Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì trạng thái hút mạnh tiền trên thị trường mở

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vẫn tiếp tục duy trì trạng thái hút mạnh tiền trên thị trường mở, mặt bằng lãi suất tín phiếu có xu hướng tăng vào cuối tuần. Trên thị trường vàng, giá vàng trong nước và thế giới đều có xu hướng tăng trong tuần...

Tiếp tục hút tiền qua thị trường mở

NHNN tiếp tục kéo dài các đợt phát hành tín phiếu để hút mạnh dòng tiền trên thị trường mở và ghi nhận chuỗi 5 tuần liên tiếp bán ròng tín phiếu.

Tổng lượng tín phiếu được NHNN bán ròng trên thị trường mở là 55 nghìn tỷ đồng và thực hiện trong tất cả các ngày trong tuần. Trong các ngày từ 16 đến 18/10, lãi suất trúng thầu tín phiếu đều duy trì ở mức khoảng 1%/năm, tương đương với lãi suất của các đợt phát hành tín phiếu trong tuần trước. Tuy nhiên, lãi suất có xu hướng tăng trong 2 ngày cuối tuần lên mức 1,45%/năm.

Trong khi đó, khối lượng tín phiếu lại có xu hướng giảm qua từ ngày, trong ngày đầu tuần có tới gần 20 nghìn tỷ đồng được phát hành nhưng hôm cuối tuần thì khối lượng trúng thầu chỉ có hơn 1,6 nghìn tỷ đồng.

Hiện tại, thị trường mở vẫn là một công cụ để NHNN điều tiết thị trường tiền tệ. Trong đó, việc phát hành tín phiếu là động thái để NHNN hút bớt dòng tiền trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng), theo đó, khi NHNN vẫn tiếp tục hút tiền thể hiện dòng tiền tại hệ thống ngân hàng vẫn đang trong trạng thái dồi dào.

Lãi suất tín phiếu có xu hướng tăng vào cuối tuần. Ảnh: T.L

Lãi suất tín phiếu có xu hướng tăng vào cuối tuần. Ảnh: T.L

Đề cao sự đóng góp của phụ nữ

Tuần qua, NHNN đã có tọa đàm trong đó đưa ra nội dung trọng tâm đề cao vai trò của phụ nữ trong việc tham gia mọi mặt hoạt động của ngành ngân hàng.

NHNN cho biết đã cơ bản đạt được các mục tiêu chính của Kế hoạch thực hiện bình đẳng giới ngành Ngân hàng giai đoạn 2021- 2030. Đồng thời, NHNN nói riêng và ngành ngân hàng nói chung cũng đã và đang nỗ lực để có những đóng góp tích cực hơn vào sự phát triển của phụ nữ Việt Nam thông qua các chương trình phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam.

Ông Iain Grant Frew - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, cũng đã có những chia sẻ về bình đẳng giới trong lĩnh vực tài chính ở Vương quốc Anh. Theo đó, 35% quản lý cấp cao hàng đầu trong ngành ngân hàng tại Vương quốc Anh là phụ nữ. Từ năm 2016 đến 2021: 14% đến 22% phụ nữ tham gia ban điều hành; 23% đến 32% tham gia.

Tỷ giá vẫn có diễn biến tăng

Tuần qua, diễn biến tỷ giá vẫn theo xu hướng đi lên với mức tăng nhẹ qua từng phiên. Tỷ giá giá trung tâm mở đầu tuần mới với mức 24.077 VND/USD.

Sau đó, tỷ giá trung tâm tăng liên tục trong các ngày tiếp theo, lên mức 24.089 VND/USD vào ngày 17/10, tiếp tục tăng lên 24.093 VND/USD vào 18/10 và 24.096 VND/USD vào hôm 19/20. Cuối tuần, tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ngày 20/10 là 24.100 VND/USD, tính chung cả tuần tăng 23 đồng mỗi Đô la.

Xuất khẩu có thể phục hồi vào quý IV

Quý IV là giai đoạn nhu cầu nhập khẩu tăng và đây là yếu tố tâm lý thường niên dễ gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng của các nền kinh tế lớn trên thế giới có thể hỗ trợ cho sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam và đây có thể là yếu tố giúp cân bằng cung cầu ngoại tệ trong quý cuối năm.

Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá USD được Ngân hàng Vietcombank công bố tăng đều qua từng phiên và chỉ giảm nhẹ hôm cuối tuần. Cụ thể, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank hôm thứ hai ngày 16/10 ở mức 24.630 đồng/USD, sau đó tăng 3 phiên liên tục và đạt mức 24.710 đồng vào ngày 19/10. Phiên ngày thứ sáu 20/10, tỷ giá USD tại Vietcombank là 24.700, cao hơn 70 đồng mỗi Đô la so với hôm đầu tuần.

Mặc dù tỷ giá có xu hướng tăng trong những ngày gần đây, nhưng mức tăng của tỷ giá cũng không lớn. Hiện nay, giới kinh doanh cũng đặt mối quan tâm khá nhiều với tỷ giá vì xu hướng tỷ giá tăng thường diễn ra vào quý cuối năm. Tuy nhiên, hiện tại NHNN vẫn đang có nhiều công cụ có thể điều tiết tỷ giá, đặc biệt trong giai đoạn đầu năm 2023 NHNN cũng đã mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại tệ nên có nguồn ngoại tệ để có thể can thiệp thị trường ngoại hối nếu cần thiết.

Giá vàng thế giới đã trải qua một chu kỳ tăng, nhưng lực tăng có thể giảm dần. Ảnh: T.L

Giá vàng thế giới đã trải qua một chu kỳ tăng, nhưng lực tăng có thể giảm dần. Ảnh: T.L

Giá vàng thế giới vẫn giữ nhịp tăng

Giá vàng trong nước và thế giới đều vẫn có xu hướng tăng trong tuần. Tuy nhiên, tâm điểm của thị trường tuần này lại hướng ra thế giới với sức nóng gia tăng vào cuối tuần, trong khi giá vàng trong nước tuy có tăng nhưng đà tăng không còn mạnh mẽ như tuần trước.

Cụ thể tại thị trường trong nước, giá vàng SJC 9999 hôm thứ hai đầu tuần ghi nhận mức 69,86 triệu đồng mỗi lượng mua vào và 70,55 triệu đồng mỗi lượng. Cuối tuần, giá vàng SJC 9999 là 69,9 triệu đồng mỗi lượng mua vào và 70,62 triệu đồng mỗi lượng bán ra, cao hơn 70 đồng mỗi lượng so với đầu tuần và cao hơn 350 nghìn đồng mỗi lượng so với 1 tuần trước.

Tại thị trường thế giới, giá vàng mở đầu tuần ở mức 1.921 USD/ounce, sau đó duy trì biến động không lớn trong 3 ngày tiếp theo trước khi bùng nổ vào hôm thứ sáu ngày 20/10, vọt tăng lên mức 1.976,4 USD/ounce.

Các chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng giá vàng đang tăng do ảnh hưởng từ chiến tranh Trung Đông, nhưng lực mua thể sẽ cạn dần sau một chu kỳ tăng.

Giá vàng vẫn chịu chi phối bởi chính sách lãi suất trên thế giới

Giá vàng thời gian qua tăng do ảnh hưởng của xung đột quân sự. Tuy nhiên, kim loại quý này vẫn còn chịu tác động bởi chính sách tiền tệ của các nước lớn và nếu lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao và kéo dài có thể sẽ là yếu tố bất lợi cho giá vàng.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ngan-hang-nha-nuoc-van-duy-tri-trang-thai-hut-manh-tien-tren-thi-truong-mo-137979.html