Ngân hàng Trung Quốc đóng băng tiền gửi, gây ra các cuộc biểu tình

Khoảng 1,5 tỷ USD tiền mặt của khách hàng hiện đang ở trong tình trạng lấp lửng sau khi một số ngân hàng địa phương Trung Quốc bất ngờ đóng băng tiền gửi, một triệu khách hàng được cho là đã bị ảnh hưởng bởi quyết định trên.

Các cuộc biểu tình đã nổ ra ở Trung Quốc sau khi một số ngân hàng địa phương đóng băng hoạt động rút tiền của các khách hàng vào cuối tháng 4, làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tín dụng lớn hơn nếu không có sự can thiệp từ các cơ quan tài chính nhà nước.

Rất nhiều khách hàng đã phẫn nộ bởi quyết định đóng băng tiền gửi của một số ngân hàng địa phương Trung Quốc. Ảnh: Getty Images.

Theo báo cáo của Trung Quốc, có ít nhất ba tổ chức tín dụng có trụ sở tại tỉnh Hà Nam - Ngân hàng Yu Zhou Xin Min Sheng Village, Ngân hàng Hạt Shangcai Huimin và Ngân hàng Cộng đồng Zhecheng Huanghuai - đã đóng băng tổng số tiền gửi của khách hàng lên tới 10 tỷ nhân dân tệ (1,49 tỷ USD). Một triệu khách hàng được cho là đã bị ảnh hưởng bởi quyết định trên.

Cả ba đều là các ngân hàng nhỏ, tập trung tại địa phương và được thành lập để phục vụ cho người dân địa phương sinh sống tại khu vực nơi ngân hàng hoạt động. Mặc dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào năm 2021 đã cấm các ngân hàng nhận tiền gửi bên ngoài khu vực kinh doanh của họ, nhưng hầu như mỗi tổ chức tín dụng đều phục vụ khách hàng trên toàn quốc thông qua hình thức trực tuyến.

Một người đàn ông tại Thượng Hải đã gửi 2 triệu nhân dân tệ vào Ngân hàng địa phương Yu Zhou Xin Min Sheng thông qua ứng dụng trực tuyến cho biết: “Bạn tôi đã giới thiệu ngân hàng và nói rằng ngân hàng này có lãi suất cao. Tuy nhiên, tôi không thể truy cập ứng dụng của ngân hàng vào thời điểm hiện tại.”

Vào ngày 8 tháng 4, ngân hàng này đã nói với khách hàng rằng họ sẽ tạm dừng dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ứng dụng trên điện thoại thông minh để tiến hành cập nhật hệ thống.

Người đàn ông tại Thượng Hải nói thêm: “Khi tôi gọi cho họ vào ngày 19 tháng 4 để hỏi về việc rút tiền của tôi, họ nói rằng họ không có tiền gửi dưới tên tôi. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết họ đã điều tra vấn đề này khi tôi báo cáo.”

Trung Quốc đã giới thiệu chương trình bảo hiểm tiền gửi vào năm 2015, đảm bảo lên tới 500.000 nhân dân tệ cho mỗi người gửi tiền. Nhưng có những lo ngại cho rằng các ngân hàng được đề cập trên có thể đã không ghi biên lai hợp lệ.

Một người đàn ông ở tỉnh Quảng Đông cho biết: “Tôi lo lắng rằng khoản tiền gửi của tôi sẽ không được coi là hợp pháp, có nghĩa là tôi sẽ không đủ điều kiện hưởng chương trình bảo hiểm tiền gửi”.

Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc cho biết trên toàn quốc, 1.630 ngân hàng được gọi là ngân hàng làng và thị trấn này đã nắm giữ tổng tài sản 1,69 nghìn tỷ nhân dân tệ tính đến cuối năm 2019. Họ có xu hướng tiết lộ rất ít thông tin của mình bởi quy mô của họ và ba ngân hàng liên quan đến việc đóng băng tiền gửi của khách hàng trên cũng không công bố dữ liệu tài chính của họ trên trang web của ngân hàng hoặc các nền tảng giao dịch khác.

Trung Quốc từ lâu đã coi hệ thống tài chính ổn định là một trong những ưu tiên hàng đầu, vì rắc rối tại các ngân hàng của họ có thể khiến khách hàng cảm thấy khó chịu và gây ra bất ổn xã hội. Trước đó vào năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt Baoshang Bank - một ngân hàng khu vực có trụ sở tại Nội Mông Cổ, bắt đầu thủ tục phá sản. Năm ngoái, nhà phát triển China Evergrande Group cũng đã bán cổ phần của công ty tại Ngân hàng Shengjing rong bối cảnh khủng hoảng nợ lớn.

Huy Hoàng (Theo Asia Nikkei)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngan-hang-trung-quoc-dong-bang-tien-gui-gay-ra-cac-cuoc-bieu-tinh-post196876.html