Ngắm hóa thạch quý được đề cử Bảo vật quốc gia Việt Nam

Với những giá trị khoa học đặc biệt, bộ sưu tập hóa thạch tuổi đời lên đến 400 triệu năm này đã được lập hồ sơ đề xuất công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam.

Tại một số núi đá ở các tỉnh vùng núi phía Bắc Việt Nam, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều mẫu vật hóa thạch của các loài san hô có niên đại hàng trăm triệu năm. Ảnh: Hóa thạch san hô vách đáy, kỷ Devon (419-393 triệu năm trước), tìm thấy tại Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên, hiện vật của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội.

Những khám phá này cho thấy, một vùng đồi núi rộng lớn ở miền Bắc Việt Nam trong quá khứ từng là đáy biển, qua các quá trình vận động địa chất kéo dài mới có diện mạo như ngày nay. Ảnh: Hóa thạch san hô vách đáy hình tổ ong, kỷ Devon (419-393 triệu năm trước), tìm thấy tại Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.

Một số mẫu hóa thạch san hô đã được Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội thu thập, lưu giữ, và trưng bày phục vụ nhu cầu tham quan, học tập và nghiên cứu của cộng đồng. Ảnh: Hóa thạch san hô mặt trời, kỷ Devon (419-393 triệu năm trước).

Với những giá trị khoa học đặc biệt, bộ sưu tập hóa thạch san hô cổ đại đã được Bảo tàng lập hồ sơ đề xuất công nhận là Bảo vật quốc gia Việt Nam. Ảnh: Hóa thạch san hô vách đáy, kỷ Devon (419-393 triệu năm trước), tìm thấy tại Bản Nhuần, Quảng Chu, Chợ Mới, Bắc Kạn.

Theo tài liệu của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội, san hô đã trải qua một quá trình tiến hóa lâu dài với những dấu vết hóa thạch đơn giản trong kỷ Cambri. Ảnh: Hóa thạch san hô vách đáy, kỷ Devon (419-393 triệu năm trước), tìm thấy tại Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.

Các rạn san hô phong phú bắt đầu phát triển từ kỷ Ordovic (cách đây khoảng 485–443 triệu năm). Ảnh: Hóa thạch san hô bốn tia dạng sừng, kỷ Devon (419-393 triệu năm trước).

Giai đoạn phát triển thịnh vượng nhất của san hô cổ đại là kỷ Devon (cách đây khoảng 419–358 triệu năm), khi môi trường nước biển thuận lợi để hình thành những quần thể san hô lớn. Ảnh: Hóa thạch san hô vách đáy, kỷ Devon sớm (419-393 triệu năm trước), tìm thấy tại Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.

Phần lớn san hô có bộ xương ngoại bì bằng chất vôi. Bộ xương này có thể trở thành hóa thạch, được lưu giữ nguyên vẹn sau hàng trăm triệu năm khi gặp điều kiện thuận lợi. Ảnh: Hóa thạch san hô vách đáy hình tổ ong, kỷ Devon sớm (419-393 triệu năm trước), tìm thấy tại Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.

Từ các hóa thạch san hô cổ đại, các chuyên gia đã xác định được ba phân lớp đã tuyệt chủng, gồm san hô Bốn tia (Tetracorallia), san hô Vách đáy (Tabulata) và san hô Mặt trời (Heliolitoidea). Ảnh: Hóa thạch san hô vách đáy, kỷ Devon (419-393 triệu năm trước), tìm thấy tại Tràng Xá, Võ Nhai, Thái Nguyên.

Các mẫu vật hóa thạch của cả ba lớp san hô này đã được phát hiện tại Việt Nam và có mặt trong bộ sưu tầm quý giá của Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội. Ảnh: Hóa thạch san hô bốn tia dạng sừng, kỷ Devon (419-393 triệu năm trước).

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/ngam-hoa-thach-quy-duoc-de-cu-bao-vat-quoc-gia-viet-nam-1974377.html