Nga tiết lộ kế hoạch phóng tên lửa liên lục địa trong năm 2024

Bộ Quốc phòng Nga thông báo, Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga có kế hoạch tiến hành 7 vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong năm 2024.

Nga có kế hoạch tiến hành 7 vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong năm 2024. Ảnh: Anews

"Năm nay, Lực lượng Tên lửa chiến lược có kế hoạch tiến hành 7 vụ phóng ICBM. Trong 5 năm qua, Lực lượng Tên lửa chiến lược đã thực hiện hơn 20 vụ phóng ICBM như một phần trong cuộc thử nghiệm các hệ thống tên lửa tiên tiến và tập trận nhằm quản lý hiệu quả hệ thống vũ trang Nga" - Sputnik dẫn tuyên bố được Bộ Quốc phòng Nga đưa ra hôm 7/1.

Được biết, Nga thường thông báo cho Mỹ về các vụ phóng ICBM hoặc tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) trước ít nhất 24 giờ và Washington cũng hành động tương tự khi có kế hoạch phóng ICBM. Nga và Mỹ hiện đang là hai quốc gia có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Quá trình hiện đại hóa lực lượng răn đe hạt nhân của Nga đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ ruble trong trong thập kỷ qua. Chương trình này bao gồm việc thay thế các tên lửa cũ bằng ICBM Yars và Sarmat, SLBM RSM-56 Bulava và tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân Burevestnik, cũng như các vũ khí chiến lược phóng từ tàu và trên không bằng các tên lửa siêu thanh có thể trang bị vũ khí hạt nhân, cơ động như Zircon, Kinzhal và Avangard.

Tháng 11/2023, Bộ Quốc phòng Nga thông báo tàu ngầm hạt nhân mới Hoàng đế Alexander III của họ đã phóng thành công tên lửa liên lục địa Bulava. Tên lửa được phóng từ biển Trắng, khu vực ngoài khơi phía bắc của Nga, và đã bắn trúng mục tiêu cách đó hàng nghìn km trên bán đảo Kamchatka ở vùng Viễn Đông.

Theo học thuyết hạt nhân của Nga, Moscow sẽ không sử dụng bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào trừ khi nước này bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học, hoặc trong trường hợp đe dọa đến sự tồn vong quốc gia.

Vào tháng 2 năm ngoái, Nga đã đình chỉ việc tham gia vào Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (NEW START) với Mỹ.

Hiệp ước New START được ký kết tại Praha vào năm 2010, có hiệu lực vào năm 2011 và được gia hạn thêm 5 năm từ 2021 ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

New START giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ và Nga có thể triển khai, việc triển khai các tên lửa phóng trên bộ và từ tàu ngầm, cũng như số lượng máy bay ném bom triển khai loại vũ khí này.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nga-tiet-lo-ke-hoach-phong-ten-lua-lien-luc-dia-trong-nam-2024.html