Ngăn cái chết đến từ lá ngón

Lá ngón, một loài cây hoang dã của núi rừng, có nhiều ở các tỉnh Tây Bắc và vùng cao xứ Nghệ. Với đặc tính cực độc, hàng năm đã có hàng chục trường hợp tìm đến cái chết bằng cách ăn lá ngón, trong đó có những trường hợp tự kết liễu đời mình vì những nguyên nhân bộc phát, lãng xẹt. Thấy được nguyên nhân, nhưng ngăn chặn lại là điều không dễ.

Những ngày vừa qua, mạng xã hội lan truyền video clip về một người đàn ông tự kết liễu đời mình bằng cách ăn lá ngón. Điều đáng nói, người này đã dùng điện thoại di động, tự quay lại cảnh mình ăn nắm lá ngón, vừa ăn vừa trách móc, hờn dỗi chỉ vì vợ không cho lấy thêm vợ hai!

Tất nhiên, nạn nhân dại dột này đã không giữ được mạng sống, nhưng clip lan truyền chóng mặt đã thêm một lần báo động về vấn nạn tìm đến lá ngón như là giải pháp cuối cùng của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số khi gặp những bế tắc, vướng mắc trong cuộc sống nhưng không được tháo gỡ kịp thời; dù đôi khi, vướng mắc đó là rất đơn giản, thậm chí là lãng nhách, phi lý.

Nỗi đau mang tên lá ngón

Ông Mùa Bá Giờ, Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết: Nhân vật trong video clip nói trên là anh Xồng Bá B, 33 tuổi, trú tại bản Phù Quặc 3, xã Na Ngoi. Nạn nhân đã không qua khỏi sau khi ăn lá ngón tự tử, và đã được gia đình an táng theo phong tục của địa phương.

Theo ông Giờ, sự việc xảy ra vào ngày 27-2, mặc dù đã có vợ con nhưng anh B. vẫn có tình cảm với người con gái khác trong bản và xin vợ được cưới người này về làm vợ hai. Tất nhiên, đề nghị này đều không được phía vợ lẫn gia đình cô gái kia đồng ý. Ngay sau đó, anh B. đi ra khỏi nhà, đến tối không thấy về. Sáng 28-2, gia đình đi tìm thì phát hiện anh B. đã tử vong trên rẫy do ăn lá ngón. Kiểm tra điện thoại anh này phát hiện đoạn video clip “từ biệt” người yêu với những lời lẽ trách móc, giận hờn.

Một cô gái chụp ảnh bên nắm lá ngón trước khi ăn.

Cũng trên địa bàn xã Na Ngoi, vào ngày 3-3, Bệnh xá quân dân y Đoàn kinh tế Quốc phòng 4 đóng trên địa bàn tiếp nhận 3 trường hợp đưa đến cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do lá ngón. Các nạn nhân đang là học sinh lớp 7, được người nhà đưa đến cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, bất tỉnh, mạch đập nhanh và khó bắt, huyết áp khó đo, tính mạng nguy kịch. Sau khi được tiến hành rửa ruột, dùng các biện pháp trợ tim, trợ sức và truyền dịch giải độc kịp thời, cả 3 em đã qua cơn nguy kịch. Được biết, nguyên nhân dẫn đến hành động dại dột là do trên đường đi học về thì phát sinh mâu thuẫn giữa các nhóm bạn nên 3 học sinh này đã rủ nhau vào rừng ăn lá ngón.

Theo bác sĩ Bệnh xá quân dân y Đoàn kinh tế Quốc phòng 4 Nguyễn Công Minh, hằng năm đơn vị tiếp nhận nhiều ca cấp cứu ngộ độc do ăn phải lá ngon, cứu sống hàng chục trường hợp. Theo vị bác sĩ này, những người được cứu sống là do ăn số lượng lá không nhiều, được phát hiện kịp thời trong vòng 1 tiếng đồng hồ sau khi ăn và khi ăn nạn nhân không uống nước. Bởi lá ngón là loại lá có chứa chất cực độc, khi ăn vào cơ thể sẽ gây bỏng, ăn mòn đường ruột, làm đứt vỡ các cơ quan nội tạng. Đặc biệt, nếu ăn lá ngón cùng nước hoặc rượu thì dù chỉ 1-2 lá cũng sẽ gây tử vong gần như ngay lập tức.

Lực lượng tại chỗ cấp cứu cho một nạn nhân ăn lá ngón tự tử.

Được biết, ở các huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An, hằng năm đều xảy ra nhiều vụ việc tử vong liên quan đến cây lá ngón. Loại cây này mọc và phát tán hoang dã trong rừng rất nhiều, nên không khó để phát hiện ra, nhất là các huyện biên giới như Kỳ Sơn, Quế Phong. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Nghệ An đã ghi nhận 13 trường hợp tử vong hoặc ngộ độc liên quan đến loại cây “chết người” này. Con số này năm 2020 là 13 trường hợp, trong đó 9 người được cứu sống.

Nguyên nhân dẫn đến sự việc thường do bột phát, và tỉ lệ tìm đến cây lá ngón của đồng bào dân tộc Mông là nhiều nhất. Ngoài những nguyên nhân khách quan như ăn nhầm, ngâm rượu nhầm rễ cây lá ngón thì cũng có muôn vàn nguyên nhân lãng xẹt khác như mâu thuẫn vợ chồng không hòa giải được, buồn chuyện tình cảm, con cái xin tiền bố mẹ nhưng không cho, hoặc bị bắt về làm vợ, thậm chí là bạn bè xích mích, mâu thuẫn nhau… cũng tìm đến lá ngón để giải quyết. Sâu xa, là trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, nhận thức cuộc sống chưa đầy đủ, thiếu kỹ năng sống và đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vậy nên, khi gặp trắc trở, một số người đã tìm lá ngón như một phương thức giải quyết.

Bộ đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền cho người dân vùng cao về tác hại của cây lá ngón.

Nỗ lực ngăn chặn những cái chết từ cây cực độc

Thầy giáo Nguyễn Đình Hùng, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn kể: Trên địa bàn huyện biên giới này năm nào cũng xảy ra 3-5 vụ học sinh ăn lá ngón để tự tử, tập trung nhiều nhất là khu vực các xã Huồi Tụ và Mường Lống. Theo thầy giáo, việc đưa học sinh đi cấp cứu do ăn lá ngón hàng năm, quen đến độ, dần dà bản thân cũng hình thành được kỹ năng sơ cứu mỗi khi có học sinh ăn lá ngón.

Đại úy Lê Anh Đức, bác sĩ quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An được biết đến với việc tìm ra bài thuốc chống ngộ độc lá ngón hiệu quả, cứu được rất nhiều người thoát khỏi “miệng tử thần” cho rằng, bản thân anh đã cấp cứu cho nhiều trường hợp bị ngộ độc lá ngón, rất đau đớn và ám ảnh. Bài thuốc cấp cứu ngộ độc lá ngón từ các kinh nghiệm dân gian do anh nghiên cứu thành công, từ năm 2016 đến nay đã cứu sống cho hơn 20 nạn nhân và được phổ biến rộng rãi trên địa bàn tỉnh Nghệ An. “Thực ra cứu sống bệnh nhân ngộ độc do lá ngón không khó, cốt lõi là làm sao ngăn họ không ăn lá ngón, đó mới là vấn đề”, bác sĩ Đức trăn trở.

Để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc do lá ngón, thời gian vừa qua các cấp chính quyền, đoàn thể trên địa bàn Nghệ An đã tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân cũng như thực hiện nhổ bỏ, bài trừ cây lá ngón. Bên cạnh đó, từ khi triển khai lực lượng công an chính quy về xã, lực lượng này đã phối hợp với bộ đội biên phòng, tổ chức các cuộc gặp mặt với các già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn nhằm nắm bắt tâm tư tình cảm của người dân để họ trao đổi lại cùng con cháu, người dân trong bản. Cùng với đó, các lực lượng này cũng đã kết hợp với chính quyền, các trường học trên địa bàn, tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp, để người dân và các em học sinh nhận thức được tác hại của lá ngón.

Tổ chức nhổ bỏ cây lá ngón trên địa bàn Nghệ An.

Tại một số xã biên giới vùng cao của Nghệ An, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, còn tổ chức thực hiện ký cam kết giữa các dòng họ, bản về việc không để xảy ra ngộ độc lá ngón, thường xuyên phát động việc xóa nhổ cây lá ngón. Thậm chí, như tại xã Tri Lễ của huyện Quế Phong, chính quyền còn xem lá ngón là vấn nạn kìm hãm phát triển của địa phương nên cần phải thường xuyên họp rút kinh nghiệm, đưa vào nội dung thi đua.

Trong khi đó, một lãnh đạo xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn thì cho rằng, để cuộc chiến với lá ngón đạt hiệu quả, cần có sự chung tay, vào cuộc của cả gia đình, nhà trường, cộng đồng, cả hệ thống chính trị. Yếu tố then chốt nhất vẫn là gia đình, bởi thực tế hiện nay ở đồng bào vùng cao nói chung và đồng bào Mông ở Kỳ Sơn nói riêng, bố mẹ rất ít khi quan tâm, chia sẻ cùng con cái, thậm chí còn thường xuyên quát mắng dẫn đến các cháu xuất hiện trạng thái tự ái, tự ti, tâm lý tiêu cực tức thời. Do vậy, làm sao để thay đổi được tư tưởng cố hữu còn tồn tại trong cộng đồng (dùng cái chết bằng lá ngón để giải thoát hay như tâm lý bắt chước người lớn ăn lá ngón để tìm đến cái chết) luôn là vấn đề được đặt ra, nhưng không dễ để thực hiện được.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Vi Thị Quyên cho biết thêm, hằng năm huyện này đều chỉ đạo chính quyền các xã, tổ chức lồng ghép, tuyên truyền cảnh báo đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn về tác hại của cây lá ngón. Đồng thời, tổ chức ra quân chặt bỏ, đào tận gốc. Nhưng do loại cây này mọc tự nhiên, phát tán tự nhiên nên rất khó để xóa bỏ triệt để. Sắp tới, huyện Kỳ Sơn sẽ hướng dẫn lồng ghép trong chương trình dạy học ở các trường, để nâng cao nhận thức, kỹ năng sống cho học sinh. Qua đó, giúp các em tránh xa loài cây cực độc này.

Lá ngón, hay còn gọi ngón vàng, thuốc rút ruột, là một loại cây dây leo, thường mọc tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Ở Việt Nam, lá ngón được coi là một trong bốn loại cây có độc tính hàng cao nhất (thuộc độc bảng A) gồm: cây củ chi, lá ngón, trúc đào và cây sui. Trong lá ngón có chứa một chất cực độc có thể ngay lập tức gây ra cái chết, đó chính là hoạt chất cực độc alkaloid. Cây lá ngón rất giống và mọc gần nhiều cây thuốc và rau ăn nên dễ dẫn đến sự nhầm lẫn gây hậu quả chết người.

Thiên Thành

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/ngan-cai-chet-den-tu-la-ngon-i646833/