Ngăn chặn tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng

Ngày 2/11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự Sự kiện về rừng và sử dụng đất trong khuôn khổ Hội nghị COP26 diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Anh. Tại sự kiện, các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.

Lực lượng dân quân xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ phát dọn thực bì phòng cháy, chữa cháy rừng.

Nội dung chính tập trung vào vai trò và mối tương quan giữa rừng, đa dạng sinh học và sử dụng đất bền vững, góp phần đạt được sự cân bằng giữa phát thải khí nhà kính do con người gây ra và hấp thụ khí nhà kính tự nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Cụ thể hóa các nội dung Tuyên bố Glasgow, bảo đảm phù hợp với quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng đất bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, ngày 24/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 993/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 2/10/2023, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trong đó, xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu, gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phù hợp và sát với điều kiện thực tế của tỉnh.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, hạn chế tối đa chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, từng bước hạn chế tình trạng suy thoái rừng và suy thoái đất; đến năm 2030, cơ bản đẩy lùi tình trạng mất rừng, suy thoái tài nguyên rừng, suy thoái đất, bảo đảm hài hòa phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện cam kết giảm phát thải nhà kính theo kế hoạch của Chính phủ.

Tập trung phục hồi diện tích rừng tự nhiên nghèo, tăng diện tích rừng tự nhiên trung bình và giàu. Nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ, hiệu suất, hiệu quả kinh tế và tính bền vững của rừng trồng và cây trồng nông nghiệp; trên 100.000 ha rừng được xây dựng phương án quản lý bền vững; trong đó, 5.000-6.000 ha rừng đủ điều kiện cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững.

Thực hiện các mục tiêu trên, trước hết, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tăng cường phối hợp, triển khai các hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về rừng và sử dụng đất đến năm 2030.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; sử dụng đất theo hướng đa mục đích; quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả đất đai; tổ chức thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

Các ngành chức năng tổ chức đánh giá hiện trạng sử dụng đất đang có tranh chấp trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng kế hoạch, phối hợp với các huyện, thành phố để giải quyết. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát và hoàn thiện giao đất gắn với giao rừng; quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai trên địa bàn toàn tỉnh.

Đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích phát triển lâm sản ngoài gỗ, trồng dược liệu dưới tán rừng, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh giao rừng, cho thuê rừng, bảo đảm toàn bộ diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến từng chủ rừng, gắn với trách nhiệm quản lý, phát triển rừng bền vững. Hoàn thành việc giao rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã đang tạm quản lý cho cộng đồng bản, hộ gia đình, cá nhân. Tăng cường năng lực cho cộng đồng bản thực hiện quản lý đất, bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng bản và các hộ gia đình sống gần rừng, phụ thuộc vào rừng.

Tiếp tục hỗ trợ phát triển sinh kế và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững cho cộng đồng dân cư vùng đệm rừng đặc dụng. Triển khai chính sách tín dụng, hỗ trợ dạy nghề, tạo sinh kế, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, người bảo vệ rừng; chính sách khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng gắn với ổn định, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số và người dân ở khu vực có rừng.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển một số mô hình kinh tế kết hợp, vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, vừa phát huy tiềm năng, giá trị tài nguyên rừng; mở rộng dịch vụ môi trường rừng.

Triển khai cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các bon rừng đáp ứng yêu cầu của thị trường các bon trong nước và quốc tế, đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của ngành lâm nghiệp, tạo nguồn tài chính bền vững cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Rà soát, đánh giá việc quản lý sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, thực trạng quản lý, sử dụng quỹ đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường đã bàn giao về địa phương. Tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, ngăn chặn hành vi lấn chiếm đất sản xuất nông nghiệp vào các mục đích khác. Lồng ghép các nguồn vốn đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc sống trong rừng và gần rừng, giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng đến rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp.

Ngọc Thuấn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-de-hom-nay/ngan-chan-tinh-trang-mat-rung-suy-thoai-tai-nguyen-rung-OukkyFGSg.html