Nga và Belarus tăng cường hợp tác khu vực nhằm đối phó lệnh trừng phạt

Belarus và Nga đang phải đối mặt với nhiệm vụ không chỉ giảm thiểu hậu quả của các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, mà còn cần tạo ra những động lực thúc đẩy mới.

Du khách tham quan triển lãm “Những ngày của các khu vực Belarus” có thể khám phá về văn hóa, du lịch, kinh tế và đầu tư của khu vực phía Tây Belarus. Ảnh: eng.belta.by

Đầu tháng này, cuộc triển lãm “Những ngày của các khu vực Belarus” đã được khai mạc tại trung tâm triển lãm VDNKh ở Moskva (Nga). Theo Albina Sibirskaya, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Belarus, cuộc triển lãn nhằm tăng sức hấp dẫn của khu vực đối với công dân hai nước, tăng cường lưu lượng du lịch và hoạt động kinh tế.

Hợp tác khu vực chống lại lệnh trừng phạt

Nhà nghiên cứu Sibirskaya lưu ý hiện nay, Belarus và Nga đang phải đối mặt với nhiệm vụ không chỉ giảm thiểu hậu quả của các biện pháp trừng phạt mà còn tạo ra những động lực thúc đẩy mới. Một công cụ hiệu quả là thông qua các hội đồng hợp tác kinh doanh và các nhóm hợp tác chung được thành lập với 79 khu vực của Nga.

Nhờ những nỗ lực chung với các khu vực của Nga, một số khu vực của Belarus đã có sự phát triển về cơ sở hạ tầng và tăng cường thu hút đầu tư. Ngoài ra, các chương trình, dự án giáo dục chung trong lĩnh vực khoa học và đổi mới đang được triển khai, trong khi các mối quan hệ hợp tác đang được hình thành để thành lập các trung tâm dạy nghề và đào tạo chuyên gia trong các ngành khác nhau.

Cùng với đó, hai bên đã triển khai các chương trình chung nhằm phát triển du lịch và hội nhập văn hóa để tăng lưu lượng khách du lịch đến các khu vực, trong khi trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bền vững, an toàn môi trường và sử dụng tài nguyên thiên nhiên ngày càng được mở rộng.

Nhà nghiên cứu Sibirskaya cho rằng, điều quan trọng cần chú ý là các vùng và khu vực khác nhau của Nga có những đặc điểm và tiềm năng riêng. Ví dụ, hợp tác với Moskva và St. Petersburg có thể mang lại khả năng tiếp cận các thị trường tiêu dùng lớn và sự tương tác với khu vực Tyumen hoặc khu vực Perm có thể gắn liền với việc phát triển cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Trong số các khu vực dẫn đầu nhập khẩu các sản phẩm Belarus của Nga, có thể kể đến như Moskva, St. Petersburg, Leningrad, Smolensk, Bryansk, Rostov, Kemerovo và Sverdlovsk. Các khu vực này chiếm 72,5% xuất khẩu của Belarus. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Nga vào Belarus chủ yếu đến từ các vùng Moskva, Tyumen, Smolensk, Samara, Orenburg, Vologda, Kaluga và St. Petersburg.

Hợp tác liên khu vực tích cực giữa Belarus và Nga cũng được thực hiện trong ngành công nghiệp, đặc biệt là đã có quyết định phát triển sản xuất máy bay. Năm 2023, nhà máy hàng không 558 ở Belarus và Nhà máy hàng không dân dụng Ural ở Nga đã ký hợp đồng chế tạo máy bay 19 chỗ. Hiện tại, việc phát triển chung loại máy bay này đang được tiến hành. Theo kế hoạch, hai mẫu đầu tiên sẽ được sản xuất vào năm 2026, nhưng hiện đã có đơn đặt hàng cho 85-100 máy bay thuộc mẫu này.

Các lĩnh vực hợp tác mới

Việc các nhà thầu xây dựng Belarus tham gia xây dựng các dự án lớn ở Nga thể hiện mối quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ giữa hai nước. Trường học Sodruzhestvo, được xây dựng ở Voronezh là một ví dụ điển hình về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và xây dựng.

Tại Diễn đàn các khu vực 2023, sự hợp tác giữa Belarus và khu vực Astrakhan cũng đã được thảo luận. Đặc biệt, việc tạo ra một trung tâm hậu cần dựa trên cảng Astrakhan như một phần của hành lang vận tải Bắc-Nam, có thể cải thiện đáng kể kết nối giao thông và tăng tốc độ di chuyển hàng hóa giữa hai quốc gia. Nhờ dự án này, hai bên có thể gia tăng lưu lượng vận chuyển quá cảnh và phát triển thương mại, cuối cùng sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế của cả hai nước.

Nhà nghiên cứu Sibirskaya kết luận, dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine có tác động tiêu cực, nhưng không ngăn cản được sự phát triển kinh tế của Nga và Belarus. Tuy nhiên, để vượt qua các mối đe dọa trừng phạt, hai nước vẫn cần thực hiện các biện pháp mang tính hệ thống để phát triển sản xuất quốc gia, phát triển công nghệ và thiết bị mới, thiết lập các phương thức bán hàng mới, phát triển thị trường trong nước và hỗ trợ nhà sản xuất trong nước.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo eurasia.expert)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nga-va-belarus-tang-cuong-hop-tac-khu-vuc-nham-doi-pho-lenh-trung-phat-20240307111201008.htm