Ngẫm ngợi cuối tuần: Trái trám đen

Chưa đến rằm tháng Bảy, nhưng ngoài chợ đã có trám đen. Mới chỉ thấy một hàng bày bán. Tuy nhìn biết ngay là trám khai thác non, chín ép cùi mỏng và không ngon, có khi lại còn dính chua. Nhưng tôi vẫn mua bởi là trái đầu mùa...

(TT&VH) - Chưa đến rằm tháng Bảy, nhưng ngoài chợ đã có trám đen. Mới chỉ thấy một hàng bày bán. Tuy nhìn biết ngay là trám khai thác non, chín ép cùi mỏng và không ngon, có khi lại còn dính chua. Nhưng tôi vẫn mua bởi là trái đầu mùa của loại cây tôi thích. Mấy năm trước, cân trám mười lăm nghìn, ngon nục nạc toàn giống trám thoi. Hôm nay lẫn cả trám bầu, quả nhỏ lại mỏng cùi nhưng giá đã lên bốn mươi ngàn. Có đi chợ mới thấy sự rút ruột giá trị tiền trong nhân dân qua chỉ số phần trăm lạm phát là kinh khủng chừng nào. Và hiểu cái giá của sự phát triển thật đắt đỏ mà cả dân tộc góp vào, chứ đâu chỉ là công của mấy đại gia và mấy ông chủ đầu tư. Sự mất giá là cách tháu cáy giá trị một cách vô hình trong túi tiền xã hội. Đến xó xỉnh vùng sâu núi xa cũng vẫn bị thủng túi với chúng dù chẳng chơi với anh ngân hàng hay góp cổ phần đầu tư. Quay lại với trái trám đen này. Nó chỉ thân thuộc với người rẻo cao và trung du thôi. Rẻo cao dùng trám đồ xôi, ướp muối phơi nắng làm lương khô kho thịt cá. Trong trái trám có dầu béo thơm ngậy, lại có vị hơi chua chống ngấy, mới chạm vào đầu lưỡi đã muốn ăn thêm. Người trung du thì chế biến trám cách khác, cốt để ăn trong thời gian ngắn. Lúc bé tôi thường xem mẹ om trám. Bà rửa sạch, cho trám vào nồi đổ cho nước ngập cao hơn một hai đốt ngón tay rồi đun to lửa. Khi nước nóng già, nhìn vào thấy lăn tăn có bọt khí bốc lên thì mẹ tắt lửa, rắc vào nồi nắm muối to khoắng lên giữ nóng, rồi đậy vung lại. Chỉ nửa giờ sau trám chín nhừ, măn mẳn mùi muối. Để đến hôm sau ngấm nghía, thịt trám tím hồng, bửa trám ra chấm với tương quê là bữa cơm chúng tôi bát vơi bát đầy sạch lém. Trám làm cách ấy ăn trong một tuần, để lâu mùi ai ai khó nuốt là lúc trám hỏng. Cây trám đen thân thiện với dân vùng trung du, đã có thời tưởng bị triệt hạ hết vì lối khai thác khoanh thân ken gốc đổ muối cho trám rụng. Sau đó cây thường bị chết vì lớp vỏ khoanh bị muối làm hư mất đường chuyển nước lên thân. Nhưng bây giờ, khi biết quả trám đen lại có giá trị và giá trị lâu bền người ta bắt đầu biết trồng trám, không lại khai thác theo cách ăn cướp nữa với cây họ tự trồng. Có vài chục cây trám giá trị hơn gói tiền cất trong nhà, hàng năm cây cho trái, cuộc sống từ trong ấy mà ra, bền chắc và vững vàng hơn những đồng tiền tích cóp giắt cạp quần đã quen mất giá từng ngày như hôm nay...

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/133n20090725075253243t133/ngam-ngoi-cuoi-tuan-trai-tram-den.htm