Ngăn chặn bạo lực học đường

Liên tiếp các vụ việc bạo lực học đường xảy ra khiến dư luận bất an.

Nhức nhối

Mới đây, Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một trường hợp trẻ gái học cấp 2 đã có ý định tự tử do bạo lực học đường.

Theo các bác sĩ, đây là trẻ có tính cách hòa đồng, học lực khá và trước đây không có biểu hiện bất thường tâm lý. Tuy nhiên, sự việc xảy ra khi có một nhóm bạn cùng lớp cho rằng trẻ có nói xấu các bạn.

Liên tiếp các vụ việc bạo lực học đường xảy ra khiến dư luận bất an.

Vì thế, trẻ bị các bạn đánh ở trong và bên ngoài trường. Trẻ bị túm tóc, tát, đấm vào bụng, ngực và lưng, dùng chổi, ghế đánh vào người.

Trẻ nhập viện Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, buồn chán, kinh hãi khi nghĩ lại cảnh bị bạn bè đánh đập. Trẻ lo sợ việc tiếp tục đi học sẽ bị bạn bè ở lớp đánh đập và từng có ý định tự tử.

Tại bệnh viện, suốt ngày trẻ chỉ nằm thu mình, cảm giác tự ti và không muốn tâm sự hay trò chuyện với bất kỳ ai. Sau khi thăm khám và làm các trắc nghiệm tâm lý, các bác sĩ và nhà tâm lý đánh giá trẻ bị những sang chấn về tinh thần nặng nề.

Sau một thời gian trị liệu tâm lý, tinh thần của trẻ đã cải thiện hơn. Trẻ cảm thấy khỏe và vui vẻ hơn, hòa đồng với các bạn trong phòng và với mọi người.

Ngoài ra, trẻ cũng ăn, ngủ tốt hơn và được ra viện sau đó. Mặc dù trẻ đã được ra viện, nhưng các bác sĩ vẫn lo lắng về những ảnh hưởng tâm lý lâu dài đối với trẻ đặc biệt khi trẻ đi học trở lại, nếu tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn thì hậu quả sẽ khó lường…

Và gần đây nhất vụ việc một nữ sinh ở Nghệ An tử tự vì bạo lực học đường càng khiến dư luận bất an.

Theo chuyên gia, bạo lực học đường đã trở thành mối lo ngại của rất nhiều gia đình, của nhà trường và là nỗi trăn trở của toàn xã hội vì những hậu quả gây ra.

Bạo lực học đường có thể gây những tổn thương lâu dài về tinh thần của trẻ và cũng là nguyên nhân dẫn đến ý tưởng và hành vi tự tử của trẻ.

TS. Ngô Anh Vinh, Phó Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên cho biết, tại Việt Nam, số liệu thống kê từ các điều tra gần đây cho thấy sự gia tăng đáng kể cả về số lượng và tính chất nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực học đường, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên.

Điều đáng lo ngại hiện nay là bạo lực học đường xảy ra không chỉ ở các học sinh nam mà thực tế lại có nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng.

Lý do có thể rất vu vơ như “nhìn đểu”, bạn mới đến học, bạn học giỏi nhưng không giúp đỡ bạn khác làm bài.

Quan điểm của ông Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng, để nhận diện con mình có bị rơi vào bạo lực học đường hay không, cha mẹ cần phải lưu ý rất nhiều dấu hiệu như áo quần, sách vở, đồ dùng của trẻ có bị rách, mất hay hủy hoại khi đi học về; trẻ có những vết cắt, cào, bầm không giải thích được; có ít bạn bè chơi đùa.

Có những trẻ bày tỏ sự sợ hãi khi phải đi học, sợ đi bộ đến trường và về nhà, hay tham gia sinh hoạt có tổ chức với bạn bè. Trẻ có thể không còn hứng thú làm bài hay thình lình học sút hẳn, lộ vẻ buồn rầu, vui buồn bất thường, khóc, hay trầm cảm khi từ trường về.

Về mặt sức khỏe, trẻ có thể thường xuyên than nhức đầu, đau bụng hay các triệu chứng bệnh khác không có nguyên do; khó ngủ và thường xuyên bị ác mộng; ăn không ngon; lộ vẻ lo lắng và giảm lòng tự tin.

Lập rào chắn

Theo đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương, việc phòng, chống bạo lực học đường phải được xem là công việc của toàn xã hội, là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là gia đình và nhà trường.

Trong gia đình, các bậc phụ huynh cần dành thời gian chia sẻ, quan tâm hơn tới các vấn đề chung quanh trường lớp của trẻ. Việc cung cấp các kỹ năng và kinh nghiệm sống cần thiết sẽ giúp ích rất nhiều cho trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi các vấn đề nguy cơ bạo lực trong trường học.

Đối với học sinh, các em cần tích cực rèn luyện kỹ năng sống, chấp hành tốt nội quy trường học, tránh xa bạo lực học đường, nói không với bạo lực. Học cách kiềm chế cảm xúc.

Đối với nhà trường, môi trường học tập tích cực, thân thiện bên cạnh sự đồng hành của giáo viên là yếu tố cần thiết giúp các em học sinh được học tập và phát triển lành mạnh.

Các giáo viên cần chú ý không có sự phân biệt đối xử giữa các học sinh trong lớp và cần phải đưa ra các nội quy không có hành vi bạo lực ngay từ khi học sinh bắt đầu vào học.

Bên cạnh đó, giáo viên phải luôn lắng nghe học sinh của mình và sớm nhận biết những dấu hiệu bạo lực ở học sinh để đưa ra các biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường.

Còn theo Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm, công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng của các nhà trường hiện nay phần lớn vẫn nặng tính phong trào, phổ biến kiến thức đến tất cả học sinh, chứ không hướng đến từng học sinh, vì vậy chưa mang lại hiệu quả thực chất.

Giáo dục phải tạo ra học sinh có động lực sống, giá trị sống, sống có văn hóa, động viên học sinh giác ngộ, hướng tới chân-thiện-mỹ.

Qua các hoạt động giáo dục, học sinh biết yêu thương, tôn trọng mọi người, tôn trọng bản thân, có lòng bao dung, vị tha, có kỹ năng sống tốt, biết hóa giải, đối đầu, thương lượng và giải quyết vấn đề... Ðể không xảy ra bạo lực học đường, các cơ sở đào tạo phải có kế hoạch giáo dục học sinh đến nơi đến chốn.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của giáo viên chủ nhiệm. Các thầy, cô giáo phải sát sao học sinh, biết nhận diện những khác thường của các em.

Ðồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình, các đoàn thể trong trường học và các học sinh trong lớp của mình để nắm bắt tâm lý, diễn biến bất thường của cá nhân hay nhóm học sinh trong lớp mình chủ nhiệm. Từ đó sớm có những can thiệp cần thiết, tránh xảy ra xô xát, mâu thuẫn đáng tiếc.

Quan điểm của ông Trần Thành Nam cho hay, khi phát hiện ra những triệu chứng trẻ bị bạo lực học đường, cha mẹ cần phải bảo đảm con mình được để mắt tới và bảo đảm an toàn cho con.

Nên lắng nghe và chia sẻ, hỏi rõ điều gì đã xảy ra với con và xảy ra khi nào, ở đâu, có bao nhiêu người là nạn nhân giống con.

Cha mẹ cần phải tỉnh táo, dự báo những nguy cơ có thể tiếp diễn, những hành vi leo thang có thể xảy ra. Đồng thời, cần nhanh chóng liên lạc thông tin với cô chủ nhiệm và nhà trường để cùng phối hợp giám sát.

Nếu trẻ có những biểu hiện trầm trọng, cần phải tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý từ chuyên gia cho cả con mình và nhóm bắt nạt.

Mục tiêu là phải giáo dục sự thấu cảm, đi đến cam kết không tái phạm hành vi và có những những hình thức quản lý giám sát từ phía gia đình của người bắt nạt.

Nhà trường cần cải thiện văn hóa học đường, nội quy rõ ràng, khen thưởng nhất quán; huấn luyện kỷ luật tích cực và quản lý hành vi lớp học tích cực.

Bên cạnh đó, cần triển khai chương trình phòng ngừa bắt nạt (cho mọi đối tượng trong toàn trường); xây dựng hệ thống xác định sớm, can thiệp sớm học sinh có nguy cơ bạo lực cao.

Nhà trường cần thiết lập vận hành định kỳ công tác đánh giá nguy cơ và sàng lọc toàn trường; lập quy trình xử lý các mối đe dọa (với giáo viên, học sinh, tài sản nhà trường theo mức độ nguy cơ).

Chuyên gia này cho rằng, việc quan trọng nhất thời điểm này là cần trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đối diện với bạo lực học đường. Cần phải dạy trẻ kỹ năng sống an toàn trên không gian mạng và quản lý hành vi bắt nạt trên không gian mạng.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng cho biết, hiện TP rất quan tâm tới các hoạt động chăm sóc sức khỏe học đường, trong đó, đặc biệt quan tâm tới sức khỏe tâm thần cho học sinh với mức đầu tư nhiều tỷ đồng.

"Trước tình trạng bạo lực học đường đáng báo động, các trường cần đặc biệt quan tâm triển khai Phòng Tâm lý tham vấn học đường để góp phần phát hiện sớm, tư vấn cho học sinh tránh phát sinh mâu thuẫn, nhất là mâu thuẫn từ các hội, nhóm chat trên mạng xã hội", ông Trung nhấn mạnh.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-d188830.html