Nga 'vô hiệu hóa' trần giá dầu: Một sắc lệnh của TT Putin khiến Mỹ và EU 'bó tay'

Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn dữ liệu theo dõi tàu chở dầu cho thấy khối lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga trong tuần trước đã tăng vọt lên mức cao nhất trong ba tháng qua.

Nga đã tìm được thị trường mới cho dầu mỏ của mình khi dòng chảy dầu đã chuyển hướng sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm qua.

Theo báo cáo, nước này đã xuất khẩu khoảng 3,72 triệu thùng dầu thô mỗi ngày (bpd) trong tuần từ 25/9-1/10, tăng 24% so với tuần trước đó và là mức cao nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 2/7.

Sự gia tăng này đã nâng mức xuất khẩu trung bình trong 4 tuần của Nga lên khoảng 3,3 triệu thùng/ngày, tăng từ 3,2 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tính đến ngày 24/9.

Dòng chảy dầu của Nga tăng mạnh sau khi việc bảo trì tại hai cảng chính Kozmino trên bờ biển Thái Bình Dương và Primorsk trên Biển Baltic kết thúc.

Tiếp tục siết nguồn cung

Arab Saudi và Nga ngày 4/10 tuyên bố gia hạn việc cắt giảm tự nguyện sản lượng dầu và giảm xuất khẩu cho đến cuối năm nay.

Cụ thể, Arab Saudi cho biết nước này sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu thô 1 triệu thùng/ngày (bpd). Theo đó, sản lượng dầu trong tháng 11 và tháng 12 của nước này được ước tính khoảng 9 triệu thùng/ngày.

Về phía Nga, Phó thủ tướng Aleksandr Novak tái khẳng định rằng Moscow sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu dầu ở mức 300.000 thùng/ngày cho đến cuối năm nay, bên cạnh những cam kết cắt giảm trước đó đã được thực hiện với các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+).

Phó thủ tướng Nga Aleksandr Novak.

“Tháng tới, một cuộc phân tích thị trường sẽ được tiến hành để đưa ra quyết định về việc nên cắt giảm sâu hơn hay tăng sản lượng dầu. Điều này bổ sung cho mức giảm tự nguyện mà Nga đã công bố trước đó vào tháng 4/2023, sẽ kéo dài đến cuối tháng 12/2024”, ông Novak giải thích.

Theo phó thủ tướng Nga, việc cắt giảm tự nguyện củng cố những nỗ lực phòng ngừa của các nước OPEC + nhằm hỗ trợ sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ.

Động thái này được đưa ra khi giá dầu toàn cầu chứng kiến mức tăng mạnh so với quý trước, gần 30% trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay, trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế do thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga.

Hôm 4/10, giá dầu Brent hợp đồng tương lai ở mức 90,8 USD/thùng, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ được giao dịch ở mức 89,2 USD/thùng, trong khi dầu Urals được báo giá ở mức 80,2 USD/thùng.

“Vô hiệu hóa” trần giá dầu

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây đã thừa nhận rằng việc áp đặt trần giá đối với dầu mỏ của Nga đã không mang về hiệu quả như mong đợi.

Theo bà Yellen, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ khi mức trần giá dầu được áp dụng. Thế nhưng, hiệu quả của cơ chế này đã giảm sút do Nga bổ sung thêm đội tàu “ma” cũng như điều chỉnh chính sách về tiền bảo hiểm.

Tháng 12 năm ngoái, nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã áp đặt trần giá dầu ở mức 60 USD/thùng đối với xuất khẩu dầu của Nga. Tới tháng 2/2023, những hạn chế tương tự tiếp tục được đưa ra đối với việc xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen.

Tuy nhiên, kể từ đầu mùa hè này, nhiều cơ quan báo cáo giá, tư vấn và truyền thông phản ánh rằng dầu thô của Nga đã được bán trên mức giới hạn.

Ông Valery Andrianov, chuyên gia tại tổ chức tư vấn Infotek, cũng nhận định rằng trên thực tế, cả Mỹ và châu Âu đều không thể gây bất kỳ tác động thực sự nào đối với Nga bằng cách điều chỉnh thông số về trần giá dầu của họ.

Nga đã tìm được thị trường mới cho dầu mỏ của mình khi dòng chảy dầu đã chuyển hướng sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm qua, đồng thời cũng gửi hàng đến các nước như Brazil, Sri Lanka và Pakistan.

Trường Kinh tế Kiev (KSE) ở Ukraine ước tính, doanh thu từ dầu mỏ của Nga có thể tăng do giá dầu thô tăng liên tục và việc giảm chiết khấu đối với dầu của nước này.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 3/10 mới đây, Phó Thủ tướng Nga Novak cũng khẳng định rằn nước này sẽ không bán dầu thô theo cơ chế giá trần do G7 và EU áp đặt mà sẽ tiếp tục bán theo giá thị trường.

“Giá dầu Brent đã tăng, mức chiết khấu đối với dầu của Nga đã giảm và các sản phẩm của chúng tôi được bán theo giá thị trường, cao hơn mức trần”, ông Novak nhấn mạnh.

Ông Novak cho biết các công ty dầu mỏ đang tuân thủ sắc lệnh của Tổng thống Vladimir Putin, theo đó bắt buộc các pháp nhân và cá nhân Nga phải tránh trần giá dầu trong hợp đồng với người mua nước ngoài.

Trước đó, để đáp trả lại việc áp trần giá dầu của Nga, Tổng thống Nga Vladirmir Putin đã ban hành một sắc lệnh về việc không tuân thủ các điều khoản giao hàng dưới mức giá trần trong hợp đồng.

Cụ thể, sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 1/2 cấm cung cấp dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho các quốc gia áp dụng giới hạn giá trong hợp đồng và cũng cấm giao hàng nếu hợp đồng trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến giới hạn này.

Minh Đăng

Theo RT

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nga-vo-hieu-hoa-tran-gia-dau-mot-sac-lenh-cua-tt-putin-khien-my-va-eu-bo-tay-20180504224289698.htm