh thoảng có tuyết, nên trở thành một điểm nghỉ dưỡng tuyệt vời, nổi tiếng từ thời thuộc Pháp. Cùng sự phát triển nền kinh tế, Sapa không ngừng được tôn tạo, xây dựng nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp đặc trưng với địa hình đồi núi, cảnh sắc thơ mộng, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông, Dao đỏ, Tày, Giáy và là vương quốc của hoa trái như đào, mận, lê, nhiều loại cúc, hồng, hoa bất tử…

Khách du lịch một lần đến Sapa không thể chiêm ngưỡng, đi hết nhiều cảnh đẹp tự nhiên nơi đây: thác Bạc, cổng Trời, bãi đá cổ, các làng bản dân tộc, vườn hoa Hàm Rồng…

Cách Sapa 9 km về phía Tây Nam, ngọn núi Fansipan hiện ra lừng lững - là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cao nhất trong ba nước Đông Dương, nên được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” (3.143 m). Đây là điểm hẹn thu hút nhiều nhà leo núi và khách du lịch.

Để chinh phục đỉnh núi này, lữ khách phải mất 5-6 ngày, sau đó rút ngắn còn 2-3 ngày tùy theo thể lực từng người. Ngày 2/2/2016, đã khánh thành tuyến cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới, lần đầu tiên được xây dựng ở châu Á, rút ngắn thời gian di chuyển lên đỉnh Fansipan từ 2 ngày xuống còn 20 phút, sau đó du khách tiếp tục đi bộ trên 600 bậc đá để đến chóp mỏm Fansipan quanh năm chìm trong sương mù, lạnh giá.

Đứng trên mỏm cao nhất của mái nhà Đông Dương, du khách có cảm giác lâng lâng khó tả. Cáp treo ba dây là một công trình kỳ vĩ được xây dựng trong điều kiện rất khó khăn. Sau khi khánh thành, đã được tổ chức kỷ lục thế giới trao giấy chứng nhận 2 kỷ lục Guinness: Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410 m); cáp treo ba dây dài nhất thế giới (6.325 m).

Công trình cáp treo Fansipan là dự án đẳng cấp quốc tế, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến 4.400 tỷ đồng, đã tạo điểm nhấn du lịch hấp dẫn vùng Tây Bắc, hiện thực hóa ước mơ chiêm ngưỡng “nóc nhà Đông Dương” cho mọi người.

Lê Tiền Tuyến / NXB Tổng hợp TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngan-ngo-giua-dong-thien-duong-post1333315.html