Ngắm sân chơi Hòa Nhập đầu tiên cho trẻ khiếm thị Hà Nội

Là sân chơi đầu tiên dành cho trẻ em khiếm thị tại Hà Nội, sân chơi Hòa Nhập được kì vọng sẽ trở thành nơi các trẻ em bị khiếm thị có cơ hội được vận động, phát triển thể chất, tinh thần, song vẫn bảo đảm an toàn cho các em.

Trong cuộc sống, trẻ em khiếm thị thường phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình hòa nhập với cuộc sống. Nhiều em tỏ ra thiếu tự tin trong các mối quan hệ với bạn bè, gia đình. Ngoài ra, số lượng sân chơi dành riêng cho trẻ em khiếm thị cũng rất ít. Điều này khiến các em bị hạn chế về khả năng hoạt động, vui chơi cũng như giao tiếp với bạn bè đồng trang lứa.

Nhận thấy trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) có quỹ không gian lớn, song chưa có nhiều không gian vận động dành riêng cho các em học sinh khiếm thị - nhóm đối tượng đặc biệt của trường. Các bạn sinh viên thuộc CLB Sinh viên Quy hoạch (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) đã lên kế hoạch và triển khai xây dựng, biến khoảng sân không sử dụng có diện tích 200m2 nằm phía sau dãy phòng học trở thành một sân chơi cộng đồng với sự tài trợ của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, sự hướng dẫn về kỹ thuật của tổ chức ThinkPlayground.

Bạn Nguyễn Hà Thu (CLB Sinh viên Quy hoạch) chia sẻ, mong muốn lớn nhất của các thành viên trong câu lạc bộ là dành tặng cho các em nhỏ khiếm thị một món quà ý nghĩa, bắc thêm một cây cầu nối để giúp các em hoàn thiện những năm tháng tuổi thơ đẹp nhất, cũng như hoàn thiện chính bản thân mình.

Trong suốt quá trình xây dựng, nhiều em học sinh trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu luôn háo hức theo dõi các bạn sinh viên trong CLB Sinh viên Quy hoạch xây dựng hàng ngày.

Hà Thu kể lại: “Vào một buổi chiều, khi vừa hoàn thiện, lắp đặt chiếc xích đu. Các thành viên trong nhóm đều tỏ ra rất mệt, ai cũng uể oải. Bỗng có một vài em nhỏ chạy tới hỏi: Anh chị ơi, xích đu chơi được chưa ạ? Nhìn ánh mắt mong chờ của các em nhỏ, nhóm lại có thêm động lực để tiếp tục công việc của mình”.

Sau gần 2 tháng nỗ lực xây dựng, ngày 2.8.2016, sân chơi Hòa nhập đã chính thức khánh thành và đi vào sử dụng.Thiết kế của sân chơi có cấu trúc phù hợp với hoạt động trẻ em khiếm thị với phần sân chơi chung được trải một lớp cỏ, đặt nhiều loại đồ chơi để học sinh bình thường và học sinh khiếm thị có thể cùng nhau vui đùa.

Nằm dọc theo chiều dài sân chơi là một con đường uốn lượn. Mỗi đoạn đường lại được trải bằng một chất liệu riêng như sỏi, cao-su ép, giúp các em nhỏ khiếm bị có thể cảm nhận và khám phá môi trường xung quanh.

Một điểm đặc biệt của sân chơi là góc âm nhạc, những loại nhạc cụ ở đây đều được tạo ra từ vật liệu tái chế. Bên cạnh việc giúp các em nhỏ học cách cảm nhận nhiều âm sắc khác nhau bằng đôi tai, công trình này còn giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các em. Ngoài ra, những bức tranh tường với các hình ảnh trẻ em vui chơi, đại dương, biển đảo, rừng cây sinh thái... cũng là một điểm nhấn quan trọng tạo nên vẻ đẹp của sân chơi Hòa Nhập.

Cùng ngắm nhìn một số hình ảnh được ghi lại trong quá trình xây dựng và sau khi sân chơi Hòa Nhập hoàn thành:

Những ngày đầu thi công, các thành viên của CLB Sinh viên Quy hoạch đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc thiết kế, xây dựng sân chơi do chưa có kinh nghiệm. Ảnh: CLB Sinh viên Quy hoạch

Mỗi bức tường đều được sơn cẩn thận với nhiều hình ảnh khác nhau. Ảnh: CLB Sinh viên Quy hoạch

Hình ảnh các em nhỏ vui chơi, hòa mình vào thiên nhiên là nội dung chính trong mỗi bức vẽ. Ảnh: Hoàng Thắng

Gỗ, lốp cao su đã cũ, vỏ lon là những vật liệu tạo nên các loại đồ chơi, các thành viên CLB Sinh viên Quy hoạch muốn giáo dục các em nhỏ ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoàng Thắng

Con đường uốn lượn nằm dọc theo chiều dài sân chơi được trải bằng một số chất liệu như sỏi, cao-su ép. Ảnh: Hoàng Thắng

Nhiều em học sinh luôn háo hức theo dõi quá xây dựng sân chơi hàng ngày. Ảnh: CLB Sinh viên Quy hoạch.

Góc âm nhạc. Ảnh: CLB Sinh viên Quy hoạch.

ác em nhỏ thoải mái nô đùa, vui chơi tại đây.Ảnh: CLB Sinh viên Quy hoạch.

Toàn cảnh sân chơi. Ảnh: CLB Sinh viên Quy hoạch.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/ngam-san-choi-hoa-nhap-dau-tien-cho-tre-khiem-thi-ha-noi-708726.html