Ngân hàng nợ xấu, áp lực 'đeo đẳng' thời điểm cuối năm

Nợ xấu gia tăng áp lực đến hệ thống tín dụng, tăng chi phí dự phòng, kéo giảm lợi nhuận của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng nợ xấu đến mức có nguy cơ đến 'lằn ranh đỏ'.

Nợ xấu tăng mức cao nhất gần đến “lằn ranh đỏ”

Báo cáo tài chính quý 3 năm 2023 của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, mã chứng khoán: LPB) cho thấy, bức tranh tài chính không khả quan.

Ngân hàng có Tổng tài sản là 365.450 tỷ đồng – tăng nhẹ so với đầu năm (327.745 tỷ đồng). Khoản nợ phải trả rất lớn lên đến 365.450 tỷ đồng, dẫn đến vốn chủ sở hữu của LPB chỉ đạt hơn 26.489 tỷ đồng.

Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận của LPBank đạt 3.678 tỷ đồng, thực hiện được 61,45% kế hoạch lợi nhuận năm. Lợi nhuận sau thuế của LPB trên Báo cáo tài chính giữa niên độ 3 quý năm 2023 là hơn 2.944 tỷ đồng giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022.

Nợ xấu LPBank tăng mức cao nhất trong 5 năm qua

Chất lượng tài sản của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt giảm so với quý trước với nợ xấu tăng hơn gấp đôi lên 7.366 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 1,46% của đầu năm lên 2,79%, mức cao nhất trong 5 năm qua.

Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng từ 1.352 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2023 lên 2.932 tỷ đồng vào 30/9/2023. Nhóm nợ 4 (nợ nghi ngờ) cũng tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm đầu năm (tăng 1.846 tỷ đồng).

Theo quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN và Công văn số 6561/NHNN-TTGSNH của Ngân hàng Nhà nước thì các tổ chức tín dụng cần duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Vượt quá tỷ lệ này bị coi là không an toàn và là “lằn ranh đỏ” đối với kiểm soát chất lượng cho vay.

“Big 4” của ngành ngân hàng cũng gia tăng nợ xấu

Theo Ngân hàng Nhà nước (báo cáo của trình Quốc hội mới đây) cho biết áp lực nợ xấu lên hệ thống các tổ chức tín dụng đang tiếp tục gia tăng.

Nợ xấu (nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) của Saigonbank đến cuối tháng 9/2023 tăng 9,4% với 435 tỷ đồng đưa tỷ lệ nợ xấu nhích lên 2,23%. Tương tự, chất lượng nợ vay của PGBank cũng không mấy cải thiện khi tổng nợ xấu tại thời điểm 30/09/2023 là 796 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm 2023. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất. Kết quả này đẩy tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,56% lên 2,61%... Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng của ABBank cung từ mức 2,88% đầu năm lên 3,51% đến cuối tháng 9/2023.

“Big 4” của ngành ngân hàng cũng gia tăng nợ xấu (Ảnh: KT)

Nhóm “big 4” cũng có những ngân hàng nợ xấu tăng mạnh như Vietcombank, dù nằm trong nhóm có chất lượng tài sản tốt trong ngành cũng có thêm hơn 6.500 tỷ đồng nợ xấu sau 3 quý năm 2023, với 14.393 tỷ đồng đưa tỷ lệ nợ xấu từ 0,68% cuối năm trước lên 1,21%, dù con số này vẫn ở mức thấp so với mặt bằng chung các ngân hàng hiện nay, nhưng điều này cũng phản ánh một phần những khó khăn kinh tế tài chính.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật đến tháng 7/2023 cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 3,56%, cao hơn mức 2% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH Một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức 6,16% so với tổng dư nợ.

Hoài Lam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/ngan-hang-no-xau-ap-luc-deo-dang-thoi-diem-cuoi-nam-post1064876.vov