Ngân hàng ngầm có nguy cơ 'sập tiệm' của Trung Quốc: Nợ nhiều gấp đôi tài sản

Zhongzhi - là một công ty quản lý tài sản thuộc sở hữu tư nhân - cho biết thanh khoản đã cạn kiệt và số tiền có thể thu hồi từ việc bán tài sản dự kiến sẽ ở mức thấp...

Một tòa nhà văn phòng của Zhongzhi - Ảnh: Bloomberg.

Doanh nghiệp tài chính khổng lồ dạng ngân hàng ngầm Zhongzhi Enterprise Group Co. của Trung Quốc đang có nguy cơ sụp đổ đã tiết lộ với nhà đầu tư về mức độ khó khăn tài chính, nói rằng đang bị “kẹt thanh khoản nghiêm trọng”, thiếu hụt số vốn lên tới 36,4 tỷ USD.

Zhongzhi - là một công ty quản lý tài sản thuộc sở hữu tư nhân - cho biết thanh khoản đã cạn kiệt và số tiền có thể thu hồi từ việc bán tài sản dự kiến sẽ ở mức thấp. Thông tin này được công ty đưa ra trong một lá thư gửi nhà đầu tư hôm 22/11 do hãng tin Bloomberg thu thập được.

Mối lo ngại về Zhongzhi dã dấy lên vào tháng 8 năm nay, sau khi một công ty tín thác là thành viên của Zhongzhi không chi trả được cho khách hàng rót vốn vào các sản phẩm đầu tư lợi tức cao. Khó khăn tài chính của Zhongzhi đặt ra thêm thách thức đối với Chính phủ Trung Quốc giữa lúc Bắc Kinh đang loay hoay xử lý cuộc khủng hoảng bất động sản và vực dậy tăng trưởng kinh tế.

“Chính phủ Trung Quốc sẽ phải vào cuộc để giúp Zhongzhi và đảm bảo rằng việc bán tài sản của công ty này diễn ra một cách minh bạch và bình đẳng”, nhà sáng lập Sun Jianbo của công ty quản lý tài sản China Vision Capital ở Bắc Kinh nhận định, nói thêm rằng tài sản xấu thường được bán với mức giá thấp hơn 70% so với giá trị. “Đối với nhà đầu tư, đây là một bài học với học phí quá đắt”, ông Sun nhấn mạnh.

Một báo cáo kiểm toán cho thấy tổng nợ của Zhongzhi dao động trong khoảng từ 420-460 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 64 tỷ USD, so với giá trị tài sản là 200 tỷ nhân dân tệ - lá thư gửi nhà đầu tư của công ty cho biết.

Theo Zhongzhi, cái chết của nhà sáng lập Xie Zhikun vào năm 2021 và tiếp đó là một loạt nhà điều hành cấp cao rời công ty đã dẫn tới hoạt động quản lý nội bộ trở nên rời rạc. Những nỗ lực để “tự cứu mình” của Zhongzhi đã không đạt được kết quả như mong đợi - công ty nói trong thư.

Những nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi vấn đề ở Zhongzhi được cho chủ yếu là những cá nhân giàu có. Các ngân hàng ngầm như Zhongzhi là những doanh nghiệp được điều tiết lỏng lẻo, nhưng được phép huy động tiền tiết kiệm của người dân để cấp vốn vay và đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa cơ bản. Trong những năm gần đây, nhiều đối thủ của Zhongzhi đã giảm bớt rủi ro, nhưng Zhongzhi và các công ty con vẫn cấp vốn vay cho các chủ đầu tư bất động sản gặp khó và thâu tóm tài sản của những doanh nghiệp “ngã ngựa” như China Evergrande Group.

“Việc thẩm định chuyên sâu ban đầu cho thấy Zhongzhi đang đối mặt với rủi ro lớn về vận hành doanh nghiệp bền vững và công ty không có đủ tài sản để trang trải nợ trong ngắn hạn”, công ty cho biết trong bức thư.

Ngân hàng ngầm (shadow banking) là một thuật ngữ được đưa ra ở Mỹ vào năm 2007 để chỉ các dịch vụ tài chính được cung cấp ngoài hệ thống ngân hàng chính thức - một lĩnh vực vốn có sự điều tiết cao bởi các quy định của nhà nước. Khác với hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính dạng ngân hàng ngầm có thể cho vay tiền dễ dàng hơn, nhưng các khoản vay đó không được đảm bảo như các khoản vay của ngân hàng truyền thống. Điều này dẫn tới việc khi có nhu cầu thanh toán bất ngờ trên diện rộng, hiệu ứng domino có thể xảy ra.

Ngoài ra, sự giám sát hạn chế của cơ quan chức năng đối với ngân hàng ngầm khiến cho khối nợ thực sự trong hệ thống ngân hàng ngầm, cũng như rủi ro đặt ra đối với nền kinh tế, là điều khó đoán biết. Mấy năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách hạn chế tốc độ phát triển nhanh chóng của những khoản nợ ngoài hệ thống ngân hàng như vậy.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ngan-hang-ngam-co-nguy-co-sap-tiem-cua-trung-quoc-no-nhieu-gap-doi-tai-san.htm