Ngậm hoa sống ảo, nhét tỏi trị xoang, vẽ tàn nhang, ngâm bơ: Chạy theo trào lưu độc hại, nhập viện cấp cứu

Trên những trang mạng xã hội nổi tiếng Facebook, TikTok, Weibo… ngày càng xuất hiện nhiều trào lưu độc hại khiến các chuyên gia và bác sĩ phải lên tiếng cảnh báo về hiểm họa đối với sức khỏe.

Đu trend ngậm hoa "sống ảo" và cái kết nhập viện cấp cứu

 Ảnh: SCMP/Handout

Ảnh: SCMP/Handout

Những ngày qua, cơn sốt cầm hoa trúc đào selfie rầm rộ trên mạng xã hội. Những bài đăng của các blogger chia sẻ cách tạo dáng cùng hoa, chẳng hạn như đặt hoa cạnh má, che miệng, cài lên tai, ngậm trong miệng… nhận hàng trăm triệu lượt xem và thu hút hơn hàng chục ngàn bình luận trên Weibo.

Ăn theo trào lưu, một phụ nữ ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, phải nhập viện cấp cứu và được bác sĩ chẩn đoán ngộ độc. Một số cô gái cũng gặp trường hợp tương tự sau khi ngậm trúc đào selfie.

Theo SCMP, trúc đào được trồng nhiều trong các thành phố và công viên ở Trung Quốc vì có khả năng chắn gió, cát tốt cũng như hấp thụ khói bụi do xe cộ thải ra. Cũng chính vì vậy mà loài cây này được ví như “người bảo vệ môi trường” hay “máy hút bụi xanh”.

Tuy nhiên, trúc đào cũng có biệt danh là “sự quyến rũ nguy hiểm” bởi tất cả lá, hoa, cành và thân cây đều rất độc, đến mức chỉ cần cầm bông hoa cũng có thể gây hại nghiêm trọng cho hệ tiêu hóa và tim mạch.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên tránh xa trúc đào. Khi nhiễm độc sẽ xuất hiện các triệu chứng liên quan đường tiêu hóa như buồn nôn, mệt mỏi và không loại trừ khả năng tử vong, dù tỷ lệ này thấp.

Mốt vẽ tàn nhang bằng henna độc hại cho da

 Ảnh: Allure

Ảnh: Allure

Trào lưu trang điểm, vẽ tàn nhang lên mặt bằng henna được người dùng TikTok lăng xê từ năm 2020, đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. Các từ khóa #hennafrepris, #henna lần lượt đạt 159 triệu và 6,6 tỷ lượt xem trên nền tảng này.

Dễ dàng nhận thấy hầu hết người theo đuổi mốt này là người da trắng. Họ sử dụng henna chấm kín mặt tạo cảm giác sợ hãi.

Đối với người dân tại Nam Á, Trung Đông và châu Phi, henna mang ý nghĩa truyền thống tốt đẹp. Vì vậy, họ tỏ rõ sự phản đối, cho rằng người da trắng chiếm đoạt văn hóa khi sử dụng henna để làm đẹp sai cách và mục đích, thiếu tôn trọng giá trị truyền thống của họ.

Ngoài sai lệch văn hóa thẩm mỹ, theo tạp chí làm đẹp Allure, vẽ henna lên mặt còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì không phải loại henna nào cũng an toàn cho da.

Một bác sĩ da liễu của Mỹ cho biết, nhiều loại henna chỉ được dùng cho tóc hoặc móng tay, tuyệt đối không được vẽ lên mặt. Theo giải thích, mực để vẽ henna đen được chiết xuất từ cây lá móng đen, khi chạm vào da mặt sẽ gây dị ứng và các phản ứng khác. Henna rất khó xóa. Những người có da nhạy cảm có thể gặp tình trạng nghiêm trọng như bị chảy dịch, viêm, đỏ da, đau hoặc ngứa dữ dội.

Rước vi khuẩn vào người với “công thức” ngâm bơ trong nước

 Ảnh: The New York Post/TikTok

Ảnh: The New York Post/TikTok

Cuối tháng 5, một tài khoản TikTok khoe “phương pháp kỳ diệu” để bảo quản trái bơ là cắt nửa quả rồi ngâm nước, sau 2 tuần không hư hỏng hay biến màu nâu đen. Video này nhanh chóng lan truyền, thu hút hơn 6 triệu lượt xem.

Một số người dùng TikTok sau đó chia sẻ việc ngâm toàn bộ quả bơ trong hộp nước và cất trữ chúng trong tủ lạnh sẽ giữ được độ tươi xanh tối đa một tháng vì nước làm chậm quá trình oxy hóa.

The New York Post cho biết, nếu nhìn bề ngoài quả bơ, dường như đây là cách bảo quản khoa học. Tuy nhiên, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo "công thức" này tạo điều kiện cho vi khuẩn nguy hiểm phát triển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Theo cơ quan này, bất kỳ mầm bệnh nào (như vi khuẩn Listeria monocytogenes và Salmonella) cư trú trên bề mặt quả bơ đều có thể sinh sôi trong quá trình bảo quản khi bị ngập trong nước.

Nghiên cứu của FDA với 1.615 quả bơ cho thấy 17,73% bơ nhập khẩu và bơ nội địa có dấu vết của vi khuẩn Listeria monocytogenes trên vỏ. Khi tiếp xúc gần, vi khuẩn này sẽ gây hại cho phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, trẻ nhỏ và những người có hệ miễn dịch yếu, ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột với các triệu chứng như sốt, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn.

Ngoài ra, FDA cũng tìm thấy vi khuẩn Salmonella trên vỏ quả bơ. Cả hai vi khuẩn vừa nêu đều có thể gây bệnh nặng và tử vong.

Sự thật đằng sau mẹo nhét tỏi vào mũi trị viêm xoang

 Ảnh: The New York Post/TikTok

Ảnh: The New York Post/TikTok

Một trong những trào lưu độc hại là nhét hai tép tỏi sống đã bóc vỏ vào mũi trong khoảng 10-15 phút. Theo các TikTokers, sau khi lấy tỏi ra, dịch nhầy từ trong mũi ào ạt chảy ra tạo cảm giác thoải mái, không bị nghẹt mũi nữa.

Khi trào lưu nổ ra, đã có hơn 94,9 triệu video liên quan đến hashtag #GarlicInNose. Thậm chí, một bác sĩ mới vào nghề còn đăng tải video với nội dung tương tự và cho rằng nhét tỏi vào mũi rất hiệu quả.

"Mẹo này không nguy hiểm vì tỏi giúp làm sạch các xoang mũi", một tài khoản TikTok viết trong phần chú thích video và nhanh chóng thu hút hơn 21,5 triệu lượt xem.

Tuy nhiên, theo Phó giáo sư Erich Voigt của Khoa Tai - Mũi - Họng tại Bệnh viện NYU Langone Health (New York), nhét tỏi tươi vào mũi khiến cơ thể nhanh chóng sản sinh ra chất nhầy để đẩy tép tỏi và các thành phần hóa học có trong tỏi ra ngoài, chứ không phải dịch nhầy do vi khuẩn hoặc virus có từ trước.

Phó giáo sư Erich Voigt khẳng định, nhét tỏi tươi vào mũi không phải là cách điều trị viêm xoang hiệu quả. Ngược lại còn làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn, gây kích ứng, bỏng rát, nhiễm trùng nặng.

Hạ Anh

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/ngam-hoa-song-ao-nhet-toi-tri-xoang-ve-tan-nhang-ngam-bo-chay-theo-trao-luu-doc-hai-nhap-vien-cap-cuu-d4687.html