Ngân hàng Trung ương cảnh báo về nền kinh tế Nga

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga gióng lên hồi chuông cảnh báo về nền kinh tế sau khi đồng rúp giảm giá và tình trạng thiếu lao động kỷ lục làm gia tăng áp lực lạm phát.

Các nhà hoạch định chính sách giữ lãi suất chuẩn ổn định ở mức 7,5%, như đã giữ nguyên kể từ tháng 9, nhưng báo hiệu Moscow sẽ sớm tăng lãi suất.

Trong cuộc họp báo, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) bà Elvira Nabiullina cho biết: “Phương án tăng lãi suất đã được xem xét, nhưng theo sự đồng thuận, chúng tôi quyết định giữ nguyên lãi suất nhưng thắt chặt tín hiệu”.

 Sau hơn một năm chiến sự nổ ra, kinh tế Nga đã trải qua nhiều thăng trầm. Ảnh: Internet.

Sau hơn một năm chiến sự nổ ra, kinh tế Nga đã trải qua nhiều thăng trầm. Ảnh: Internet.

Trên thực tế, các ngân hàng trung ương đã thảo luận về việc tăng 25-75 điểm cơ bản, bà nói. Đó là khi dữ liệu vào thứ Tư cho thấy giá tiêu dùng hàng tuần tăng mạnh.

Việc tăng lãi suất sẽ là lần đầu tiên kể từ khi Ngân hàng Trung ương nâng lãi suất cơ bản lên 20% ngay sau cuộc chiến Nga - Ukraine, khi họ tìm cách ổn định đồng rúp và thị trường tài chính sau khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đóng băng dự trữ tiền tệ của Điện Kremlin.

Kể từ đó, Ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất trở lại khi lạm phát hạ nhiệt. Nhưng những dự báo mới dự đoán lạm phát sẽ tăng tốc lên 4,5% - 6,5% vào cuối năm, tăng từ 3,5%.

Ngân hàng trung ương cho biết: “Tăng tốc chi tiêu tài khóa, điều kiện ngoại thương xấu đi và tình hình trên thị trường lao động vẫn là những yếu tố thúc đẩy rủi ro lạm phát”. Đồng thời lưu ý rằng rủi ro lạm phát thậm chí còn có xu hướng tăng cao hơn.

Lời cảnh báo được đưa ra khi Nga chuyển sang nền kinh tế chiến tranh toàn diện, trong khi các cuộc phản công mới của Ukraine cho thấy Điện Kremlin chi tiêu quốc phòng nhiều hơn.

Trong khi đó, đồng rúp đã giảm khoảng 14% so với đồng đôla cho đến năm 2023, khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn và đẩy lạm phát lên cao hơn. Vào thứ Sáu, đồng rúp đã giảm xuống mức 83 so với đồng đôla, chạm mức thấp nhất trong hơn hai tháng.

Các dữ liệu khác cho thấy Nga đang bị thiếu hụt lao động kỷ lục sau chiến sự Nga - Ukraine. Kể từ năm 2022, quân đội đã huy động 300.000 quân và có kế hoạch huy động thêm hàng trăm nghìn người trong năm nay, trong khi ước tính có khoảng 200.000 người đã thiệt mạng hoặc bị thương ở Ukraine.

Bên cạnh đó, việc người Nga ồ ạt di cư sang các nước khác để trốn nghĩa vụ quân sự hoặc khó khăn kinh tế đã khiến tình trạng thiếu lao động trở nên tồi tệ hơn. Một nghiên cứu gần đây ước tính rằng chỉ riêng năm 2022 đã có 1,3 triệu lao động trẻ rời bỏ lực lượng lao động, đại diện cho một "sự chảy máu chất xám ồ ạt".

Tình trạng thiếu lao động cũng góp phần khiến sản xuất công nghiệp của Nga giảm mạnh vào tháng trước, giảm 5% so với tháng trước.

Ngành công nghiệp ôtô của Nga đã giảm mạnh nhất trong năm ngoái, sản lượng giảm 67%. Năm ngoái, Nga chỉ sản xuất được 450 nghìn ôtô, mức tối thiểu trong lịch sử. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, Nga vẫn còn sản xuất được khoảng 600 nghìn chiếc và trong năm 2012 và 2013, con số này là gần 2 triệu.

Ngành công nghiệp ôtô đã chạm đáy lịch sử, nhưng năm 2023, ngành này dự kiến sẽ tăng trưởng. Việc bán xe "Moskvich" mới được lên kế hoạch tại các đại lý ở 23 thành phố của Nga. Dự kiến trong năm nay, các nhà máy ôtô của Nga có thể sản xuất 600 nghìn chiếc.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu phụ tùng nhập khẩu vẫn chưa mất hẳn: Nga buộc phải cho phép (đến ngày 1/6) việc sản xuất ôtô không có hệ thống chống bó cứng phanh, hệ thống ERA-GLONASS.

Trong khi đó, lĩnh vực sản xuất đồ nội thất giảm nhẹ 2,6%. Sản lượng gỗ tấm giảm 12%, ván ép giảm 29%. Theo Hiệp hội các doanh nghiệp chế biến gỗ và đồ nội thất của Nga thì nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là do nhu cầu về gỗ tấm trong nước và xuất khẩu giảm.

Là mặt hàng không bị liệt vào danh sách trừng phạt, tuy nhiên sản lượng phân bón cũng giảm sút rõ rệt.

Lý do sản xuất phân khoáng giảm sút do sản phẩm bị tồn đọng ở một số doanh nghiệp định hướng xuất khẩu. Nga không thể xuất khẩu phân bón, vì các nước "không thân thiện" đã ngăn cản bằng mọi cách, cho đến khi phân bón trở thành một phần của thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine.

Khánh Vy (Theo Business Insider)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngan-hang-trung-uong-canh-bao-ve-nen-kinh-te-nga-post251298.html