Ngăn chặn “nhóm lợi ích”, tăng cường liêm chính doanh nghiệp

QĐND - Hình thành “Nhóm lợi ích thân hữu” do cấu kết tham nhũng, hối lộ giữa doanh nghiệp và quan chức, nhiều doanh nghiệp còn chưa thoát khỏi “chiếc vòng luẩn quẩn” khi thường sử dụng biện pháp hối lộ để tạo lợi thế kinh doanh hay che giấu việc làm sai trái… là những nhận định đáng chú ý tại cuộc Đối thoại về phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần thứ 12 với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư trong công tác PCTN” diễn ra sáng 12-11, tại Hà Nội.

Đối thoại PCTN là nơi gặp gỡ hằng năm giữa đại diện Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ, nhằm đánh giá về thực trạng tham nhũng của Việt Nam trên các lĩnh vực cụ thể, chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế và đưa các khuyến nghị cũng như đề xuất biện pháp giải quyết. Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông An-tô-ni Xtốc (Antony Stokes) phát biểu khuyến cáo, “sức khỏe nền kinh tế” của Việt Nam cũng giống như bất cứ quốc gia nào khác, đều có thể bị phá hủy bởi tham nhũng, mặc dù tiềm năng kinh tế của Việt Nam rất triển vọng.

Quang cảnh Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định, tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội, làm tăng chi phí, phá vỡ nền tảng quản trị của doanh nghiệp và tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Ông lưu ý, khi tham nhũng, hối lộ được thực hiện với sự cấu kết giữa doanh nghiệp với các quan chức tha hóa, sẽ hình thành những “nhóm lợi ích thân hữu”, có khả năng tác động tiêu cực tới quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật và khi đó hậu quả càng thêm nghiêm trọng.

Trước thực tế này, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình hành “nhóm lợi ích”. Chia sẻ quan điểm này, đại diện Ngân hàng Thế giới, ông Giêm An-đơ-xơn (James Anderson) cho biết, thực tế có những doanh nghiệp hễ cứ gặp khó khăn là phản ứng bằng cách đưa hối lộ, thậm chí đưa hối lộ ngay cả khi không có yêu cầu nhằm “bôi trơn” vì lo ngại những khó khăn trong quá trình làm thủ tục hành chính. Ông đặt câu hỏi, tại sao doanh nghiệp không nghĩ tới việc cần phải nắm chắc các quy định của pháp luật cũng có thể giải quyết được vấn đề mà không cần phải đưa hối lộ. “Đưa hối lộ chỉ làm hại chính doanh nghiệp và ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng. Nếu địa phương cải thiện mức độ liêm chính của cán bộ nhưng vẫn tồn tại những doanh nghiệp, giữ thói quen đưa hối lộ thì rất khó chống tham nhũng”, ông Giêm An-đơ-xơn khẳng định.

Bởi vậy, các ý kiến tại đối thoại nhất trí cho rằng, lĩnh vực tư nhân đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống tham nhũng và để tham gia hiệu quả, cần nâng cao tính liêm chính trong hoạt động của các doanh nghiệp. Theo Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hoạt động quản trị doanh nghiệp cần chuyên nghiệp hóa. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó cam kết về trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững và thực hành liêm chính phải được coi là những giá trị cốt lõi. Còn theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, cố vấn thể chế Bộ Phát triển Vương quốc Anh tại Việt Nam, doanh nghiệp cần thiết lập một hệ thống tuân thủ nội bộ nghiêm ngặt “Ngăn chặn-phát hiện-phản hồi”, nhằm chống lại tham nhũng; phối hợp với các doanh nghiệp khác xây dựng những chương trình thúc đẩy minh bạch và đạo đức kinh doanh.

Cũng tại đối thoại, đại diện các nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam đã đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam trong lĩnh vực PCTN. Đại sứ Niu Di-lân đưa ra một số đề xuất đáng chú ý như cần phải nâng cao mức độ độc lập của các thể chế để tạo cơ chế hiệu quả giúp các doanh nghiệp phải đưa hối lộ có thể khiếu nại, tố cáo các hành vi nhũng nhiễu; mở rộng luật PCTN bao quát cả lĩnh vực tư nhân, xử lý cả bên đưa hối lộ; đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan thông qua các giải pháp như mở rộng các dịch vụ công trực tuyến.

Tại đối thoại, các đối tác phát triển và các nhà tài trợ quốc tế ghi nhận và đánh giá tích cực những nỗ lực của Việt Nam cùng những kết quả đạt được trong lĩnh vực PCTN. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh cam kết của Chính phủ trong nỗ lực tiếp tục PCTN, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước làm gương trong việc chống tham nhũng và cải thiện hệ thống quản trị doanh nghiệp.

Qua khảo sát các văn bản, thông tin, phỏng vấn 832 người tại 232 doanh nghiệp, Báo cáo kết quả nghiên cứu “tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp-thực trạng và giải pháp” của Thanh tra Chính phủ, cho biết: Hơn 70% doanh nghiệp tự động đưa “hối lộ nhỏ” cho cán bộ công chức hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ công để giải quyết công việc nhanh chóng. 81% doanh nghiệp cho rằng “tham nhũng vặt” gây lãng phí thời gian, tăng chi phí, gây tâm lý bức xúc cho doanh nghiệp.

MỸ HẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/97/97/272639/Default.aspx